Dự báo những khó khăn, thuận lợi trong giai đoạn 2011 – 2020 Thuận lợ

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới (Trang 80 - 83)

I. Cơ sở khoa học của việc xây dựng định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

1.Dự báo những khó khăn, thuận lợi trong giai đoạn 2011 – 2020 Thuận lợ

1.1. Thuận lợi

• Tình hình trong nước:

Từ năm 2010, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã dần hồi phục sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, những giải pháp, cơ chế chính sách được ban hành đã đi vào cuộc sống góp phần giải phóng sức sản xuất, huy động nhiều hơn các nguồn lực cho phát triển. Gói kích cầu mà chính phủ đưa ra đã phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, sự nghiệp CNH – HĐH tiếp tục được đẩy mạnh tạo điều kiện quan trọng để nước ta trong đó có cả Thanh Hóa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Trong tương lai với việc hoàn thiện hệ thống tuyến trục Bắc – Nam, Đông – Tây; sự hình thành và phát triển Vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, cùng với sự phát triển nhanh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ , vùng Bắc Trung Bộ; lại là tỉnh được hưởng lợi từ những chính sách mà Nhà nước đưa ra như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội miền tây Thanh Hóa và phía Tây đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo điều kiện tăng cường hợp tác khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhất là ở khu vực kinh tế trọng điểm Nam Thanh – Bắc Nghệ, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, từ đó mở rộng giao lưu kinh tế với các vùng miền trong cả nước và với quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bản tỉnh

Phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020, ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã luôn được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm, chú trọng phát triển. Kết cấu hạ tầng – kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng và đang từng bước phát huy tác dụng. Hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt những hiệu quả tích cực tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn trong giai đoạn tới. Một số dự án sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn như dây chuyền 2 xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn; nhà máy men vi sinh; nhà máy lắp ráp ô tô; các nhà máy chế biến khoáng sản; công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt ... sẽ hoàn thành đi vào sản xuất ngay từ đầu năm 2010 sẽ là nhân tố hết sức quan trọng tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011 – 2020. Đặc biệt trong thời gian tới khi mà khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn đi vào hoạt động với các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí chế tạo động cơ, phụ tùng lắp ráp ô tô, sản xuất xi măng, công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao là cơ sở và điều kiện thuận lợi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo chiều sâu với việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, hiện đại, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và cạnh tranh cao trong thời gian tiếp theo, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo đúng mục tiêu mà tỉnh đã đưa ra.

• Tình hình thế giới

Trong giai đoạn 2011 – 2020 dự kiến nền kinh tế thế giới bước đầu hồi phục lại sau khủng hoảng và tiếp tục phát triển nhanh hơn với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển, trong đó Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất. Cuộc cách mạng công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học ngày càng phát triển theo chiều hướng sâu và có tác động lớn đến cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế Thế giới phát triển. Vì vậy, Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng cần tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ, tăng nhanh khả năng và điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới, gắn kết khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tổ chức quản lý, đưa yếu tố hiện đại vào nội bộ từng ngành công nghiệp.

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại được đẩy mạnh tạo điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa tranh thủ sự hỗ trợ từ các nước trên thế giới, thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Khó khăn

• Tình hình trong nước

Những khó khăn, thách thức mà công nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung trong những năm tới cũng không nhỏ. Trước hết là ảnh hướng của suy giảm kinh tế năm 2008 đã làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của tỉnh bị thu hẹp; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn. Quy mô ngành còn nhỏ, sức cạnh tranh của hàng hóa còn yếu kém nhất là khi năm 2010 là năm nhiều cam kết gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nước ta buộc phải gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ hàng rào thuế quan đã tạo ra những sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Trong khi đó các ngành công nghiệp phụ trợ lại chưa phát triển, chưa cung cấp đủ nguyên nhiên liệu cả về số lượng và chất lượng. Trình độ công nghệ và năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ của tỉnh còn khá lạc hậu so với các nước trong khu vực và các tỉnh trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

• Tình hình thế giới

Tình hình chính trị thế giới còn chứa đựng nhiều yếu tố phứ tạp, khó lường. Trước hết phải kể đến là những xung đột cục bộ, khủng bố, vũ khí hạt nhân và những bất ổn khác vẫn có thể xảy ra đối với một số khu vực ảnh hưởng lớn đến an ninh toàn cầu.

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong thời gian tới sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh nhất là đối với những nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam. Cạnh tranh về kinh tế, thương mại, cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư và công nghệ ngày càng trở nên gay gắt. Thị trường tài chính – tiền tệ, giá cả có nhiều khả năng diễn biến phức tạp hơn nhất là giá cả một số mặt hàng chủ yếu tác động mạnh tới ngành công nghiệp như năng lượng, xăng dầu... Khi môi trường kinh doanh ngày càng biến đổi khó lường như thế, các doanh nghiệp trong tỉnh trước đây quen dựa dẫm vào sự hỗ trợ, ưu đãi của chính sách Nhà nước nếu không năng động vươn lên tự đứng bằng đôi chân của mình thì nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn. Khi mở cửa hội nhập vấn đề cạnh tranh giành nguồn lực con người sẽ diễn ra khốc liệt, các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động ở Thanh Hóa sẽ dùng lương, dùng chính sách ưu đãi để thu hút lao động nhất là lao động có năng lực về làm việc cho mình, điều đó sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, thảm họa về thời tiết, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực luôn luôn rình rập, tác động mạnh và đa chiều tới sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng và toàn nền kinh tế đất nước nói chung.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới (Trang 80 - 83)