Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới (Trang 106 - 108)

III. GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2011 –

5. Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đó cũng là chiến lược về con người. Để phát triển nguồn nhân lực tỉnh cần giải quyết đồng bộ mối quan hệ qua lại lẫn nhau trên cả ba mặt chủ yếu: Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực; Sử dụng nguồn nhân lực và tạo việc làm. Trong đó giáo dục đào tạo bao gồm cả giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp; Đào tạo nhân lực bao gồm giáo dục chuyên nghiệp, dậy nghề, tái tạo nguồn nhân lực hiện có. Sử dụng nguồn nhân lực và tạo việc làm là bố trí việc làm phù hợp với khả năng nhằm mang lại năng suất lao động, hiệu quả công việc cao nhất.

Dự báo đến năm 2020, số lao động trong độ tuổi của tỉnh Thanh Hóa sẽ là 3 triệu người. Đây là nguồn lực rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, tuy nhiên đó cũng là áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm. Để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ có trình độ cao (tiến sỹ, thạc sỹ). Mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề, trong đó tập trung vào các ngành nghề như: xây dựng, khai khoáng, sản xuất VLXD, cơ khí chế tạo, điện, hóa dầu, ngoại ngữ, tin học, chế biến nông, lâm thuỷ sản, quản lý kinh tế... bằng nhiều hình thức, kể cả chính quy, tại chức, ngắn hạn, dài hạn.. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động của địa phương.

Tăng cường năng lực đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn, tiến tới thành lập trường đại học đa ngành để mở rộng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và cả Bắc Trung Bộ. Chú trọng đầu tư cho các trung tâm dạy nghề, trang bị tốt về phương tiện và cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng cao khả năng đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lực lượng lao động của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo của tỉnh với các trung tâm đào tạo, dạy nghề ở Hà Nội để mở rộng quy mô và các hình thức đào tạo cho lực lượng lao động của tỉnh. Ưu tiên đào tạo công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao. Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới.

Mở rộng dạy nghề, truyền nghề bằng nhiều hình thức thích hợp. Có chính sách khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề và hỗ trợ học nghề cho lực lượng lao động. Chính sách cấp học bổng cho những người nghèo có năng lực học tốt, cho các đối tượng chính sách xã hội. Tổ chức tốt các hình thức xúc tiến, hỗ trợ và giới thiệu việc làm trong các ngành công nghiệp cho lực lượng lao động của tỉnh, nhất là lực lượng lao động trẻ. Coi trọng công tác giáo dục đào tạo ở các địa phương miền núi. Xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở công nghiệp ở vùng biên giới, vùng cao đặc biệt khó khăn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật lao động. Hoàn thiện cơ chế bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, trợ cấp xã hội, vận động nhân dân thực hiện tôt công tác kế hoạch hóa gia đình.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới (Trang 106 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w