( distract)
Tâm bị xao lãng có nghĩa là tâm không thể giữ gìn sự dụng công liên tục thường xuyên. Khi vọng tưởng khởi lên là lập tức một màn đen cũng nhanh chóng che tâm, và cũng ngay lúc đó, tâm bị trôi theo vọng tưởng để lang thang vào các vấn đề vẩn vơ. Do đó, pháp môn mà hành giả đang áp dụng cũng biến mất.
Ví dụ, đang theo dõi hơi thở, vọng tưởng khởi lên, hành giả quên hơi thở, hoặc còn theo dõi nhưng không chăm chú nữa vì bận chú ý vào những vấn đề của vọng tưởng.
Vọng tưởng làm tâm bị xao lãng là nỗi đau khổ ghê gớm của người tu thiền. Nhiều người trở nên chán nản rồi bỏ cuộc, và một khi đã bỏ thiền tập thì đường giải thoát đã đóng lại. Nhiều người cố gắng suốt cả đời nhưng cũng loay hoay khi được khi mất chứ không thể tránh được sự xao lãng dứt khoát mãi mãi. Tâm không xao lãng, có chánh niệm, khiến ta phấn khởi tin tưởng đi tới. Còn tâm xao lãng dễ làm ta nản chí. Tuy nhiên, nếu không quyết chí tu tập thiền định thì sự giải thoát là vô vọng. Ta phải xác định lập trường là dù khó khăn cách mấy vẫn quyết lòng theo đuổi.
Khi Chánh niệm đã xuất hiện thì có thể vọng tưởng còn khởi nhưng tâm vẫn không bị xao lãng, vẫn giữ được pháp môn đang thực hành, vẫn không bị dẫn theo các vấn đề của vọng tưởng, và đặc biệt là nhanh chóng diệt trừ vọng tưởng.
Khi Chánh niệm chưa xuất hiện, tâm dường như bị u tối, vọng tưởng có sức mạnh lôi kéo sự chú ý của tâm đi theo những vấn đề của nó. Ở đây xuất hiện một khái niệm quan trọng là sự chú ý. Nếu sự chú ý luôn luôn ở lại với pháp môn. Có nghĩa là Chánh niệm có mặt. Nếu sự chú ý rời khỏi pháp môn để hướng theo vọng tưởng thì Chánh niệm biến mất, là bị thất niệm, là bị xao lãng.
Khi dụng công, ta luôn cố gắng chú ý vào Hơi thở, vào pháp môn đã chọn, nhưng một động cơ bí mật có sức mạnh kéo tâm ta trôi theo vọng tưởng. Động cơ bí mật đó chính là nghiệp. Nghiệp là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nhiếp tâm của Thiền định. Chính Nghiệp đã điều khiển hầu hết sự pháp triển của Thiền định. Ta nhiếp tâm dễ hay khó đều do Nghiệp quyết định. Thậm chí ta có duyên gặp đường lối chân chính hay sai lầm cũng do Nghiệp.
Tâm ta hay bị xao lãng hay ít bị xao lãng cũng là do Nghiệp. Thậm chí sự tinh tấn của ta cũng có bàn tay của Nghiệp.
Thiện Nghiệp là động cơ chủ yếu dẫn ta vào định. Ác Nghiệp là rào cản chính ngăn ta nhiếp tâm, khiến ta xao lãng. Vì vậy, người tu phải huân tập thiện nghiệp suốt cả đời. Những thiện nghiệp chính có thể được liệt kê như sau:
- Tâm lý rất đạo đức. Tu dưỡng đạo đức cho nội tâm bao gồm nhiều đề tài (xin xem
Tâm Lý Đạo Đức).
- Giúp mọi người an vui hạnh phúc. Điều này khiến ta được kết quả dễ có an vui trong tâm.
- Tôn kính Phật và chư Thánh. Nhân quả quy định rằng ta kính trọng những vị thánh thì ta sẽ dần dần đạt được những tính chất của vị thánh đó.
- Giúp mọi người hiểu biết đạo lý. Điều này khiến tâm ta an trụ trong chánh pháp mãi mãi.
- Giúp mọi người cùng tu tập thiền định. Muốn người khác được điều gì, ta sẽ được điều đó.
Khi ác nghiệp quá khứ đã được vơi nhẹ, khi thiện nghiệp hiện tại đã huân tập được nhiều, tự nhiên tâm ta trở nên trầm tĩnh, sáng suốt, dễ chú tâm theo hơi thở, ít bị vọng tưởng làm xao lãng. Rồi chỉ cần khéo léo tinh tấn nhẹ nhàng theo dõi hơi thở ra vào, tâm ta có thể nhanh chóng xuất hiện trạng thái Chánh niệm tỉnh giác.
Người không biết gây tạo công đức, cứ loay hoay lo nhiếp tâm, có khi cả đời chưa đạt được trạng thái Chánh niệm tỉnh giác.
Khi còn là học Tăng, học Ni, chúng ta phải vất vả cùng một lúc vừa học giáo lý, vừa tu tập thiền định, vừa công quả tạo phước. Đến khi nào công đức sung mãn, ta mới có thể nhập thất
chuyên chú thiền định để tiến sâu vào các mức định. Nhưng cũng đã có nhiều người chưa cần nhập thất mà tâm đã khai mở chỉ vì phước đã đủ. Thời gian dành cho việc gây tạo công đức càng nhiều thì sau này thời gian dành cho việc dụng công thiền định càng đỡ phải tốn kém hơn.
Một yếu tố làm tâm dễ xao lãng nữa là sự tham đắm thế gian. Khi ta ham muốn nhiều điều trong cuộc đời phiền động này thì đương nhiên tâm ta phải vận động suy nghĩ tính toán. Vì vậy, điều kiện để bớt xao lãng là phải không ham đắm thế gian. Tuy nhiên, ở đây tồn tại một nghịch lý rất khó vượt qua, đó là, tâm trạng không tham đắm thế gian cũng rất gần với tâm trạng vô trách nhiệm với cuộc đời, và điều này khiến người tu trở nên thụ động, tiêu cực, kém phước. Muốn có phước, ta phải tận tụy với con người, với cuộc đời, nhưng cũng dễ bị tham đắm cuộc đời.
Do đó ta phải khéo giữ cho mình cái Trung đạo là vừa tận tụy với cuộc đời, vừa thản nhiên không tham đắm cuộc đời.
Nhiều bài kinh Phật cũng hay khuyến cáo người tu về tính tạm bợ hư ảo của cuộc đời để chúng ta đừng tham đắm thế gian, nhưng rất nhiều bài kinh khác cũng nhắc nhở chúng ta về tấm lòng từ bi thương yêu tất cả chúng sinh. Đó là Trung đạo chân chính nhất. Lệch qua một bên, chúng ta vĩnh viễn không thể giải thoát.
Một yếu tố tiếp theo làm tâm dễ xao lãng là bệnh lý ở thần kinh não. Khi cuống não bị suy yếu, vỏ não lập tức trở nên hưng phấn sôi động và tư tưởng tự động tuôn trào không cách gì kiểm soát được. Bị bệnh này, hành giả không thể chuyên chú tập trung vào pháp môn tu tập được vì vọng tưởng rất mạnh, cuốn sự chú ý trôi theo hết vấn đề này sang vấn đề khác. Người ta cũng gọi đây là bệnh trầm cảm, suy nhược thần kinh… muốn chữa bệnh này, hành giả phải vừa uống thuốc bổ chân âm, vừa luyện tập khí công tích lũy nội lực ở đan điền, vừa lạy Phật sám hối, vừa gây tạo công đức rất nhiều.
Ngược lại, ai có cuống não mạnh thì vỏ não rất yên lắng, dễ thành tựu Chánh niệm tỉnh giác. Phương pháp biết rõ toàn thân (cảm giác toàn thân khi thở vào thở ra, Nikaya) của Phật dạy cũng giúp củng cố Chân âm rất tốt. Phương pháp an trú tâm tại một điểm ở Đan điền cũng giúp phát triển Chân âm; tuy nhiên phải biết kết hợp giữa thấy thân là vô thường hư ảo với phép an trú tại một điểm ở Đan điền.
Những tư tưởng thấp hèn, ích kỷ, kiêu mạn, hơn thua, oán hận, dục vọng… làm cho thùy trán bị mờ tối và tâm dễ bị xao lãng. Ngược lại, khi Chánh niệm tỉnh giác xuất hiện, thùy trán trở nên rỗng sáng, máu lưu thông đầy đủ vào các mạch máu não, cảm giác sảng khoái xuất hiện. Tuy nhiên, hành giả không được an trú tâm nơi trán khiến cho hao mất Âm lực và não bị căng thẳng. Một vài trường phái chủ trương an trú tâm trước trán hoặc đỉnh đầu là do không quan tâm đến cấu tạo khí lực của cơ thể.
Những tư tưởng thánh thiện như vị tha, khiêm hạ, nhường nhịn, độ lượng, trì giới… giúp cho thùy trán rỗng sáng hơn. Vì vậy, người tu thiền phải biết thực hành Chánh Tư duy là huân tập những tư tưởng tốt lành, phải đối diện với nghịch cảnh để thử thách đạo đức, phải nhận lấy trách nhiệm với chúng sinh để phát triển từ bi. Phải nghiêm khắc sám hối mỗi khi tâm còn xuất hiện những tư tưởng bất thiện.