6. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Mối tương quan giữa văn hóa – văn học
1.2.2.1. Văn học là đỉnh cao của văn hóa
Văn học là yếu tố lưu giữ văn hóa, là đỉnh cao của văn hóa, tồn tại với tư cách là hoạt động văn hóa bằng ngôn từ. Văn học là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Văn hóa thâm nhập và tồn tại trong toàn bộ mọi phương diện của xã hội. Vì vậy, văn học tất yếu phải phản ánh văn hóa. Văn học phản ánh sự thâm nhập và tồn tại của văn hóa trong các hiện tượng đời sống qua các hình tượng nghệ thuật, từ đó phác họa bộ mặt và chiều sâu văn hóa.
Văn hóa của một đất nước, một dân tộc đó là toàn bộ những gì đúc kết từ ngàn xưa để lại, đó là truyền thống của cả một dân tộc nên đòi hỏi mỗi
người đều phải có ý thức tự bảo vệ, lưu giữ nó và truyền lại từ đời này sang đời khác. Chính vì vậy mà chúng ta thấy không có một sự truyền đạt nào bền vững bằng sự truyền đạt trên lĩnh vực văn học. Văn học là cái nôi của mọi nền tảng văn hóa, nó góp phần truyền đạt, lưu giữ và nâng cao các giá trị văn hóa của dân tộc. Các phong tục văn hóa, truyền thống văn hóa khi được đưa vào văn học nó trở nên đẹp hơn, quan trọng hơn và tăng thêm phần giá trị. Văn học góp phần làm cho văn hóa dễ dàng được tiếp nhận và ngày càng phát triển rộng rãi hơn. Từ một nền văn hóa mang đậm dấu ấn của dân tộc khi đưa vào văn học nó không những vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa mà còn làm cho văn hóa đó ngày càng được phát huy và thu hút được nhiều người biết đến và đi sâu hơn nữa vào đời sống sinh hoạt của con người.
1.2.2.2.Văn học không chỉ lưu giữ văn hóa mà còn là bộ phận quan trọng,
nòng cốt của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa
Nói đến văn hóa đó là những nét truyền thống của một dân tộc, là bản sắc của dân tộc nhưng đôi khi bản sắc và truyền thống đó không được nhiều người biết đến mà chỉ qua văn học họ mới nhận biết và hiểu hết về nó. Văn học giúp chúng ta nhìn nhận được nhiều vấn đề về bản sắc văn hóa của dân tộc, cho chúng ta thấy hết vẻ đẹp và vai trò quan trọng của văn hóa đối với một quốc gia. Văn học không chỉ có vai trò lưu giữ văn hóa mà nó còn là nòng cốt của văn hóa và sáng tạo ra văn hóa. Nếu không có văn học thì văn hóa sẽ không được phát triển và không được lưu truyền một cách rộng rãi. Văn học là mảnh đất để phát triển văn hóa, đến với văn học là đến với cái đẹp, đến với sự toàn mỹ.
Nói đến vai trò lưu giữ của văn học đối với văn hóa ta thấy:
Văn hóa bao giờ cũng là cái có trước, những cái được truyền lại cho thế hệ sau và đó cũng là những nét rất đặc trưng của mỗi dân tộc. Ở đây văn học có vai trò lưu giữ văn hóa là không làm mất mát, sai lệch đi những gì đã thuộc về truyền thống dân tộc. Nhưng chỉ lưu giữ nó như một báu vật ở đời thì cũng
chưa hẳn đã là tốt mà trên cơ sở nền văn hóa đó khi đi vào văn học chúng ta phải làm sao vừa giữ được nền văn hóa mà lại vừa có sự sáng tạo, phát huy để nền văn hóa trở nên hoàn thiện và ngày càng phát triển hơn.
Sở dĩ văn học là một bộ phận quan trọng, nòng cốt của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa là vì văn học có vai trò nâng cao giá trị văn hóa và phát huy giá trị văn hóa đó; văn học góp phần quan trọng khi đưa văn hóa đến với đông đảo quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Từ những nét văn hóa của dân tộc, văn học còn có thể làm mới nó và sáng tạo ra những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân gian. Văn học và văn hóa bao giờ cũng luôn đi cùng và hỗ trợ cho nhau, không có một tác phẩm văn học nào mà không có các yếu tố văn hóa và cũng không có nền văn hóa nào phát triển mà xa rời văn học được.
Như vậy, ta thấy văn học và văn hóa luôn đồng hành cùng nhau, cùng gắn bó và cùng nhau phát triển.
1.2.2.3. Văn hó a là cơ sở, nền tảng của văn học
Văn hóa bao giờ cũng có trước và là tiền đề cho văn học phát triển. Văn hóa là cơ sở, nền tảng để văn học phát huy khả năng của mình. Tại sao nói văn hóa là cơ sở, nền tảng của văn học chính bởi vì văn hóa là cái để cho văn học dựa vào đó phát triển và sáng tạo.
Ngày nay hẳn ai cũng thừa nhận văn hóa là một tổng thể, một hệ thống, bao gồm nhiều yếu tố trong đó có văn học. Như vậy, văn hóa chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Đây là quan hệ bất khả kháng. Tuy nhiên, văn học so với các yếu tố khác là một yếu tố mạnh và năng động, bởi thế nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống. Trong khi đó thì hệ thống, nhất là hệ thống văn hóa luôn có xu hướng duy trì sự ổn định, như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hóa là không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ đó mà văn học có sáng tạo. Sáng tạo những
giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi lớn của hệ thống.
Nếu văn học chỉ là một bộ phận của văn hóa, một yếu tố trong hệ thống văn hóa thì nó không thể và không có quyền “vượt mặt” hệ thống để tiếp xúc với hoặc tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội, mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hóa. Từ đây có thể thấy văn học nếu có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được mà chỉ có thể thông qua “lăng kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà tránh được sự phản ánh “gương” phản ánh một cách trần trụi. Và, có lẽ cũng nhờ thế mà tạo cho văn học một lối phản ánh đặc trưng, phản ảnh như người ta thường nói, có nghệ thuật. Nhưng liệu một tia sáng phản chiếu mà phải đi qua một bầu khí quyển văn hóa với nhiều khúc xạ như vậy thì có còn nguyên giá trị phản ánh hay chỉ còn là giá trị thẩm mỹ? Vì thế, cũng có thể kết luận rằng, văn học không thể có ảnh hưởng tức thời, trực tiếp đến hành động của con người mà chỉ có thể tác động đến con người với tư cách là chủ - khách thể của văn hóa, làm cho con người biến chuyển rồi mới phát sinh hành động cụ thể.
1.2.2.4. Văn học không chỉ thụ động chi ̣u sự chi phối , quy đi ̣nh của văn hóa
mà nó còn tích cực chủ động trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa
Như ta đã thấy, văn hóa bao giờ cũng là cái có trước và là tiền đề cho văn học phát triển. Tuy nhiên, văn học không chỉ thụ động chịu sự chi phối, quy định của văn hóa mà nó còn tích cực chủ động trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hóa được đề cập đến trong văn học bao giờ cũng là những giá trị tiêu biểu và đặc sắc nhất, văn học lựa chọn những giá trị đó để đề cao văn hóa của dân tộc và tô đậm thêm truyền thống của đất nước. Chính vì vậy mà văn học bao giờ cũng phải tích cực và chủ động trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa, có như vậy thì văn học mới đạt được những thành tựu nhất định về mặt nội dung và ý nghĩa, mới được đánh cao trước đông đảo độc giả và quần chúng. Một tác phẩm văn học hay được đề cao và lưu truyền lại cho các thế hệ sau phải là một tác phẩm trong đó tác giả không những thành công
về mặt nội dung mà đòi hỏi cả nghệ thuật vận dụng các giá trị văn hóa trong tác phẩm đó như thế nào. Vì thế mà việc giảng dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường phổ thông hiện nay không những chỉ tập trung khai thác về mặt văn học mà còn phải tập trung khai thác cả về mặt văn hóa của tác phẩm. Nếu như văn học hoàn toàn thụ động chịu sự chi phối, quy định của văn hóa thì nó sẽ không còn là một tác phẩm văn học nữa mà nó trở thành một bài viết thuần túy về văn hóa. Văn học là văn học, chúng ta không biến tất cả văn học thành văn hóa và ngược lại. Vì vậy mà việc lựa chọn các giá trị văn hóa để đưa vào văn học là một việc rất khó, đòi hỏi phải dùng hiểu biết về văn hóa để làm cơ sở trong quá trình lựa chọn và vận dụng.