Gần nửa thế kỉ cầm bút, với hai chục tập sách, số lượng tác phẩm của Lê Lựu thuộc dạng trung bình. Ông viết không khoẻ, có lẽ vì thận trọng, bởi vốn sống của ông có thể cho ông viết được nhiều hơn nữa. Lê Lựu khi vui đùa vẫn thường nhận mình là nhà văn ít học. Đến nay trình độ văn hóa và học vấn của ông cao, chủ yếu là tự học. Với năng khiếu bẩm sinh, cuộc sống làng quê và người chiến sĩ đã giúp tài năng văn chương trong ông phát triển. Văn ông có giọng riêng, có duyên riêng tuy không rành rẽ, không mạch lạc, nhưng có một chất nhựa ở bên trong. Nhiều khi cả đoạn cả trang thùng thình mà người đọc vẫn thấy thích, không ai chê, vì người đọc biết đấy là văn tự nhiên của riêng ông. Về điểm này, Trần Đăng Khoa đã có nhận xét : “Văn Lê Lựu cuốn hút, đọc không nhạt. Ngay cả những truyện vào loại xoàng xoàng, người đọc vẫn thu lượm được một cái gì đấy, có khi là một chi tiết, một đoạn tả cảnh,
hoặc một nét phác họa tính cách nhân vật...”. Có lẽ đây là điểm đầu tiên để bạn đọc đến với Lê Lựu từ những truyện ngắn đầu tiên.
Sự nghiệp văn chương của một nhà văn theo chúng tôi cần chú ý đánh giá ở ba thời điểm quan trọng - những tác phẩm đầu tay, những tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến giai đoạn và cuối cùng là tác phẩm đỉnh cao làm nên tên tuổi nhà văn. Nếu chúng ta thống nhất quan điểm này thì, với trường hợp nhà văn Lê Lựu, sẽ là những tác phẩm đầu tay như: Người cầm súng (truyện ngắn, 1970), Phía mặt trời (truyện ngắn, 1972). Tiếp theo là những tác phẩm ghi nhận sự chuyển biến tích cực và có tiền đồ sáng tác của nhà văn như: Mở rừng (tiểu thuyết, 1977), Ranh giới (tiểu thuyết, 1977). Nhưng làm nên “thương hiệu nhà văn” có cỡ phải kể đến những tác phẩm thành công vang dội như Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986), Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1993), Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994).
Lê Lựu là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Trong sáng tạo nghệ thuật, có được một phong cách không phải là điều dễ dàng. Phong cách là một phạm trù vừa định hình lại vừa biến đổi, không phải là một cái gì “nhất thành bất biến”. Từ tác phẩm đầu tay đến tác phẩm gần nhất của Lê Lựu, ông đều viết theo một phương châm có tính nguyên tắc sau “Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật”. Có lẽ đó chính là cốt lõi phong cách nghệ thuật Lê Lựu, và tác phẩm của nhà văn cũng đóng góp cho lí luận văn học về vấn đề “văn học phản ánh hiện thực”.
Đọc tác phẩm Lê Lựu, không ít người cho rằng nhà văn không tân kì, mà Lê Lựu viết theo truyền thống hiện thực chủ nghĩa của các nhà văn cổ điển Việt Nam thời kì 1930 -1945 như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Lê Lựu đã viết những trang văn bằng toàn bộ tình cảm chân thành của mình, không thấy ông “thương vay khóc mướn”. Thậm chí ông
chân thành cả trong những sai sót của mình trong nghiệp văn. Có thể nói, cả đời văn Lê Lựu là đi tìm cái thật và cái đẹp tâm hồn con người trong dòng chảy của sự thật lịch sử.