NHỮNG PHÁP MÔN NGÀY NAY

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 51 - 52)

Chúng ta tạm chia đạo Phật theo những giai đoạn sau:

- Thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy. Đó là thời kỳ đức Phật còn tại thế và kéo dài thêm 100 năm.

- Thời kỳ Phật giáo phân phái. Đó là thời kỳ sau 100 năm, đạo Phật chia thành 20 bộ phái, theo hai khuynh hướng bảo thủ của Thượng tọa bộ và cải cách của Đại chúng bộ. Thời kỳ này kéo dài từ 100 năm sau Phật đến khoảng 600 năm sau Phật.

- Thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Nhiều khi để tránh hơn thua, người ta cũng gọi là Phật giáo Phát triển. Lúc này những bộ kinh và luận của Đại thừa thi nhau xuất hiện. Thật ra Phật giáo Đại

thừa đã có manh nha sau Phật 200 năm, nhưng phải đợi khi Long Thọ hiện diện thì mới trở thành một phong trào rầm rộ.

- Thời kỳ Phật giáo biến thái. Đó là khi Phật giáo được truyền sang các nước phía Đông như Tây Tạng, Trung hoa. Tại đây, đạo Phật pha trộn với văn hóa, tín ngưỡng bản địa và thay đổi rất nhiều. Ta có Mật tông, Thiền tông hay Tịnh độ tông đều thuộc giai đoạn này. Thời kỳ này không đồng đều, tùy theo thời gian đạo Phật du nhập vào mỗi nước, nhưng cũng khoảng gần 1000 năm sau Phật. Ngay cả Phật giáo Theravada của Nam tông từng được xem là nguyên thủy cũng không còn giữ được thuần túy, cũng đã thay đổi rất xa so với Phật giáo Nguyên thủy. Và dường như khuynh hướng biến thái này kéo dài đến ngày nay.

- Thời kỳ Phật giáo hiện đại. Đó là thời đại hôm nay khi các ngành kỹ thuật khoa học tiến bộ giúp cho việc nghiên cứu đạo Phật được thuận lợi. Ngày nay người ta ít bị ràng buộc bởi một tông phái duy nhất mà luôn tìm hiểu đạo Phật từ cội nguồn, tìm hiểu các tông phái khắp nơi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm tu hành. Chính thời kỳ này lại mới là lúc tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy được tôn vinh vì giúp cho đạo Phật tìm lại điểm chung và bớt bị phân hóa. Hôm nay chúng ta chỉ đề cập đến bốn đường lối phổ biến nhất bây giờ đó là Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông và Theravada Nam tông. Một bài học ngắn như vầy thì những điều được nêu ra chỉ là sơ lược.

Học bài này, chúng ta cũng vượt ra khỏi tinh thần thành kiến tông phái để tìm sự thật. Một trở ngại lớn cho người học Phật là tinh thần tông phái quá nặng khiến cho ta không còn khách quan nữa. Bây giờ, dù ta xuất thân từ tông phái nào, ta cũng tạm quên đi để chỉ còn là đệ tử Phật chung duy nhất mà thôi. Có thể thầy tổ ta cực lực bênh vực tông phái pháp môn của mình, nhưng trên tinh thần khách quan nghiên cứu, ta phải thoát ra khỏi ảnh hưởng đó để nhìn rộng hơn. Điều bình thường là ai cũng cho tông phái mình là chân lý đúng nhất. Đó chỉ là quan niệm chủ quan không phù hợp với tinh thần nghiên cứu khoa học, cần phải được tránh để ta đi tìm một đạo Phật chung cho tất cả.

Chúng ta sẽ dựa trên vài đạo lý căn bản nhất của Phật để so sánh từng pháp môn và biết rõ sự sai biệt để bổ sung hay phát huy. Cuối cùng, ước mơ của chúng ta vẫn là xây dựng lại một đạo Phật hòa hợp đoàn kết và không còn bị phân hóa trầm trọng như hiện nay.

Một phần của tài liệu Giao trinh thien hoc- Thich Chan Quang doc (Trang 51 - 52)