Lược sử rừng trồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sinh trưởng của một số loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) trồng trong các mô hình phục hồi rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (Trang 32 - 37)

Lược sử rừng trồng được tổng hợp từ liệu thứ cấp; những nội dung chính được tổng hợp theo hướng, lược sử hình thành và nguồn gốc của các mô hình, những biện pháp tác động và hiện trạng của các mô hình; được chia thành 03 giai đoạn chính.

a) Giai đoạn 1: Rừng trồng từ thời lâm trường, trước khi thành lập Khu BTTN - Từ năm 1977 (các lâm trường thành lập) đến năm 1990: Các lâm trường chủ yếu tập trung cho khai thác kinh doanh gỗ rừng tự nhiên, không chú trọng công tác trồng rừng; rừng trồng giai đoạn này chủ yếu trồng tập trung ở những trảng trống gần các đường trục chính (nay là đường 761, 322, đường tỉnh Hiếu Liêm), tổng diện tích trồng không lớn, hiện còn gần 300ha/3 lâm trường (270,7 ha); phương thức trồng thuần

xxxiii

loài, các loài cây trồng chủ yếu là Bạch đàn, Keo lá tràm, Keo tai tượng và khoảng 100 ha trồng Tếch (dọc đường 761 – lâm trường Mã Đà); mật độ trồng thường từ 2.200 (3 x 1,5m) đến 3.300 (3 x 1m); vốn đầu tư chủ yếu do các lâm trường xin giữ lại một phần tiền thuế nuôi rừng (4% doanh thu từ rừng tự nhiên), theo đó tùy vào điều kiện của từng lâm trường trong từng năm mà biện pháp và thời gian chăm sóc rừng trồng cũng khác nhau, thường chăm sóc 2 lần/năm và từ 2 – 4 năm kể cả năm trồng.

- Từ 1991 – 2003: Năm 1991 Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An - Đồng Nai thành lập, tập trung đầu tư trồng rừng phòng hộ trên lâm phần các lâm trường thuộc lưu vực phía trên và ven bờ hồ Trị An; từ năm 1993 - 1997 các lâm trường đẩy mạnh công tác trồng rừng theo Chương trình 327, mục tiêu chính là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ của rừng; từ năm 1998 – 2003 tiếp tục thực hiện các phương án trồng rừng theo Chương trình 661, thời gian này chuyển sang mục tiêu nâng cao chất lượng rừng trồng, nâng cao giá trị của rừng bằng các loại cây kinh tế để người dân có thể sống được từ rừng. Giai đoạn này, tại các lâm trường thuộc khu bảo tồn hiện nay có các mô hình trồng rừng chủ yếu sau: (i) trồng bổ sung 200 cây gỗ lớn/ha (Sao hoặc Dầu) vào rừng trồng Bạch đàn hoặc Keo lá tràm thuần loại 2 – 5 năm tuổi ; (ii) trồng bổ sung 100 – 200 cây gỗ lớn/ha vào diện tích đã trồng xoài, điều (có thể trồng rải đều hoặc bao lô); (iii) trồng mới trên đất rừng trồng sau khai thác trắng rừng trồng Bạch đàn, Keo lá tràm, mật độ cây gỗ lớn 200 cây/ha, phụ trợ 1.200 – 1.600 cây/ha. Trong đó, từ năm 2000 – 2003, nhiều diện tích rừng trồng phòng hộ, rừng 327 được đưa vào khai thác Bạch đàn, Keo lá tràm, trồng dặm cây gỗ lớn và thay thế cây phụ trợ bằng loài Keo lai (giâm hom) chu kỳ kinh doanh ngắn, năng suất cao. Tổng diện tích rừng trồng giai đoạn này là 2.223,4 ha. Trong đó rừng 327: 452,6 ha; rừng phòng hộ: 636,6 ha; rừng 661: 176,4 ha; rừng sản xuất: 332,3 ha; và rừng dân tự đầu tư vốn: 625,5 ha.

xxxiv

b) Giai đoạn 2: Từ khi thành lập Khu bảo tồn (2004) đến khi có dự án phục hồi cây bản địa (2008)

Sau khi Khu bảo tồn được thành lập, việc quản lý sử dụng rừng và đất rừng thực hiện theo quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg. Theo đó, công tác trồng rừng tại Khu bảo tồn đã có một số thay đổi như: chú trọng việc xử lý dần những diện tích trồng các loài cây ngoại lai (Bạch đàn, Xà cừ, Tếch...); trồng chuyển hóa rừng theo hướng nâng cao chất lượng rừng bằng các loài cây trồng gỗ lớn bản địa, chủ yếu là 2 loài Sao đen và Dầu rái. Trong đó cây gỗ lớn trồng thuần loài trên lô, với mật độ phổ biến là 208 cây/ha (6 x 8 m); những diện tích nhiều cây tái sinh tự nhiên, cây gỗ lớn được trồng theo đám vào các khoảng trồng và đường vận xuất cũ, những lô ít cây tái sinh trồng cây Keo lai giâm hom làm chức năng phụ trợ. Rừng trồng (kể cả rừng chuyển hóa) được chăm sóc 4 năm kể cả năm trồng, năm thứ nhất và thứ 4 chăm sóc 1 lần/năm, năm 2 và năm 3 chăm sóc 2 lần/năm; cây gỗ lớn được kiểm tra trồng dặm trong 2 năm đầu.

Tổng diện tích trồng và cải tạo rừng giai đoạn này khoảng 1.224 ha. c) Giai đoạn 3: Từ khi có dự án đến nay (2009 – 2011)

Dự án trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn vùng Chiến khu Đ được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số: 2069/QĐ-UBND, ngày 23/7/2009. Mục tiêu chính của dự án là góp phần nâng cao số lượng, chất lượng rừng và đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn; bảo tồn và phát triển nguồn gien, bảo tồn đa dạng sinh học bằng các loài cây gỗ lớn có giá trị, tiêu biểu của vùng chiến khu Đ nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Giai đoạn này việc trồng rừng được thực hiện theo hướng phục hồi hệ sinh thái rừng, giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan vốn có của rừng nguyên sinh nhiệt đới. Do vậy phương thức và mô hình trồng là nhằm mục tiêu tái tạo được các khu rừng hỗn loài, trong đó cây ưu thế sinh thái là các loài gỗ lớn bản địa có giá trị, rừng có cấu trúc

xxxv

đặc trưng đa tầng của rừng mưa nhiệt đới bao gồm: tầng cây gỗ, tầng cây bụi và thảm tươi. Theo đó, các mô hình trồng chuyển hoá, phục hồi rừng trên địa bàn Khu bảo tồn giai đoạn này như sau:

- Trồng hỗn giao nhiều loài cây gỗ bản địa trên lô, ít nhất từ 2 loài trở lên. Quá trình chăm sóc rừng áp dụng các biện pháp kỹ thuật có tác dụng tổng hợp vừa chăm sóc cây trồng vừa ưu tiên tạo điều kiện xúc tiến quá trình tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ, cây bụi và sự phục hồi của lớp thảm tươi dưới tán rừng. Cây trồng chính đa dạng, gồm những loài cây gỗ bản địa có giá trị và đặc trưng của khu vực như: Gõ đỏ, Gõ mật, Dầu rái, Sao đen, Giáng hương, Cẩm lai, Chiêu liêu, Lim xẹt, Huỷnh, Huỳnh đường, Ươi, Gáo, Xuân thôn, ...

- Lựa chọn loài cây trồng cụ thể cho từng lô rừng dựa trên độ tàn che và độ dày tầng đất theo nguyên tắc: (i) Những lô có mật độ cây tái sinh thân gỗ triển vọng và cây trồng chính sau tỉa thưa cây phụ trợ còn cao, độ tàn che > 0,3 thì đưa vào trồng các loài cây chịu bóng những năm đầu như: Dầu, Sao, Uơi, Xuân thôn…là chính; những lô có mật độ cây gỗ lớn hiện còn và cây tái sinh tự nhiên thấp, ít cây che bóng, độ tàn che < 0,3 thì đưa vào trồng các loài cây ưa sáng ngay từ nhỏ như: Bằng lăng, Muồng đen, Gõ đỏ…là chính; (ii) Căn cứ độ dày tầng đất hữu dụng (A + B) để bố trí cây trồng: Những lô có tầng đất mặt mỏng thì đưa vào trồng các loài cây rễ bằng, có hệ rễ phát triển mạnh theo chiều ngang gần bề mặt đất như các loài cây Họ Đậu: Gõ đỏ, Giáng Hương..., những lô có tầng đất trung bình thì bố trí trồng các loài cây rễ cọc, có hệ rễ phát triển mạnh theo chiều đứng ăn sâu vào đất như các loài cây Họ Dầu: Sao Đen, Dầu Rái, Chò...

- Tiêu chuẩn cây trồng: Cây trồng bản địa được gieo tạo và nuôi dưỡng, chăm sóc trong vườn ươm từ 2 năm trở lên để đảm bảo năng lực cạnh tranh và thích nghi cao với hoàn cảnh rừng (những giai đoạn trước trồng cây con 1 năm tuổi), có tỉ lệ D/H cân đối, cây có chiều cao Hvn ≥ 1m, đường kính cổ rễ D0,0 ≥ 1cm. Thân thẳng, tán cân đối,

xxxvi

khỏe mạnh, không sâu bệnh, cụt ngọn, rễ cọc không vượt ra khỏi đáy bầu và không bị cong vòng, xoắn.

- Kỹ thuật chăm sóc rừng trồng là những biện pháp tác động nhằm tạo điều kiện cho cây trồng chính - gỗ lớn bản địa sinh trưởng, phát triển tốt; xúc tiến tái sinh tự nhiên nhằm khôi phục rừng theo hướng nguyên sinh như: phát dọn toàn diện dây leo, cỏ dại; cắt cành nhánh cây tái sinh chèn ép cây trồng gỗ lớn trong phạm vi hàng; cắt và dọn sạch dây leo đeo quấn trên thân cây trồng gỗ lớn, kết hợp tỉa cành nhân tạo, xử lý cây ngoại lai tái sinh trên lô (Tếch, Tràm, Bạch đàn...); trồng dặm những cây gỗ lớn bị chết; xạc cỏ, xới đất, vun gốc cho cây trồng.

Tổng diện tích trồng và cải tạo rừng giai đoạn này 1.321,9 ha. Qua khảo sát sơ bộ và kết quả điều tra ở một số lô nhận thấy, trên những diện tích trồng khôi phục rừng cây gỗ lớn hiện sinh trưởng và phát triển từ trung bình đến tốt và rất tốt; tỷ lệ sống của cây gỗ lớn tất cả các lô đều đạt trên 90% mật độ thiết kế trồng. Những diện tích có trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày (trong 2 năm đầu), cây gỗ lớn sinh trưởng phát triển tốt và đồng đều hơn do đất được cày, ít cỏ dại và có thể do lợi dụng được một phần lượng phân bón cho cây trồng nông nghiệp. Nhưng trên những diện tích này hầu như không có cây tái sinh tự nhiên thân gỗ. Những diện tích không trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày, đa phần cây gỗ lớn sinh trưởng trung bình, mật độ cây tái sinh tự nhiên cao và một số nơi đã có hiện tượng chèn ép cây trồng gỗ lớn.

xxxvii

Chương 3

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sinh trưởng của một số loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) trồng trong các mô hình phục hồi rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (Trang 32 - 37)