Sống Thiền

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 62 - 63)

Công phu tọa thiền và đời sống thánh thiện hằng ngày là mối tương quan không thể tách rời. Ta có thể nói Tọa thiền và Sống thiền là đôi cánh chim đưa ta bay cao vào bầu trời giải thoát. Sống thiền được định nghĩa là sống một cách thanh thản và nhân ái.

Sống thanh thản nghĩa là không để tâm ta xao động theo những buồn vui thăng trầm của cuộc đời. Ta biết tránh xa những trò vui náo nhiệt, phấn khích, ồn ào, hơn thua, nhiều cảm giác. Cuộc đời nhiều oan trái chông gai thác ghềnh, và đôi khi cũng nhiều phần thưởng từ phước quá khứ. Người đời vẫn bị khổ vui theo những biến đổi vô tận đó. Một hành giả tu thiền phải biết giữ tâm bình lặng, không đau khổ khi gặp chuyện không may, không hớn hở khi gặp chuyện thích ý. Phải thản nhiên trước khổ vui cuộc đời như vậy, ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc của Thiền định là niềm an vui vô hạn và thanh khiết. Người đời suốt đời tìm cách thay thế gánh khổ bằng gánh vui. Nhưng gánh nào cũng nặng nề đôi vai. Thiền giả là người tìm cách trút bỏ gánh nặng đó xuống để hưởng được niềm vui không còn gánh nặng trên vai nữa.

Đó là hai loại hạnh phúc rất khác nhau. Chúng ta phải suy gẫm thật kỹ để quyết tâm đi theo con đường của Phật và thoát ra khỏi biến động cuộc đời.

Cuộc đời cũng nhiều trò vui chơi giải trí. Tuy nói là giải trí, nhưng thật ra trò nào cũng gây cảm giác xao động cho tâm. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, ma túy, phim ảnh đồi trụy, hơn thua nơi võ đài, sân gà… là những cuộc chơi tội lỗi dễ thấy nhất. Biết bao nhiêu tội ác được phát sinh từ các trò vui tăm tối đó, chôn vùi biết bao nhiêu người trong hố sâu đọa lạc. Nhân quả nghiêm khắc sẽ buộc họ phải đền trả sòng phẳng nơi ba ác đạo ở tương lai.

Rồi những trò giải trí có vẻ như lành mạnh, kỳ thật cũng làm cho tâm bất an và mất đạo đức dần. Ví dụ như quá sức cuồng nhiệt trong bóng đá, games vi tính đầy bạo lực, khiêu vũ đôi nam nữ, nhạc kích động, trang phục hở hang… đều góp phần làm băng hoại tâm hồn dần dần. Chúng ta cám ơn Phật đã chế ra giới luật để bảo vệ người tu khỏi những trò vui làm tâm hồn bất an như thế.

Rồi ngay cả ngồi đánh cờ trông có vẻ trí tuệ, kỳ thật cũng làm hao tổn tâm trí và thời gian rất nhiều. Ngoại trừ làm thơ nhạc để góp phần truyền bá đạo đức thì không sao, còn lại làm thơ nhạc để diễn tả cảm xúc cá nhân cũng làm tâm xao động. Nói chung, thiền giả phải tự nhận định những gì làm mất đi sự thanh thản mà biết tránh né.

Đối với những người ở trình độ cao, họ có thể đạt được tâm thường xuyên bất động chứ không phải là thanh thản nữa.

Sống nhân ái là sống thương yêu và có trách nhiệm với cuộc đời. Tuy phải giữ mình tránh xa những xao động phiền lụy của cuộc sống, nhưng người tu thiền lại phải là người tích cực đem thương yêu nhân ái đóng góp vào đời. Sống Thanh thản và Sống Nhân ái có tính chất ngược với nhau, nhưng đều là yếu tố quan trọng làm nên đời sống Thiền chân chính. Thiền giả suốt đời cứ phải dung hòa hai dòng sống này một cách đẹp đẽ.

Thiền giả luôn chan chứa tình thương yêu muôn loài, dù không làm gì, tình thương đó vẫn tràn đầy hiện hữu trong tâm, song song với nội tâm an định.

Rồi mỗi khi có cơ hội, thiền giả luôn tích cực giúp đỡ mọi người, dù là việc nhỏ nhặt như lấy giùm đôi dép, hoặc lớn lao như việc tổ chức giáo dục đạo đức cho trẻ em đường phố… Người sống nhân ái ít khi nghĩ xấu về người khác, dù cho có những bất đồng quan điểm hay ý kiến. Khi thấy người khác làm không đúng ý mình, ta vẫn cố biện minh giùm người chắc là có lý do gì đó, chứ không vội vàng kết tội nhau. Dễ dàng nghĩ xấu nhau, kết tội nhau là nguyên nhân gây nên thảm trạng chia rẽ trong đạo Phật. Muốn phá hoại đạo Phật, kẻ xấu cũng chỉ làm một việc là gây cho Tăng chúng nghĩ xấu lẫn nhau. Ta phải bao dung vượt trên sự tầm thường đó để yêu thương con người.

Tóm lại, Sống Thiền, thanh thản và nhân ái, là biểu hiện của công phu thiền định chân chính.

Câu hỏi: Nói về kinh nghiệm xả thiền, giám thiền, và sống thiền của chính mình.

Thiền học 20

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 62 - 63)