2.2.1.1. Thành tựu
* Đối tượng giáo dục của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của trẻ em ở tuổi ấu thơ. Với các em, lúc này, gia đình như một nhóm xã hội đa dạng. Đó là sự đa dạng về thế hệ, về địa vị xã hội, về trình độ học vấn… Giáo dục gia đình nông dân nói chung và giáo dục gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư nói riêng tham gia vào các giai đoạn trong chu trình sống của con người.
Giai đoạn sơ sinh, trẻ bước đầu hướng về thế giới xung quanh và bắt đầu quá trình học hỏi. Gia đình với sự chăm sóc ân cần như cho ăn, cho uống, tắm rửa… giúp trẻ tạo các thói quen. Đó là môi trường xã hội, tác nhân xã hội hóa duy nhất đối với trẻ em trong giai đoạn này.
Giai đoạn tuổi thơ ấu, trẻ có những trò chơi mô phỏng hoạt động xã hội của người lớn. Các em có những quan hệ với những người ngoài gia đình như quan hệ bạn bè ở trường, ở lớp, ở hàng xóm… Các chủ thể giáo dục của gia đình nông dân Hoa Lư tập trung giúp con nhận thức cái đúng, cái sai, cái được phép, cái không được phép, từng bước xây dựng tình cảm yêu thương, kính trọng của trẻ với ông bà, cha mẹ, anh chị… Giáo dục gia đình nông dân của huyện đã làm tốt vai trò quan trọng trong giai đoạn này là hình thành nền tảng nhân cách cho cả cuộc đời mỗi con người, xuất phát từ thời ấu thơ.
Gia đình trở thành nơi giáo dục ban đầu quan trọng nhất. Ở đó, cha mẹ dìu dắt con đi từ những bước đi đầu tiên, dạy con trở thành người có ích cho xã hội.
Giai đoạn niên thiếu, trẻ em tiếp xúc đa dạng hơn với thế giới xung quanh. Gia đình nông dân cung cấp những giá trị chuẩn mực trong quan hệ ứng xử, những kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống nói chung.
Ngày nay, mặc dù khoa học hiện đại đạt được nhiều thành tựu, song người ta vẫn không phủ nhận được vai trò của giáo dục gia đình bởi những ưu thế vượt trội của nó và cũng bởi nó gắn bó với cả đời người, đặc biệt là lúc còn nhỏ tuổi. Trẻ em tiếp thu văn hóa, kinh nghiệm xã hội không phải bằng lý trí, bằng khái niệm trừu tượng mà giản đơn chỉ là khả năng bắt trước thông qua cử chỉ, tình cảm của những người xung quanh. Ngoài thời gian đi học ở trường, trẻ em được học từ bố mẹ, anh chị… ở nhà như học cấy hái, cày bừa, trồng rau, thu hoạch lúa, phơi thóc… Với những lời lẽ và hành động hết sức cụ thể, mắt thấy tai nghe, các em được phổ biến, truyền thụ rất nhiều điều bổ ích. Thông qua đó, đạo đức, nhân cách của các em được trau rồi. Bởi thế, một trong những đặc điểm của trẻ em nông thôn khác với trẻ em thành phố là các em được giáo dục kỹ năng lao động và tham gia lao động từ rất sớm.
* Chủ thể giáo dục trong các gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư
Tham gia vào quá trình giáo dục trẻ em trong bất cứ gia đình nào thì chủ thể giáo dục chính vẫn là bậc ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi. Riêng đối với gia đình nông dân, các chủ thể này phần lớn là giai cấp nông dân. Vì vậy, họ có những đặc điểm không giống các giai cấp khác.
Giai cấp nông dân là những người lao động sản xuất nhỏ trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Lênin là một trong những người đã dầy công nghiên cứu về nông dân. Người đã phân tích một cách khoa học những đặc điểm chủ yếu của nông dân. Theo ông, một mặt, nông dân là những người lao động (đây là mật cơ bản) nhưng mặt khác, họ là những người tư hữu nhỏ.
Gia đình nông dân Việt Nam từ xưa cho đến nay, phương thức sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước. Với sự khắc nghiệt của môi trường địa lý tự nhiên như bão gió, hạn hán, lũ lụt… nên kiểu lao động này rất cần đến sức mạnh của tập thể để chiến đấu và chiến thắng thiên nhiên. Xuất phát từ sự đòi hỏi rất tự nhiên này mà các công xã nông thôn
thống đã ra đời từ đó. Gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình cũng có những đặc điểm của gia đình nông dân Việt Nam nói chung.
Trước tiên, người nông dân ở Hoa Lư cũng có tính cộng đồng rất cao dẫn đến sự gắn kết Nhà - Làng - Nước khiến cho họ có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất hàng ngày cũng như trong chiến đấu chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Tính dân chủ làng xã xuất hiện sớm đã giúp tổ chức cộng đồng có sự thống nhất, cố kết chặt chẽ. Chính hoàn cảnh này đã tạo nên sắc thái văn hóa, tâm lý, tình cảm, lối sống… hợp thành triết lý sống và hành động mang những đặc trưng riêng của gia đình nông dân. Đó là những triết lý về cội nguồn, lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, lòng vị tha, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau…
Tất cả những đặc điểm nêu trên của các chủ thể giáo dục trẻ em trong các gia đình nông thôn có ảnh hưởng không nhỏ tới các đối tượng được giáo dục. Tại gia đình vốn được coi là trường học đầu tiên và cũng là trường học suốt đời của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, trẻ em được đón nhận những tri thức, kinh nghiệm từ những người gần gũi nhất. Đó là ông bà, là cha mẹ, là các anh các chị, rộng hơn một chút nữa là họ hàng làng xóm. Chính đặc điểm tính cách, nếp sống, nếp nghĩ của những chủ thể này đã tác động trực tiếp đến tâm hồn non nớt của trẻ thơ, dạy cho các em biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thương yêu, giúp đỡ những người thân trong gia đình thông qua việc học tập, lao động theo phương châm tuổi nhỏ làm việc nhỏ, giúp bố mẹ trông em, coi nhà, lớn hơn chút nữa thì giúp cha mẹ công việc đồng áng…
Người nông dân sau những giờ làm việc mệt nhọc ngoài cánh đồng, họ tìm thấy ở gia đình sự ấm cúng, sự chăm sóc lẫn nhau để phục hồi sức khỏe, an ủi, động viên nhau về mặt tinh thần. Chính tình cảm, tình yêu đối với các con đã khiến cho những người nông dân làm cha, làm mẹ biết giữ gìn nhân
cách của mình, tự khắc phục những thói hư, tật xấu, những nhược điểm nói chung, vì tương lai, hạnh phúc của gia đình mình, con cái mình.
Trong gia đình, cha mẹ là những người có vai trò quan trọng, quyết định nhất đến việc giáo dục hình thành và phát triển nhân cách cho con trẻ. Sự yêu thương, tình yêu, hạnh phúc của cha mẹ vừa là phương thức, vừa là nội dung đạo lý, đạo đức đối với con trẻ. Tuy vậy, giữa họ có sự độc lập tương đối khi tham gia giáo dục gia đình.
Người cha thường là trụ cột của gia đình, là tấm gương cho các con noi theo, nhất là con trai, đúng như các cụ đã nói: cha nào con nấy, rau nào sâu nấy, giỏ nhà ai quai nhà ấy… Mặc dù so với người mẹ thì người cha có ít thời gian để chăm sóc, giáo dục con nhưng chính sự nghiệm nghị, cứng rắn của người cha là những điều cần thiết cho con không chỉ trong đời sống hành ngày mà con được thể hiện trong cả đời sống tinh thần, ý chí, nghị lực của con. Ngoài ra, vì là nhà nông nên cha còn thường dạy con trai những công việc nặng nhọc như thu hoạch mùa màng, sửa sang nhà cửa…
Những người làm mẹ có ưu thế dạy con về nếp sống, lối sống đạo đức, giàu sức cảm hóa những khi con vấp ngã trên đường đời. Sự tỷ mỷ, dịu dàng, tình thương của mẹ dễ gần gũi với con, có thể kịp thời uốn nắn những sai lệch của con. Không những thế, mẹ thường dạy con gái những công việc nội trợ, bếp núc, chợ búa, cấy hái, quán xuyến gia đình, thức khuya dạy sớm, chịu thương chịu khó… Người mẹ là cô giáo đầu tiên, đúng như lời của một bài hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, đi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô, ấy hai mẹ hiền”.
Cùng với cha mẹ, ông bà cũng là những chủ thể giáo dục trong các gia đình nông dân. Đó là những người cao tuổi, là tấm gương sáng trong việc giáo dục con cháu. Họ chủ yếu tập trung dạy cháu biết lễ phép, vâng lời người lớn, ngoan ngoãn, hướng dẫn và quản lý cháu vui chơi... Việc ông bà thường
xuyên đi lại thăm nom có ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em, cung cấp kinh nghiệm, vốn sống cho con cháu.
Anh chị em của mỗi thành viên tí hon trong gia đình nông dân là những người ruột thịt, gần gũi, thân thiết, tương trợ lẫn nhau, bên nhau lúc vui buồn... Có những anh chị còn thay cha mẹ dạy bảo các em lúc bố mẹ vắng nhà, hướng dẫn các em học hành, lao động, giải trí.
Hiện nay, ở huyện Hoa Lư cũng như rất nhiều nơi khác, nhiều dòng họ đã được khôi phục, xây dựng quỹ khuyến học để hàng năm tuyên dương con cháu có thành tích học tập, rèn luyện khá giỏi, đỗ đạt, vinh hiển cho gia đình, là niềm tự hào của dòng họ. Chính điều này đã cùng với các thành viên trong gia đình nông dân giáo dục trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn.
* Nội dung giáo dục của gia đình nông dân huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Một là: Thành tựu trong việc thực hiện nội dung giáo dục đạo đức. Trước hết, cần khẳng định rằng phạm trù đạo đức có rất nhiều chuẩn mực với nhiều biểu hiện khác nhau. Ở đây, trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ đề cập đến những khía cạnh cơ bản mà chúng ta thường gặp trong đời sống hàng ngày.
Giáo dục đạo đức là nội dung hàng đầu trong giáo dục gia đình nông dân ở Hoa Lư. Họ đặc biệt chú ý dạy con cách sống, cách đi đứng, nói năng, thái độ, hành vi của cá nhân trước cộng đồng. Phần lớn các chủ thể giáo dục quan tâm nhiều đến đạo Hiếu bởi theo họ, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là cốt lõi của luân lý gia đình, là cái gốc của đạo đức. Theo họ, con cháu phải có thái độ biết ơn công lao trời biển của ông bà, cha mẹ. Từ lòng biết ơn ấy dẫn đến tình cảm kính trọng, phụng dưỡng lúc ông bà, cha mẹ còn sống, thờ cúng lúc họ đã qua đời, làm cho họ đẹp lòng, đem lại vinh quang cho họ.
Giáo dục lòng nhân ái, vị tha (thương người như thể thương thân), giáo dục đức tính thật thà, chất phác, lối sống giản dị. Trải qua nhiều thế hệ sống gắn bó với thiên nhiên cùng với những giá trị vật chất, tinh thần do sức sáng
tạo của tập thể sản sinh ra, là những yếu tố quan trọng góp phần dung dưỡng tâm hồn, tình cảm, để rồi cho đến hiện nay, nhiều gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư vẫn giữ cho mình truyền thống “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”.
Giáo dục tình thương yêu anh chị em trong gia đình cũng là nội dung mà các gia đình nông dân coi trọng. Cha mẹ dạy con phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau:
- “Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” - “Khôn ngoan đá đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” - “Chị ngã em nâng”
- “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”
Ngoài ra, các gia đình nông dân ở Hoa Lư còn dạy con biết khắc phục khó khăn; có tinh thần lạc quan, yêu đời. Đó vốn là một trong những phẩm chất đáng quý của nông dân Việt Nam. Nó được lưu giữ thông qua giáo dục gia đình trong suốt chiều dài của lịch sử.
Ngày nay, khi gia đình nông dân ở Hoa Lư vẫn còn phải vật lộn với thiên nhiên để có được miếng cơm, manh áo; thì việc giáo dục cho con cháu nghị lực vươn lên trên hoàn cảnh là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt là đối với các xã còn khó khăn như xã Ninh Hòa, Ninh Vân, Ninh Thắng, chủ yếu các hộ nông dân sống bằng nghề thuần nông, địa bàn lại không có đường quốc lộ 1A đi qua, không có các khu du lịch, địa hình chủ yếu là núi đá vôi, khí hậu khắc nghiệt, không thuận lợi cho nông nghiệp phát triển; thì việc ông bà, cha mẹ, các anh chị dạy cho trẻ biết hoàn cảnh của gia đình, của địa phương để trên cơ sở đó, các em sớm có ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất (con không chê cha mẹ khó) là việc làm đáng
Hai là: Thành tựu trong việc thực hiện nội dung giáo dục tri thức căn bản Gia đình nông dân cung cấp cho con trẻ những tri thức cơ bản nhất trong cuộc sống như kinh nghiệm ứng xử hàng ngày (học ăn, học nói, học gói, học mở…), kiến thức trong lao động sản xuất (khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen…); những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước (yêu nước thương nòi, con hơn cha là nhà có phúc…) dạy con nghề truyền thống của gia đình, của từng xã… Tất cả những kỹ năng do gia đình nông dân cung cấp cho trẻ em đều gắn liền với kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nội dung giáo dục tinh thần đoàn kết cộng đồng cũng luôn luôn được những người nông dân ở Hoa Lư nhắc nhở cháu con. Ví dụ: tình làng nghĩa xóm, bán anh em xa mua láng giềng gần, tắt lửa tối đèn có nhau…
Ba là: Thành tựu trong việc thực hiện nội dung giáo dục thái độ, kỹ năng lao động.
Trước hết, các gia đình nông dân của huyện Hoa Lư quan tâm giáo dục tinh thần yêu lao động; đức tính siêng năng, chăm chỉ, cần cù, chịu khó; tôn trọng thành quả lao động cho con em của mình.
Ngoài công việc đồng áng, các gia đình nông dân trong huyện còn tích cực trồng trọt, chăn nuôi, làm các công việc khác như dịch vụ du lịch ở Tam Cốc - Bích Động thuộc địa bàn xã Ninh Hải, Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc địa bàn xã Ninh Xuân, Cố đô Hoa Lư thuộc địa bàn xã Trường Yên, Chùa Bái Đính thuộc địa bàn giữa hai xã Trường Yên của huyện Hoa Lư và xã Gia Sinh của huyện Gia Viễn. Bên cạnh đó, những làng nghề thủ công truyền thống cũng thu hút được một lượng đáng kể lao động trong lĩnh vực dịch vụ này vì nó vừa giữ gìn được nghề truyền thống của cha ông, vừa có thêm thu nhập cho gia đình. Chính những điều này đã khiến gia đình nông dân giáo dục trẻ em từ nhỏ đã phải siêng năng, cần cù để có cuộc sống no đủ,
hạnh phúc và đây cũng là mục tiêu quan trọng trong giáo dục thái độ, kỹ năng lao động cho trẻ.
Bốn là, thành tựu trong việc thực hiện nội dung giáo dục thể chất, thẩm mỹ. Những năm gần đây, đời sống của đại đa số nông dân trong huyện được cải thiện rõ rệt, cùng với nó là việc các gia đình chăm lo đến sức khỏe cho trẻ em cũng được thực hiện tốt hơn. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ của mỗi người dân, mỗi gia đình, các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Phần lớn gia đình cho trẻ điều kiện phát triển thể chất như ăn no, mặc ấm, cung cấp những điều kiện thiết yếu để con trẻ ngày càng lớn khôn. Thể chất là điều kiện tối cần thiết để tạo ra và hình thành cấu trúc nhân cách mỗi con người. Điều này đặc biệt quan trọng ở lứa tuổi ấu thơ vì đó là tiền đề để