Đặc điểm ngữ nghĩa của danh từ thân tộc

Một phần của tài liệu yếu tố lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp của người việt nam ở thành phố huế (Trang 41 - 43)

5. Bố cục

3.1.2.Đặc điểm ngữ nghĩa của danh từ thân tộc

Cũng giống như đại từ nhân xưng, danh từ chỉ thân tộc cũng là một lớp từ cơ bản của một ngôn ngữ. Lớp từ này xuất hiện và tồn tại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lịch sử ngôn ngữ ấy. Hiện tượng sử dụng danh từ thân tộc bắt đầu từ khi chưa có một mốc chính xác.

Trong phạm vi giao tiếp gia đình và xã hội, số lượng các danh từ thân tộc bao gồm các từ như: ông, bà, cụ, cố, bố, mẹ, cô , dì, chú, bác, anh, em, con, cháu, chú, thím, mợ, vợ, chồng...

Trong phạm vi giao tiếp gia đình: các danh từ thân tộc giúp phân biệt tôn ti, thứ bậc, giới tính, quan hệ nội – ngoại, quan hệ hôn nhân và mức độ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Ngoài xã hội: hầu hết các danh từ thân tộc dùng để xưng hô song trong phạm vi xã hội thì chúng có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý nghĩa. Tùy hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp cụ thể mà các danh từ thân tộc chỉ có một ý nghĩa nhất định nào đó. Việc sử dụng danh từ thân tộc thể hiện thói quen tâm lý là “thân hữu hóa” các quan hệ xã hội.

Việc xác định quan hệ cá nhân như vậy để có cách xưng hô phù hợp không làm mất thể diện của cả hai bên tham gia hội thoại, sự gần gũi sẽ giúp giao tiếp đạt hiệu quả cao hơn.

Khác với miền Bắc và những nơi khác ở Huế trong họ hàng, người Huế gọi bà con họ nội là “chú” (em trai của bố), “bác” ( anh trai của bố), “cô” hoặc “o” ( chị hoặc em gái của bố), “thím” (vợ của chú), còn bên phía ngoại thì gọi “dì” (chị hoặc em gái của mẹ), “dượng” (chồng của dì), “cậu” (anh hoặc em trai của mẹ), “mợ” (vợ của cậu)

Trong giao tiếp hội thoại, các nhân vật thường dùng các danh từ thân tộc để xưng hô với một ý nghĩa là nhằm rút ngắn khoảng cách, đưa quan hệ xích lại gần nhau hơn để đạt hiệu quả cao trong quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin. Chẳng hạn, câu thoại giữa người bán và người mua ở chợ.

Ví dụ:

- trả thêm cho con nữa đi, rẻ quá tụi con không bán được.

Người nói sử dụng “tụi con” thể hiện được sắc thái lễ độ, tôn trọng người lớn tuổi hơn.

Còn khi bậc trên nói với bậc dưới thì lại thể hiện sự yêu thương, trìu mến, thân mật và tôn trọng.

Ví dụ:

-Trời sắp mưa, các con đi ra ngoài nhớ mang theo áo mưa kẻo ướt.

Các từ xưng hô bằng danh từ thân tộc ta thấy không chỉ thể hiện được, thái độ, tình cảm mà phần nào thể hiện được tuổi tác, giới tính của các vai tham gia giao tiếp. Chẳng hạn như: ông, bà, cụ...mang ý nghĩa để chỉ những người lớn tuổi, những người bậc trên, thế hệ đi trước. Con cháu... là những người nhỏ tuổi hơn, thế hệ đi sau. Các từ như: ông, anh, chú, cậu...mang ý nghĩa chỉ giới tính nam, còn các từ như: bà, cô, dì, thím... mang ý nghĩa chỉ giới tính nữ. Nét nghĩa giới tính, tuổi tác trong nhóm danh từ chỉ quan hệ thân tộc tạo nên một lớp từ xưng hô khá phong phú trong lớp từ xưng hô của người Huế.

Các danh từ chỉ thân tộc dùng để xưng hô giữa các đối tượng có cùng huyết thống với nhau thì nó mang nghĩa gốc. Khi dùng để xưng hô giữa các đối tượng không có quan hệ huyết thống với nhau, nó mang nghĩa phái sinh với hàm ý tương đương hoặc gần giống nhau về giới tính, tuổi tác, thứ bậc, quan hệ nội/ ngoại với các đối tượng cùng quan hệ họ hàng huyết thống. Sắc thái ý nghĩa của dang từ thân tộc là thân mật, gần gũi, tôn kính.

Số lượng danh từ chỉ thân tộc của người Huế không nhiều song đây có thể nói là tiểu nhóm danh từ đặc sắc về ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa của danh từ chỉ thân tộc không chỉ chủng loại như các tiểu nhóm danh từ sự vật mà nó dùng để chỉ quan hệ (huyết thống). Chính những đặc điểm này mang đến cho danh từ thân tộc những đặc sắc về cả ngữ dụng và ngữ pháp.

Ta thấy rằng, ngoài việc dùng danh từ chỉ quan hệ thân tộc để chỉ quan hệ thân tộc và họ hàng, huyết thống thì họ cũng dùng danh từ thân tộc làm từ xưng hô (thay cho địa từ xưng hô ngôi thứ nhất và thứ hai). Bằng trực giác của người bản ngữ bất cứ ai cũng có thể thấy trong xưng hô người Huế thường dùng danh từ thân tộc và ít khi dùng đại từ xưng hô chính danh (tao, chúng mày, hắn, bọn hắn...)

Ví dụ:

-Cháu cảm ơn ông/bà

-Con xin lỗi bố/mẹ.

Một phần của tài liệu yếu tố lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp của người việt nam ở thành phố huế (Trang 41 - 43)