Loại thể thơ tượng trưng, siêu thực

Một phần của tài liệu Sử dụng câu hỏi trong dạy học văn bản Đàn ghi ta của Lor-ca Thanh Thảo-ngữ văn 12 - tập 1 (Trang 38 - 41)

9. Cấu trúc luận văn

2.1.1.3. Loại thể thơ tượng trưng, siêu thực

Lor-ca là một trong những bậc thầy cách tân thi ca hiện đại, một đại diện xuất sắc của trường phái thơ tượng trưng và siêu thực. Sách Ngữ văn 12

cho rằng: “Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực mà Thanh Thảo học tập ở chính Lor-ca”. Vì thế GV cần hướng dẫn HS chiếm lĩnh một số tri thức cơ bản về hai trường phái thơ hiện đại này.

* Thơ tượng trưng

Chủ nghĩa tượng trưng là khuynh hướng văn nghệ xuất hiện ở Pháp sau đó lan rộng khắp châu Âu và thế giới vào khoảng đầu thế kỉ XX.

Thơ tượng trưng chủ trương phát huy cao độ mối quan hệ tương giao cảm giác (chuyển đổi cảm giác) trong việc cảm nhận và diễn tả thế giới. Baudelaire, Rimbaud và các nhà thơ tượng trưng nêu lên sự hòa hợp giữa các loại cảm giác. Người ta có thể nghe một hương thơm hoặc ngửi thấy một màu sắc: “Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con, êm ái như những chiếc kèn rừng, xanh như những đồng cỏ” (Tương ứng). Quan niệm về sự hòa hợp giữa các giác quan đã khiến cho thi sĩ cảm thấy được mùi thơm và nghe thấy tiếng nhạc trong ánh trăng rằm trung thu: “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng

giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung sẽ cảm thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả...” (Chơi giữa mùa trăng – Hàn Mặc Tử)

Thơ tượng trưng đề cao trực giác và tính nhạc. Giữa thơ và nhạc có sự tương giao. Các nhà thơ tượng trưng cho rằng cần phải mang “tinh thần âm nhạc” vào thơ ca. Paul Valery – một thành viên của trường phái thơ tượng trưng Pháp định nghĩa: “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”.

Verlaine – ông hoàng của các thi sĩ – một trong những người khai sáng chủ nghĩa tượng trưng – trong Thi pháp (1884) đã chủ trương âm nhạc là trước hết. Câu thơ không kể lể, miêu tả mà gợi cảm và muốn gợi cảm trước hết cần đến âm nhạc.

Các nhà thơ tượng trưng phản đối việc tái hiện hình tượng một cách trực tiếp, tỉ mỉ mà chú trọng đến tính ám thị, tính biểu tượng trong thơ: “Thơ viết ra phải để cho người ta nhẩm đoán từng điểm một, đó là ám thị, là mộng tưởng. Đó là sự vận dụng hoàn mĩ của tính kì diệu. Tương quan cấu tạo ra sự kì diệu này: Ám thị đối tượng từng điểm một, để biểu hiện ra được một trạng thái tâm linh” (Malacmê). Thơ tượng trưng ít biểu lộ tình cảm trực tiếp mà dùng biểu tượng như một cấu tạo hình tượng đặc biệt nói lên những tâm trạng, cảm xúc của tâm hồn.

Các nhà thơ tượng trưng sáng tác chủ yếu dựa trên trực giác. Thơ tượng trưng thường giàu nhạc tính, giàu liên tưởng, tự do trong cảm xúc và tư duy, hình ảnh thơ mang tính chất biểu tượng,... rất hay nhưng không dễ nắm bắt và thấu hiểu như các thể thơ khác.

* Thơ siêu thực

Chủ nghĩa siêu thực là khuynh hướng văn nghệ ra đời ở Pháp vào những năm 10 – 20 của thế kỉ XX và được nhiều giới văn nghệ sĩ ở nhiều nước hưởng ứng như Nhật, Bỉ, Mĩ, Mêhicô...

Về mặt triết học và mĩ học, chủ nghĩa siêu thực bắt nguồn từ lí thuyết về “sự xung động vô thức” trong phân tâm học của Phrớt và chủ nghĩa trực giác phi lí tính của Bétxông và Cơroxe.

Các nhà thơ siêu thực quan niệm có hai thế giới: thế giới hiện thực là thế giới có thể nhìn thấy được, sờ mó được. Phản ánh thế giới đó chỉ là nắm bắt những cái tầm thường. Còn một thế giới khác chỉ cảm thấy trong giấc mơ, trong cõi vô thức, tiên tri, trực giác, linh cảm, tiềm thức, ảo giác, mê sảng mà họ gọi là thế giới siêu thực – trên hiện thực. Thế giới đó là những lĩnh vực vô hạn của sự sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật phải đào sâu vào thế giới vô thức của con người để thâm nhập và khám phá bản chất bên trong của sự vật, của tâm hồn con người. Đó mới là chiều sâu của hiện thực (siêu thực).

Nguyên tắc sáng tác của trường phái siêu thực là đề cao cái ngẫu hứng, chú trọng ghi chép những cái lướt qua trong đầu mà không thông qua một sự kiểm soát gắt gao nào của lý trí.

Dựa theo lí thuyết “tự động tâm linh” của Breton (người sáng lập trường phái siêu thực ở Pháp), trường phái siêu thực thẳng tay gạt bỏ mọi quy tắc trong ngữ pháp, mọi nguyên tắc trong tư duy, giành lấy sự tự do tuyệt đối cho cảm hứng tuôn trào, “vứt bỏ sự phân tích logic, đập tan các gông cùm của lí trí, đạo đức, tôn giáo và chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri” (10; 90). Chính vì vậy mà sáng tác của họ thường cấu thành bằng những dòng liên tưởng tiềm thức, rời rạc, gián cách, cấu trúc phi logic hóa bất ngờ...

Cùng với thơ tượng trưng, thơ siêu thực góp một tiếng nói riêng vào khuynh hướng sáng tác hiện đại. Trường phái này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng nghệ thuật của các nước trong đó có Việt Nam. Tiếp thu những yếu tố của thơ hiện đại phương Tây, Thanh Thảo luôn tìm tòi một phương thức thể hiện mới mẻ những vấn đề muôn thuở của con người. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng, siêu

thực, thể hiện rõ những tìm tòi đổi mới của Thanh Thảo theo khuynh hướng thơ hiện đại.

Một phần của tài liệu Sử dụng câu hỏi trong dạy học văn bản Đàn ghi ta của Lor-ca Thanh Thảo-ngữ văn 12 - tập 1 (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)