chặt chẽ hơn
Để phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang đổi mới hiện nay, phải nâng cao chất lượng người lao động. Đào tạo người lao động có học vấn, có kiến thức chuyên môn sâu, có năng lực sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có sức khỏe, quan tâm đến lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân, gia đình… Để hình thành những con người như vậy phải có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các lực lượng giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục này trước hết là nhằm đảm bảo được sự thống nhất trong nhận thức cũng như trong hành động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp đồng tâm hợp lực tập trung sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Điều này cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình và xã hội, cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và gia đình” [18, tr.77].
Gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên có khả năng nhất trong việc chăm lo cho sự phát triển cả thể chất, trí tuệ, tình cảm và đạo đức của thế hệ trẻ, đặc biệt là giai đoạn hình thành nhân cách gốc từ 1 đến 6 tuổi.
Nhà trường là thiết chế giáo dục chính thống của xã hội. Hệ thống nhà trường các cấp trang bị những kiến thức văn hóa, khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học kĩ thuật và chuyên ngành… tạo khả năng phát triển trí tuệ và bản
lĩnh lao động sáng tạo, thực hiện giáo dục toàn diện để hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ.
Xã hội là một môi trường văn hóa đa dạng gồm nhiều thiết chế, tổ chức như Đoàn, Đội, nhóm bạn bè, làng xóm… trong những mối liên hệ cụ thể, tác động tới sự phát triển của thế hệ trẻ.
Các thiết chế và các tổ chức giáo dục khác nhau không thể thay thế cho nhau trong việc giáo dục con người. Mỗi thiết chế, mỗi tổ chức giáo dục có những đặc điểm và sức mạnh riêng, những nội dung, phương pháp giáo dục không phải chỉ bằng sức mạnh của riêng mình mà còn có sự phối hợp của cả xã hội. Nếu xã hội không chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ thì gia đình cũng không có môi trường thuận lợi để thực hiện chức năng giáo dục. Vì vậy, cần có sự hợp tác và thống nhất giữa các lực lượng giáo dục để tạo nên hiệu quả tích cực nhất cho sự hình thành nhân cách trẻ em.
Gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp thống nhất trước tiên là trong nội dung hoạt động giáo dục bao gồm việc nuôi dưỡng, dạy dỗ ở gia đình và nội dung dạy và học của nhà trường. Ví dụ như sự thống nhất giữa dạy văn hóa, kiến thức khoa học với giáo dục đạo đức, nghề nghiệp, sức khỏe, môi trường, dân số,… Ở đây, giáo dục gia đình có thế mạnh đối với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cũng như quan hệ ứng xử cho trẻ, còn nhà trường cũng có trách nhiệm và nhiều thuận lợi trong việc truyền thụ cho các em những vấn đề trên một cách tỉ mỉ, cụ thể, khoa học, có hệ thống, các đoàn thể xã hội trên cơ sở những chủ trương, chính sách địa phương thông qua các buổi sinh hoạt mà tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của người công dân ở mọi lứa tuổi, trong đó đoàn thanh niên, đội thiếu niên là tổ chức trực tiếp giúp các em hình thành lí tưởng chính trị đạo đức, các năng khiếu cá nhân làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.
Sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề quan trọng, cơ bản hàng đầu là tất cả
các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra mối quan hệ phối hợp, vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân hữu ích cho đất nước. Mỗi một lực lượng giáo dục đều có một trọng trách riêng trong quan hệ chủ động phối hợp để thực hiện tốt chức năng giáo dục trẻ em.
Như vậy, việc tăng cường sự phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em chỉ có được khi tất cả các tổ chức (gia đình, xã hội và nhà trường) cùng thống nhất với nhau về mục tiêu, nội dung hình thức, tất cả vì tương lai của thế hệ trẻ. Chi khi nào tất cả mọi tổ chức nói trên nhận thức đúng đắn tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của mình và có những hành động cụ thể, thiết thực thì khi đó mới tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả trong việc giáo dục trẻ em, như Bác Hồ đã từng căn dặn:
“Nhằm mục đích xây dựng cho các em một đời sống tươi vui, sung sướng. Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở thành những người công dân, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” [52, tr.75].
Người còn căn dặn: “Giáo dục trẻ em là một việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách, trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc” [52, tr.74].