Định hướng bình giá

Một phần của tài liệu Vận dụng hệ thống câu hỏi tích cực hóa hoạt động chiếm lĩnh tác phẩm văn chương cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu (Trang 76 - 78)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.1.Định hướng bình giá

Bình giá, thẩm bình là bộ phận quan trọng của khoa học văn học. Trong

tiếp nhận văn học, bình giá là hoạt động hoàn tất quá trình đọc - hiểu để lĩnh hội tác phẩm. Đây là lúc người đọc được thoát ra khỏi những ràng buộc với thời đại của tác phẩm, với tác giả và với văn bản nghệ thuật để có thể tự do bộc lộ cảm xúc riêng tư trong thưởng thức cái hay cái đẹp của tác phẩm. Đây là lúc người đọc xác lập được vị trí quan trọng của mình với ý thức là người đọc có tiềm năng sáng tạo cùng tác phẩm. Người đọc có thể bộc lộ cá tính, bản lĩnh tiếp nhận, khả năng đánh giá của mình. Nếu như năng lực nhận thức là năng lực đi từ tác phẩm đến sự nhận thức về bản thân mình, thì năng lực đánh giá tác phẩm là năng lực nhìn nhận, phát hiện giá trị của tác phẩm ở tầm khái quát, vĩ mô trong nhiều quan hệ giữa tác phẩm với tác giả, với những tác phẩm khác, với đời sống xã hội phát sinh của tác phẩm, với đời sống xã hội ngày nay. Điều đó cũng phản ánh tính quy luật của cơ chế tiếp nhận văn học

bao giờ cũng kèm theo sự đánh giá bình phẩm về tác phẩm với những quan điểm tư tưởng và tiêu chí thẩm mĩ đậm màu sắc cá nhân.

Dạy một tác phẩm cho học sinh không thể dừng lại ở mức „„nhìn ra” (bên trong) thế giới nghệ thuật của tác giả. Con đường phải đi đến là cảm xúc vui, buồn, lo lắng, hồi hộp, đồng tình, phẫn nộ: „„Dạy học sinh chiếm lĩnh là dạy cho học sinh có một sự vận động cảm xúc nội tâm và giúp cho học sinh bộc lộ những rung động, những cảm xúc đó trước thế giới nghệ thuật của nhà văn. Một mặt đưa học sinh đi vào quỹ đạo tiếp nhận tác phẩm một cách đúng quy luật, một mặt là để giáo viên hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao những thu nhận cảm xúc của học sinh” [43, tr.291].

Người đọc muốn bình giá văn học phải đề cao nội dung lí tưởng về con người và cuộc sống trên cơ sở khái quát hoá và điển hình hoá lí tưởng ấy trong hình tượng văn học. Như thế nội dung lí tưởng về cuộc sống không tách rời hiện thực xã hội và số phận con người. Mặt khác hoạt động bình giá cho ta biết cái hay, cái đẹp được nhận thức và đánh giá như thế nào?.

Khi chọn được cái hay để bình giá nên giúp học sinh tìm được lời bình tương ứng với nội dung và tương xứng về văn chương để truyền đạt cái hay đó. Cái tài của người bình giá là chọn đúng và trúng những cái hay trong sáng tạo nghệ thuật bằng con mắt hiểu biết. Sử dụng lời bình có sức diễn tả khái quát và giản dị, đồng thời phải có cách nói khéo, có lời văn gợi ra ý tưởng mới về cảnh vật và tâm hồn. Nói cách khác bình giá tác phẩm văn học là đi tìm cái hay và nói cho người khác hiểu cái hay bằng lời bình đẹp của mình. Hoạt động bình giá thể hiện vai trò chủ quan của người tiếp nhận văn học, là dấu hiệu của sự chuyển hoá thế giới hình tượng nghệ thuật của tác phẩm vào tâm hồn học sinh, là sự tự bộc lộ những rung động, cảm xúc, tình cảm tương ứng trước hình tượng, nhân vật, nội dung tác phẩm. Hoài Thanh cho rằng „„Bình thơ là từ chỗ mình thấy hay, làm thế nào cho người khác cũng cảm thấy hay”. Như vậy có thể thấy bình giá tác phẩm cũng được xem là phê bình, không chỉ phát hiện và ca ngợi những cái hay mà còn phải phát hiện, nói lên những chỗ chưa hay nhằm hiểu tác phẩm văn chương một cách trọn vẹn.

2.4.1.1.Bình giá về những thành công của hình thức nghệ thuật tác phẩm

Hình thức nghệ thuật là chất liệu kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nó là tác động hợp thành của nhiều yếu tố: nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, các quy định của loại thể văn học, những biện pháp nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật, thể hiện hình tượng... tất cả nhằm mục đích biểu hiện trực tiếp và sinh động của nội dung tác phẩm, tạo nên một dạng tồn tại nhất định của nội dung ấy, qua đó xây dựng tác phẩm thành một chỉnh thể thống nhất.

Khi tiến hành bình giá, người đọc cần tìm ra cái đẹp của hình thức văn học, sự thành thạo nghệ thuật thể hiện trong phương thức mô tả, trình bày tác phẩm, cái mới mẻ, độc đáo của hình thức nghệ thuật. Theo Chế Lan Viên, đó là „„cái bề sâu” của tác phẩm, là nghệ thuật thể hiện tâm hồn.

2.4.1.2.Bình giá về ý nghĩa tư tưởng và ý vị nhân sinh của tác phẩm

Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do cá nhân hoặc tập thể sáng tạo nên, nó vừa có khả năng phản ánh hiện thực đời sống vừa có thể biểu hiện thế giới tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của người viết. Nói cách khác, tác phẩm văn học bao giờ cũng thể hiện cách nhìn, cách cảm, cách đánh giá của người nghệ sĩ. Tác phẩm văn học hấp dẫn người đọc không chỉ vì hình thức nghệ thuật mà còn bởi cái đẹp trong tư tưởng và quan niệm của nhà văn về cuộc sống và con người. Nó chứa đựng những tư tưởng, những bài học về lẽ sống, tình người, tình đời... Đây chính là căn cứ để người đọc xác định giá trị của tác phẩm, là cái hay, cái đẹp của nội dung tác phẩm, „„cái bề sau và bề xa” của sáng tác mà khi bình giá ta cần lưu tâm tới.

Một phần của tài liệu Vận dụng hệ thống câu hỏi tích cực hóa hoạt động chiếm lĩnh tác phẩm văn chương cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu (Trang 76 - 78)