Điều kiện kinh tế xã hội huyện Phù Yên

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo tại huyện phù yên, sơn la (Trang 58 - 61)

5. Bố cục của luận văn

2.1.2.Điều kiện kinh tế xã hội huyện Phù Yên

2.1.2.1. Dân số và lao động

Theo số liệu thống kê năm 2009, dân số toàn huyện là 106.505 nhân khẩu, 21.984 hộ. Mật độ dân số bình quân là 85 người/km2. Địa bàn có mật độ dân số cao nhất là thị trấn Phù Yên là 7.550 người/km2 (gấp 90 lần mật độ dân số chung cua toàn huyện), một số xã ở khu vực vùng dọc sông và vùng cao như: Đá Đỏ, Kim Bon, Suối Tọ, Suối Bau có mật độ dân số thấp từ 15 - 30 người/km2, thấp nhất toàn huyện là Suối Tọ chỉ có 15 người/km2.

Lực lượng lao động của huyện khá dồi dào với 50.057 người, chiếm 47% dân số toàn huyện. Lao động trong ngành nông - lâm nghiệp có 43.800 người, chiếm 87,5% tổng số lao động toàn huyện, chất lượng lao động nhìn chung còn thấp, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo. Tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ thuật còn thấp. Trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì việc đào tạo, nâng cao trình độ lao động cần được quan tâm và chú trọng đầu tư, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Trong những năm qua huyện đã gắn giải quyết việc làm với thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng tiểu vùng, từng xã. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và các loại ngành nghề thích hợp. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình kinh tế - xã hội để tham gia giải quyết việc làm, khuyến khích phát triển các tổ hợp sản xuất, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa vả nhỏ, ở những vùng có điều kiện khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế

trang trại để thu hút lao động, giải quyết việc làm. Năm 2009, huyện Phù Yên đã giải quyết việc làm mới cho trên 1.150 lao động, trong đó 687 lao động đi làm tại các doanh nghiệp, các đơn vị trong huyện, 50 lao động đi xuất khẩu lao động còn lại là lao động nghề nông thôn và lao động khác. Tỷ lệ thất nghiệp ở thị trấn, thị tứ năm 2009 là 12%; tỷ lệ thiếu việc làm là 6,5%; Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn là 70%.

2.1.2.2. Cơ sở hạ tầng của huyện Phù Yên

Xây dựng cơ bản: Trong những năm qua với chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, các kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư xây dựng như: đường giao thông, mạng lưới điện, hệ thống kênh mương, đập thủy lợi, trường học, bệnh viện được đầu tư cơ bản đồng bộ. Hầu hết các công trình xây dựng cơ bản trong những năm qua đã phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân và đem lại hiệu quả sử dụng cao.

Từ năm 2002 đến 2009, tổng số công trình xây dựng là 376 với tổng vốn đầu tư là 275,726 tỷ đồng, bao gồm: 48 công trình giao thông (với 100,779 tỷ đồng); 40 công trình thủy lợi (với 24,023 tỷ đồng); 85 công trình nước sinh hoạt (với 25,19 tỷ đồng); 203 công trình xây dựng dân dụng (với 125,734 tỷ đồng). Các công trình nhìn chung phát huy tốt hiệu quả, góp phần tích cực giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giao thông vận tải: Huyện Phù Yên đã thực hiện tốt và có hiệu quả các chương trình dự án về giao thông vận tải trên địa bàn huyện. Đường liên xã, liên bản được bê tông hóa tạo dựng diện mạo mới cho vùng nông thôn và tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2000 có 21/27 xã, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm xã thì đến hết năm 2003 các xã, thị trấn đã có đường ô tô trung tâm các xã. Năm 2009, toàn huyện có 595,7 km giao thông đường bộ. Các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã luôn đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt cho phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu chính trị, an ninh quốc phòng.

Thủy lợi: Tính đến hết năm 2009, thủy lợi đã được đầu tư hình thành hệ thống công trình thủy lợi bao gồm: 154 công trình phai, đập (50 công trình kiên cố, 26 công trình bán kiên cố - rọ thép; 78 công trình tạm do dân tự làm), 14,2 km kênh mương (trong đó 5,9 km kênh mương xây kiên cố; 8,3 km kênh mương đất). Nhìn chung các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, các công trình thủy lợi còn tạm thời (chiếm khoảng 55%) chưa được xây dựng đồng bộ từ công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương và chịu tác động thiên tai cũng như ý thức khai thức sử dụng của nông dân nên hầu hết đang xuống cấp. Các công trình chủ yếu tập trung tưới cho sản xuất lúa nước (tiểu vùng II) trong khi nhu cầu tưới ẩm cây công nghiệp, cây ăn quả...hầu như chưa đáp ứng được còn phụ thuộc chủ yếu vào các con suối và nước vào mùa mưa.

Nước sinh hoạt nông thôn: Trong những năm qua bằng sự cố gắng nỗ lực không ngừng của huyện và nhân dân, kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đã xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, đưa tổng số hộ được sử dụng sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87% (năm 2009). Tuy nhiên, tỷ lệ này tập trung phần lớn ở các xã vùng lân cận thị trấn huyện lỵ, các trung tâm xã. Các xã vùng cao, các bản vùng cao tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh hoạt là hạn chế.

Hệ thống bưu chính viễn thông, phát thanh - truyền hình: Hệ thống bưu chính viễn thông của huyện Phù Yên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc trên địa bàn. Cho đến nay trên địa bàn thị trấn và các xã vùng thấp đã có báo đọc trong ngày (27/27 xã), thị trấn đã có bưu điện văn hóa. Năm 2000, mạng điện thoại toàn huyện có 518 máy với tỉ lệ 5,3 máy trên 1000 dân, đến năm 2009 đạt 3.152 máy với tỉ lệ 30 máy trên 1000 dân. Tuy nhiên, các xã vùng cao điện thoại phải dùng năng lượng mặt trời nên việc thông tin liên lạc còn gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống truyền thanh - truyền hình: Hệ thống đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương chính sách, đường lối của Đảng và phát luật của Nhà nước đến người dân. Tính đến nay toàn huyện đã có 100% dân số được nghe đài tiếng nói Việt Nam, 7 trạm thu phát lại truyền hình, dân số được xem truyền hình là 87%. Tuy nhiên thời lượng phát sóng của các đài truyền hình còn nhiều hạn chế, mới chỉ phát chương trình VTV1, VTV3.

Hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống: Hệ thống điện lưới quốc gia được chú trọng đầu tư, tính đến năm 2008 đã có 27/27 xã, thị trấn trên toàn huyện có điện lưới quốc gia đến trung tâm các xã với số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia của toàn huyện là 92%. Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2007 là 4,07 triệu Kwh, năm 2009 là 9,37 triệu Kwh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 1.500 máy thủy điện nhỏ, công suất từ 200W - 500W, chủ yếu là ở các bản chưa có điện lưới quốc gia [4],[13],[21].

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo tại huyện phù yên, sơn la (Trang 58 - 61)