Giám thiền

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 61 - 62)

Khi bắt đầu tập tọa thiền, ta khó thể tự biết tư thế ngồi của mình có đúng và đẹp chưa, vì thế, rất cần người Giám thiền đi tới đi lui quan sát chỉnh sửa giùm cho đại chúng.

Giám thiền phải là người có kinh nghiệm tọa thiền khá giỏi, đã từng biết những sai lầm của mình nên bây giờ biết sai lầm của huynh đệ mà kịp thời chỉnh sửa. Công tác giám thiền rất vất vả vì phải đi tới đi lui tập trung xem xét hết người này đến người khác, không được yên tĩnh ngồi thiền trong khi đại chúng ngồi. Nếu không sắp được thời gian để ngồi bù lại thì sức khỏe Giám thiền sẽ tụt trông thấy.

Giám thiền cần trang bị một cây thiền bảng dài khoảng 1,2m, hình dáng dẹp dùng để nhắc nhở thiền sinh. Giám thiền đi tới đi lui phải nhẹ nhàng khẽ khàng không gây tiếng động.

Những lỗi nào đã bị phạm thì thiền sinh cứ hay bị lập lại hoài, nên Giám thiền phải để ý sửa giúp nhiều lần mới hết hẳn.

Khi bắt đầu công tác, Giám thiền phải xem xét phần tư thế bên ngoài trước khi xem xét nội tâm của thiền sinh. Những lỗi về tư thế thường gặp của thiền sinh là:

- Lưng cong. Giám thiền phải thường xuyên lấy thiền bảng chạm nhẹ vào lưng để thiền sinh hiểu ý mà ưỡn lưng lên lại. Nhưng nếu có ai ưỡn ngực nhiều quá thì Giám thiền phải nói khẽ bên tai để người đó chùng xuống bớt.

- Đầu cúi quá hay ngẩng cao. Giám thiền phải dùng tay chạm rất khẽ để kéo đầu thiền sinh về đúng vị trí.

- Hai tay ép gần hông. Dùng thiền bảng để đẩy ra nhẹ nhàng. - Đầu quay qua một bên. Dùng tay xoay nhẹ lại.

- Miệng mở. Dùng thiền bảng chạm nhẹ vào cằm.

- Người như xoay về một bên, nghiêng về một bên. Dùng hai ngón tay giữa đặt ở hai vai để xoay nhẹ trở lại.

- Mắt mở to nhìn lên, hoặc nhìn qua lại. Ra hiệu bằng tay ám chỉ nhìn xuống dưới.

- Ngồi không yên, hay nhúc nhích. Đến gần nói khẽ bên tai nhắc nhở ráng giữ thân cho bất động.

- Có dấu hiệu buồn ngủ. Nói khẽ thiền sinh phải biết rõ toàn thân.

- Có dấu hiệu gồng cứng toàn thân. Nhắc khẽ nên buông lỏng, giữ thân mềm mại. - Bàn tay không đẹp, không đúng tư thế. Nhắc khẽ cho sửa lại.

- Nhìn gương mặt thấy không thanh thản, biết thiền sinh đang bị vọng tưởng nhiều. Đặt nhẹ thiền bảng lên vai, rồi nhắc khẽ bên tai, khuyên ráng đừng để bị vọng tưởng dẫn đi.

- Nhìn gương mặt thấy lông mày nhướng lên, mắt nhắm nghiền, như đang lạc vào cõi nào. Đặt thiền bảng lên vai, vỗ vài cái nhẹ nhẹ.

- Nghe hơi thở nặng, ngực nở ra thu vào rất rõ theo từng hơi thở, tâm bất an. Đặt thiền bảng lên vai, nhắc khẽ thiền sinh điều chỉnh hơi thở êm dịu lại.

- Mặt xanh lè, mồ hôi đổ ra, có thể bị trúng gió. Nên cho vào trong chữa trị.

- Chân đau quá, bật lên tiếng rên khe khẽ, mặt nhăn nhó. Có thể cho phép kê một miếng vải gấp lại mấy lớp để phía dưới khớp chân dưới cùng, giúp chịu bớt lực giùm cái gân chân chỗ đó yếu nhão quá. Nếu đau bắp phía trên thì khuyên thiền sinh ráng chịu cho hết giờ. Nếu vẫn không chịu nỗi thì cho mở chân ra ngồi yên một chỗ chờ mọi người.

Còn nhiều trường hợp bất ngờ khác xảy ra trong khi quan sát mà Giám thiền phải tự mình nhận định phương cách giải quyết chỉnh sửa cho thiền sinh.

Giám thiền được công đức lớn, và phải chịu nhiều vất vả vì đại chúng. Vì thế, Giám thiền phải thường xuyên tu tập tâm từ bi sâu dày để đủ thương yêu và kiên nhẫn giúp đỡ đại chúng. Cũng nên tập cho đại chúng luân phiên giám thiền để mọi người có thêm kỹ năng này.

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 61 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w