Kiến nghị với các cơ quan chức năng, các đoàn thể của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện hoa lư tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 98 - 102)

Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

3.3.2.1. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư

Phòng cần làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo các đơn vị trường lớp trong huyện kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường và xã hội với giáo dục gia đình nông dân, kịp thời thông báo đến gia đình những sai phạm của học sinh để cùng với các bậc cha mẹ uốn nắn, sửa sai, hướng dẫn các em có ý thức hăng say học tập, lao động, tự rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khỏe…

3.3.2.2. Đối với Hội nông dân huyện Hoa Lư

Hội cần tiếp tục hướng dẫn hội viên nông dân tích cực tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và giáo dục con cái tại môi trường gia đình của mình cho tốt. Hội có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội khuyến học… của huyện Hoa Lư để tổ chức thành công những buổi tọa đàm, nói chuyện về kiến thức sản xuất nông nghiệp, kiến thức nuôi dạy con, khuyến khích trẻ em tích cực tham gia và các hoạt động xã hội có ích…

3.3.2.3. Đối với Hội khuyến học huyện Hoa Lư

Hội cần chủ động làm tốt công tác tham mưu với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về công tác khuyến học, khuyến tài theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu,

chú trọng đến công tác vận động toàn dân đưa trẻ em đến trường, nhất là trẻ em sống trong những gia đình nông dân mà đời sống vật chất còn khó khăn.

Hội cũng nên đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng những điển hình về phong trào “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”, động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân và tập thể tiêu biểu trong công tác khuyến học.

3.3.2.4. Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong địa bàn huyện

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực để giúp đỡ các gia đình nông dân thực hiện chức năng giáo dục trẻ em thông qua hoạt động của các đoàn thể. Ủy ban có thể chỉ đạo các ban ngành, các hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể tổ chức các chuyên đề thuộc từng ngành của địa phương nhằm nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe…

3.3.2.5. Đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoa Lư

Trung tâm cần tạo điều kiện để các bậc phụ huynh là nông dân trong huyện, ngoài thời gian làm việc đồng áng, họ có thể theo học một loại hình học tập nào đó để nâng cao trình độ văn hóa cho bản thân, phục vụ cho việc dạy con học tập đạt hiệu quả cao hơn.

3.3.2.6. Đối với Đài truyền thanh huyện Hoa Lư

Đài cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về cách thức giáo dục con cái trong gia đình nông dân vì đại đa số người dân trong huyện sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. So với gia đình trí thức thì nhìn chung, thời gian dành cho con cái của nông dân ít hơn, những phương pháp nuôi dạy của nông dân chủ yếu theo kinh nghiệm mà thế hệ trước truyền lại, phần lớn họ không được đào tạo bài bản qua trường lớp như các giai tầng khác trong xã hội. Bởi thế, nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì hiệu quả giáo dục gia đình nông dân sẽ được nâng lên rõ rệt.

KẾT LUẬN

Gia đình là nơi con người sinh ra, lớn lên và được giáo dục để hình thành, phát triển nhân cách, chuẩn bị bước vào đời và sống suốt cả cuộc đời. Vai trò của gia đình, trong đó có chức năng giáo dục trẻ em đang ngày càng được xã hội đặc biệt quan tâm. Xây dựng gia đình để nó thực hiện tốt chức năng giáo dục của mình là một trong những hoạt động quan trọng mà xã hội cần phải lưu ý.

Trong bối cảnh của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, các chức năng của gia đình đang có những biến đổi. Gia đình nông dân cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nó cũng đang chịu sự tác động của biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội,... đặc biệt là kinh tế thị trường và sự hội nhập quốc tế diễn ra phức tạp, nhiều chiều. Vì vậy, chức năng giáo dục của gia đình cũng chịu nhiều tác động khác nhau.

Nông thôn ngày mai là của thế hệ trẻ, còn thế hệ trẻ thì được giáo dục bắt đầu từ gia đình nông dân. Bởi vậy, cần chăm lo phát triển gia đình nông dân về mọi mặt từ đời sống vật chất, tinh thần đến việc nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho các chủ thể trong giáo dục gia đình, từ việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đời sống đến việc xây dựng môi trường văn hóa ở nông thôn.

Việc nâng cao vai trò giáo dục của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là việc làm cần thiết nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh, góp phần to lớn vào việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và những đổi mới trên địa bàn huyện Hoa Lư nói riêng. Muốn thực hiện được điều này thì chúng ta phải bắt tay vào thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện và phát huy chức năng giáo dục của gia đình nông dân ở Hoa Lư.

Trên cơ sở làm rõ thực trạng và những xu thế trong tương lai của việc thực hiện chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, luận văn đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu mang tính cấp thiết để phát huy chức năng giáo dục của gia đình nông dân ở huyện. Để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, mọi ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của gia đình nhằm từng bước giáo dục nhân cách gốc cho những công dân tương lai ở nông thôn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện hoa lư tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w