Đặc điểm thơ Thanh Thảo

Một phần của tài liệu Sử dụng câu hỏi trong dạy học văn bản Đàn ghi ta của Lor-ca Thanh Thảo-ngữ văn 12 - tập 1 (Trang 28 - 33)

9. Cấu trúc luận văn

2.1.1.1.Đặc điểm thơ Thanh Thảo

Thơ Thanh Thảo giản dị, cất lên từ những cảm xúc chân thành của lòng mình. Ông sống nhiều, sống hết mình với thực tại và gắng đưa chất giản dị, trần trụi của cuộc đời mình vào thơ. Thanh Thảo quan niệm thơ ca phải hướng tới và khám phá cái đẹp trong những gì bình thường thậm chí tầm thường ở những nơi ít người để ý đến. Bởi vậy, ông say mê viết về những cái thuần phác, nguyên thủy, chưa gọt giũa, màu mè, viết về cái “thô sơ” toát lên từ bản chất chân thành, không giả dối. Đó có khi chỉ là hình ảnh những bông hoa quê mùa, dân dã nhưng vào thơ ông gần gũi, đẹp đẽ biết bao:

"Trường Sơn bao màu hoa lạ lẫm Sao anh cứ nhắc về Trâm sắng Sao anh cứ kể về Trâm sắng"

“Thơ Thanh Thảo dành mối quan tâm đặc biệt cho những người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Exenin, Pa-xtec-nắc, Lor-ca...” (27). Đó là Những nghĩa sĩ Cần Giuộc (1980), là Cao Bá Quát trong trường ca Đêm trên cát

(1983), là Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên trong Trò chuyện với nhân vật của mình (2002).

Điều dễ nhận ra ở những con người này là tấm lòng xả thân vì nghĩa dù biết trước cái giá phải trả. Đó là những con người dám đi đầu, dũng cảm, hiên ngang vì lí tưởng của mình và lẽ đời. Phải chăng Thanh Thảo bắt gặp mình trong đó khi dấn thân vào con đường cách tân thơ ca đầy gian truân?

Một nét đặc sắc trong thơ Thanh Thảo là những vần thơ suy tư, trăn trở về con người. Thơ Thanh Thảo là sự truy tìm tận cùng bản chất của từng sự vật, hiện tượng. Khi viết về nhân dân, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng:

"Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người Mồ hôi vã một trời sao trên đất"

Đọc thơ Thanh Thảo ta khó tìm thấy một câu thơ ám ảnh, một câu thơ xuất thần mà cái hay toát lên từ cảm xúc, từ cả bài thơ chứ không phải là một câu đơn lẻ. Cái hay của thơ Thanh Thảo vừa lạ vừa quen. Lạ vì lối nhìn, lối suy nghĩ mang tính phát hiện và cách diễn tả độc đáo của riêng nhà thơ. Nhưng quen vì cảm nghĩ của nhà thơ phù hợp với cảm nghĩ của ta, dường như ông đã nói hộ ta những điều sâu kín trong tâm hồn mà ta không thể diễn tả được. Chính cách ảnh hưởng của lối thơ tượng trưng siêu thực ít nhiều để lại dấu ấn trong nội dung cũng như hình thức thể hiện độc đáo trong thơ ông.

Thanh Thảo quan niệm hình thức cấu trúc của thơ theo kiểu rubich. Rubich là một kiểu trò chơi đòi hỏi sự thông minh và tư duy. Với các mảng màu nhỏ xếp ngẫu nhiên ở sáu mặt của một khối vuông, chúng ta có thể xoay tự do sáu mặt đó để sắp xếp các màu giống nhau về một mặt. Tất cả

đều có thể chuyển động nhưng đều xoay quanh một trục cố định ở giữa. Cấu trúc thơ theo kiểu rubich có nghĩa là thơ có thể hoàn toàn tự do liên tưởng, “gọi” hình ảnh, âm thanh, nhạc điệu... theo cảm hứng khoáng đạt nhưng nó phải có một trục cố định để mọi liên tưởng bất chợt quy tụ và xoay quanh nó. Đó chính là ý thức của nghệ sĩ, là mặt cảm xúc, chiều sâu ý nghĩa mà người sáng tác gửi gắm.

Chính quan niệm mới mẻ đó đã khiến thơ Thanh Thảo được tổ chức theo một sự liên tưởng khá tự do, phóng túng, miên man, bất tận, đổi mạch bất ngờ và liên tục:

“Có viên ngọc đá óng ánh bảy màu Ai tìm thấy sẽ nhiều hạnh phúc Vẫn không bằng sự thật

Có loài ngựa quý phi nhanh hơn tên bay Ai cưỡi nó sẽ thành người chinh phục Vẫn không bằng sự thật

Có trái cây ngọt hơn đường

Ăn một miếng nghe nhẹ mình như chim cắt Vẫn không bằng sự thật”

(Những ngọn sóng mặt trời)

Mọi hình ảnh liên tưởng khá thú vị nhưng đều quy chung vào một ý nghĩa đó là giá trị lớn lao hơn cả hạnh phúc, địa vị, sự sống – đó chính là sự thật.

Cấu trúc thơ Thanh Thảo là sự hòa trộn giữa thời gian và không gian, thực và ảo: “Buổi chiều thở dài những cây keo con đường dấu chân trâu chân bò khô dưới gió bấc những bông lúa vổng bông lúa lép ngơ ngác giữa ruộng lúa chớm trổ đòng còn bao lâu cho mặt trăng buồng chuối biển sóng/ Đêm động trời/ Vài đốm lửa đơn chiếc trên đỉnh núi mùa xuân sắp về trong mạch đập những cuống lá”(Một trăm mảnh gỗ vuông).

Đó là sự khước từ lí tính, xáo trộn tất cả những dòng chảy miên man bất định. Nó hoàn toàn giống với cấu trúc thơ tượng trưng siêu thực mà Thanh Thảo đã chịu ảnh hưởng.

Đặc biệt, cấu trúc theo kiểu rubich còn là sự giản lược tối đã và gợi mở tối đa hình thức thơ: Dấu chân qua trảng cỏ, Từ một đến một trăm... đã thể hiện rõ điều đó. Thơ Thanh Thảo tác động đến người đọc bằng cảm xúc thông qua sự dẫn dắt của liên tưởng cho nên người đọc càng có kiến thức về cuộc sống, càng có sự liên tưởng phong phú thì càng ngắm được cái hay trong thơ ông.

Cấu trúc thơ là một trong những bước đột phá, cách tân mạnh mẽ nhất của Thanh Thảo. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà thơ đã mang đến một lối diễn đạt mới, không dễ dãi nhưng đa nghĩa khiến ấn tượng chung khi đọc thơ ông là hay nhưng khó, càng khó ta càng tò mò khám phá, càng khám phá càng thấy hay.

Ngôn ngữ là chất liệu làm nên thơ. Thanh Thảo cực kì kiêng kị lối dùng chữ sáo mòn, buông thả, dễ dãi,... mỗi câu, mỗi chữ đều được nhà thơ cân nhắc và đặt vào từng vị trí, chức năng nhất định mà khó có thể thay thế bằng chữ khác. Chính vì vậy, từng câu từng chữ trong thơ Thanh Thảo rất giàu cảm xúc, khiến sự vật sống động, có hồn:

“Cơn mưa lớn nuốt trời xanh khoảnh khắc” Hay:

“Mưa hốt hoảng trườn qua tầng cây”

Từng câu, từng chữ Thanh Thảo sử dụng đều hết sức tự nhiên, tình cờ như vô ý, như vừa “nhặt được ở đâu đó”.

Đặc biệt, ngôn ngữ thơ Thanh Thảo gián cách và giản lược đến mức tối đa các quan hệ từ, khiến câu chữ chứa đựng nhiều khoảng trống, tạo sự đa nghĩa, tầng sâu suy tư từ người đọc. Câu thơ “Giọt nước mắt vầng trăng” có

thể hiểu theo rất nhiều nghĩa tùy theo quan hệ từ mà ta thêm vào giữa “giọt nước mắt và vầng trăng”.

Hình ảnh trong thơ Thanh Thảo cũng mang một dấu ấn riêng. Đó chính là những hình ảnh giản dị, đời thường nhưng có sức gợi lớn và phản ánh được chiều sâu bản chất của sự việc:

“Này bác gió

Hãy thôi xuyên thân hình ta như ông sáo Khúc nhạc dành cho những chồi non Ta sẽ đẩy tiếp sá cày

Trên khoảng đời còn hoang hóa” (Đêm trên cát) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hình ảnh và ngôn ngữ là hai yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên vẻ đặc sắc trong thơ và cái hay trong thơ Thanh Thảo là nhà thơ đã biết lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, thân thuộc nhưng thổi hồn vào nó bằng cách tạo ra các khoảng lặng của ngôn từ để gợi mở được chiều sâu tâm hồn.

“Thi trung hữu nhạc” là một định đề muôn thưở của thơ ca. “Ngân nga cả bên trong và bên ngoài mỗi tiếng thơ, nhạc đã thực sự là phần hồn của thơ. Nó là hơi thở của ngôn từ thơ” (26). Để làm các trường ca Những người đi tới biển, Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ của mùa xuân, Đêm trên cát...

Thanh Thảo đã mượn cấu trúc của các bản giao hưởng và xônat nên khi đọc lên chúng ta thấy dáng vẻ lạ của một trường ca – giao hưởng. Còn trong những bài thơ ngắn như Đàn ghi ta của Lor-ca ta lại được tận hưởng cấu trúc của một bản nhạc ngắn. Nhịp điệu trong thơ Thanh Thảo không chỉ bắt nguồn từ thể thơ tự do, cách ngắt nhịp khoáng đạt mà còn bởi cách sắp xếp các hình ảnh mang tính biểu tượng liền kề nhau, tạo sức liên tưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, tính nhạc trong thơ không chỉ là hình thức mà còn có một nhịp điệu ngầm qua từng câu chữ. Nó xuất phát từ nhịp điệu tâm hồn nhà thơ. Thanh Thảo không thiên về tạo lập nhịp điệu của ngôn ngữ mà mạnh về nhịp điệu của tâm hồn,

hình ảnh. Chính sự kết hợp đậm đà giữa thơ và nhạc trong thơ khiến thơ Thanh Thảo mang giọng điệu riêng vừa nhẹ nhàng, bay bổng, trầm lắng, thâm thúy, đậm chất suy tư.

Những yếu tố góp phần tạo nên đặc điểm thơ Thanh Thảo chính là chìa khóa để người đọc đi giải mã, khám phá từng bài thơ cụ thể của ông nói chung và thi phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca nói riêng.

Một phần của tài liệu Sử dụng câu hỏi trong dạy học văn bản Đàn ghi ta của Lor-ca Thanh Thảo-ngữ văn 12 - tập 1 (Trang 28 - 33)