Bên cạnh tác động tích cực là giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động thì sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam cũng gây ra những tác động tiêu cực trong sự biến đổi tình trạng việc làm của một bộ phận dân cư. Xuất phát là một nước nông nghiệp chậm phát triển nên các hình thức buôn bán truyền thống đã tồn tại lâu đời trong đời sống của người dân và tạo ra công ăn việc làm cho các tiểu thương. Bộ phận các hộ kinh doanh cá thể này đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp do không thể cạnh tranh lại được với các nhà phân phối chuyên nghiệp. Do có tiềm lực tài chính nên các nhà bán lẻ chuyên nghiệp có thể mở rộng
quy mô phân phối cũng như có thể tiến hành thay đổi phương thức kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Trong khi đó, để thực hiện việc này là điều không thể đối với các hộ kinh doanh hoạt động tự phát vì không có đủ điều kiện tài chính và trình độ năng lực. Kết quả là hình thức bán lẻ truyền thống sẽ dần được thay thế bởi các loại hình bán lẻ hiện đại và sẽ có nhiều hộ kinh doanh cá thể không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ nếu không có sự chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khác. Những người mất việc từ khu vực bán lẻ truyền thốngsẽ tạo ra sức ép lên các vấn đề xã hội. Do đó, cần có những biện pháp hỗ trợ để những lao động này có việc làm mới hoặc nâng cấp để có thể duy trì và tham gia vào mạng lưới bán hàng mới hiện đại để đủ sức cạnh tranh.