5. Bố cục
3.1. Giá trị ngữ nghĩa của yếu tố lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp
3.1.1. Đặc điểm ngữ nghĩa của đại từ nhân xưng
Hệ thống từ xưng hô tiếng Việt có khoảng trên 20 đại từ nhân xưng thường được sử dụng như: tôi, tao, tớ, ta, mày, người, ngài, nó, hắn, người ta, họ, chúng tôi, chúng ta, chúng nó, chúng mày...
So với hệ thống đại từ xưng hô trong tiếng Việt thì hệ thống đại từ xưng hô ở Huế cũng không kém phần đa dạng và cũng có nhiều khác biệt, có thể có sự biến đổi về ngữ âm: bọn bây, bọn mi, tui, tau...
Khi xưng hô bằng đại từ nhân xưng, tùy theo ngữ cảnh, ngữ huống mà các đại từ này được sử dụng mang sắc thái trung hòa, khách quan, lịch sự nhưng lại có khi cũng mang sắc thái xem thường, khinh miệt.
Các đại từ nhân xưng được người Huế sử dụng như: mi, tau, bọn mi, bọn hắn... thường là cách xưng hô mang tính chất thân mật, suồng sã cũng có khi là bất lịch sự. Các đại từ khác như: mình, bọn mình, tụi mình... lại mang sắc thái thân mật, trìu mến, gần gũi và thường được dùng khi những người đối thoại ngang hàng, địa vị, tuổi tác với nhau. Và thường cách xưng hô kiểu như thế được dùng trong giao tiếp hàng ngày giữa những người không có địa vị xã hội.
Việc dùng các đại từ nhân xưng giữa những người cùng tuổi thể hiện được mối quan hệ giữa những người tham gia hội thoại.
Ví dụ:
-Thôi. Tụi tau đi trước bọn mi nghe.
Trong phát ngôn trên, cặp đại từ tau- mi là cách xưng hô giữa những vai giao tiếp cùng bậc với nhau và trong môi trường thân mật, và gắn liền với ngữ cảnh là hai người chơi với nhau nên sắc thái thân mật càng trở nên nổi trội hơn.
Như chương 2 đã đề cập, ranh giới giữa sắc thái thân mật và miệt thị của các đại từ xưng hô dựa trên tiêu chí cư xử xã hội, đó là tính lịch sự. Cùng sử dụng đại từ nhân xưng như phát ngôn trên nhưng câu sau lại mang sắc thái suồng sã, coi thường.
-Mi đừng có để lần sau tau gặp lại mi không thì đừng có trách.
Hoặc
Đại từ nhân xưng tương đối trung hòa và tùy vào từng trường hợp cụ thể và các mối quan hệ liên nhân như thế nào mà dùng từ phù hợp với từng ngữ cảnh. Trong từng tình huống, ngữ cảnh giao tiếp cụ thể khác nhau người ta lựa chọn những cách xưng hô sao cho phù hợp như: tôi – em, tôi – mình hoặc tôi – tên riêng... các mối quan hệ này rất phong phú. Có khi là quan hệ giữa những người hàng xóm láng giềng, thầy trò, bạn bè, trong mỗi trường hợp khác nhau các đại từ lại diễn tả những sắc thái khác nhau. Có lúc là trang trọng, lịch sự, đôi khi là sự thân mật trìu mến, nhưng cũng có lúc là sự trịch thượng của kẻ trên đối với người có địa vị thấp hèn hơn.
- Nghe trộm hết chuyện của tau rồi phải không Cúc?
(Tô Nhuận Vỹ, Dòng sông phẳng lặng) Trong câu trên là người lớn tuổi nói với người nhỏ tuổi hơn, phát ngôn này là anh Thất đang nói với Cúc, ở đây không có sự suồng sã, coi thường mà thể hiện sự thân mật giữa hai người vốn đã quen và rất thân thiết với nhau.
Hoặc cách xưng hô tôi – mình được sử dụng ở ngôi số ít trong quan hệ vợ chồng.
- Tôi xin mình, mình dẹp giùm tôi mấy cái bàn thờ này đi. Chuyện mê tín dị đoan, đâu hay ho gì?
(Trần Thùy Mai, trăng nơi đáy giếng) Để diễn đạt những sắc thái ý nghĩa phong phú hơn,người ta thường kết hợp các đại từ nhân xưng với các yếu tố khác để xưng hô.
+ Đại từ nhân xưng + danh từ thân tộc: Mẹ mi,cha mi, chị em ta, chị em mình, em mình...
Ví dụ:
- Mẹ mi là con yêu tinh, khi trước đã phá đời tu của cha mi, giờ lại phá luôn đời tục của ổng.
(Trần Thùy Mai, Thương nhớ Hoàng Lan) + Đại từ nhân xưng + số từ: Hai tụi tau, hai người...
Ví dụ:
- Mấy đứa bọn tau chờ bọn mi mãi, sắp trễ xe rồi. + Đại từ nhân xưng + nhà: Nhà em, nhà mình, nhà ta... Ví dụ:
(a) - Hôm nay, nhà em mọi người đi vắng hết. (b) - Anh Dũng nhà em có khỏe không chị?
Trong số các dấu hiệu thể hiện quan hệ liên cá nhân trong giao tiếp ở trên thì quan hệ sử dụng đại từ nhân xưng với danh từ thân tộc để xưng hô được người Huế sử dụng tương đối nhiều.
Việc xưng hô bằng đại từ nhân xưng với việc kết hợp với nhiều yếu tố xưng hô khác đã tạo nên sự phong phú về sắc thái ý nghĩa.
3.1.2. Đặc điểm ngữ nghĩa của danh từ thân tộc
Cũng giống như đại từ nhân xưng, danh từ chỉ thân tộc cũng là một lớp từ cơ bản của một ngôn ngữ. Lớp từ này xuất hiện và tồn tại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lịch sử ngôn ngữ ấy. Hiện tượng sử dụng danh từ thân tộc bắt đầu từ khi chưa có một mốc chính xác.
Trong phạm vi giao tiếp gia đình và xã hội, số lượng các danh từ thân tộc bao gồm các từ như: ông, bà, cụ, cố, bố, mẹ, cô , dì, chú, bác, anh, em, con, cháu, chú, thím, mợ, vợ, chồng...
Trong phạm vi giao tiếp gia đình: các danh từ thân tộc giúp phân biệt tôn ti, thứ bậc, giới tính, quan hệ nội – ngoại, quan hệ hôn nhân và mức độ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Ngoài xã hội: hầu hết các danh từ thân tộc dùng để xưng hô song trong phạm vi xã hội thì chúng có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý nghĩa. Tùy hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp cụ thể mà các danh từ thân tộc chỉ có một ý nghĩa nhất định nào đó. Việc sử dụng danh từ thân tộc thể hiện thói quen tâm lý là “thân hữu hóa” các quan hệ xã hội.
Việc xác định quan hệ cá nhân như vậy để có cách xưng hô phù hợp không làm mất thể diện của cả hai bên tham gia hội thoại, sự gần gũi sẽ giúp giao tiếp đạt hiệu quả cao hơn.
Khác với miền Bắc và những nơi khác ở Huế trong họ hàng, người Huế gọi bà con họ nội là “chú” (em trai của bố), “bác” ( anh trai của bố), “cô” hoặc “o” ( chị hoặc em gái của bố), “thím” (vợ của chú), còn bên phía ngoại thì gọi “dì” (chị hoặc em gái của mẹ), “dượng” (chồng của dì), “cậu” (anh hoặc em trai của mẹ), “mợ” (vợ của cậu)
Trong giao tiếp hội thoại, các nhân vật thường dùng các danh từ thân tộc để xưng hô với một ý nghĩa là nhằm rút ngắn khoảng cách, đưa quan hệ xích lại gần nhau hơn để đạt hiệu quả cao trong quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin. Chẳng hạn, câu thoại giữa người bán và người mua ở chợ.
Ví dụ:
-Dì trả thêm cho con nữa đi, rẻ quá tụi con không bán được.
Người nói sử dụng “tụi con” thể hiện được sắc thái lễ độ, tôn trọng người lớn tuổi hơn.
Còn khi bậc trên nói với bậc dưới thì lại thể hiện sự yêu thương, trìu mến, thân mật và tôn trọng.
Ví dụ:
-Trời sắp mưa, các con đi ra ngoài nhớ mang theo áo mưa kẻo ướt.
Các từ xưng hô bằng danh từ thân tộc ta thấy không chỉ thể hiện được, thái độ, tình cảm mà phần nào thể hiện được tuổi tác, giới tính của các vai tham gia giao tiếp. Chẳng hạn như: ông, bà, cụ...mang ý nghĩa để chỉ những người lớn tuổi, những người bậc trên, thế hệ đi trước. Con cháu... là những người nhỏ tuổi hơn, thế hệ đi sau. Các từ như: ông, anh, chú, cậu...mang ý nghĩa chỉ giới tính nam, còn các từ như: bà, cô, dì, thím... mang ý nghĩa chỉ giới tính nữ. Nét nghĩa giới tính, tuổi tác trong nhóm danh từ chỉ quan hệ thân tộc tạo nên một lớp từ xưng hô khá phong phú trong lớp từ xưng hô của người Huế.
Các danh từ chỉ thân tộc dùng để xưng hô giữa các đối tượng có cùng huyết thống với nhau thì nó mang nghĩa gốc. Khi dùng để xưng hô giữa các đối tượng không có quan hệ huyết thống với nhau, nó mang nghĩa phái sinh với hàm ý tương đương hoặc gần giống nhau về giới tính, tuổi tác, thứ bậc, quan hệ nội/ ngoại với các đối tượng cùng quan hệ họ hàng huyết thống. Sắc thái ý nghĩa của dang từ thân tộc là thân mật, gần gũi, tôn kính.
Số lượng danh từ chỉ thân tộc của người Huế không nhiều song đây có thể nói là tiểu nhóm danh từ đặc sắc về ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa của danh từ chỉ thân tộc không chỉ chủng loại như các tiểu nhóm danh từ sự vật mà nó dùng để chỉ quan hệ (huyết thống). Chính những đặc điểm này mang đến cho danh từ thân tộc những đặc sắc về cả ngữ dụng và ngữ pháp.
Ta thấy rằng, ngoài việc dùng danh từ chỉ quan hệ thân tộc để chỉ quan hệ thân tộc và họ hàng, huyết thống thì họ cũng dùng danh từ thân tộc làm từ xưng hô (thay cho địa từ xưng hô ngôi thứ nhất và thứ hai). Bằng trực giác của người bản ngữ bất cứ ai cũng có thể thấy trong xưng hô người Huế thường dùng danh từ thân tộc và ít khi dùng đại từ xưng hô chính danh (tao, chúng mày, hắn, bọn hắn...)
Ví dụ:
-Cháu cảm ơn ông/bà
-Con xin lỗi bố/mẹ.
3.1.3. Đặc điểm ngữ nghĩa của các từ chỉ chức danh
Như chương 2 đã phân tích danh từ chỉ chức danh là những từ chỉ chức vụ, danh hiệu, nghề nghiệp, học hàm, học vị...Nét đặc biệt của danh từ chỉ chức danh là thường dùng để hô (để chỉ ngôi thứ 2), rất ít khi danh từ chỉ chức danh dùng để xưng (chỉ ngôi thứ nhất).
Xưng hô bằng danh từ chỉ chức danh thường là cách xưng hô mang tính xã giao, tuân theo những quy định bắt buộc. Các danh từ này chỉ được sử dụng nhiều ở trong các cuộc giao tiếp mang tính nghi thức như các cuộc họp...
Ở Huế mọi người khi lên chùa dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi thường gọi những người đứng đầu ngôi chùa là “thầy”, nếu là nam xuất gia thì gọi là “chú”, nếu là nữ xuất gia thì gọi là “cô” hoặc gọi bằng pháp danh của người đó và hạ bậc của mình bằng “con” . Điều đó thể hiện được sự tôn trọng, thành kính của họ đối với những người nơi cửa Phật.
Ví dụ:
-Bạch thầy, Đăng Minh trốn học, la cà ở quán cà phê tím.
(Trần Thùy Mai, Thương nhớ hoàng lan) -Thầy cho phép con vào trong thắp hương được không ạ?
Hay khi chúng ta đi ra chợ vẫn thấy những người bán hàng gọi những người dạy học là cô, thầy.
Ví dụ:
-Hôm nay cô mua chi cô?
Hay
-Hôm nay thầy đi chợ giùm vợ à?
Tất cả những phát ngôn trên đều thể hiện thái độ kính trọng của người nói đối với người nghe với chức danh xưng gọi theo nghề nghiệp nhằm đề cao thể diện của người đối thoại, và người nghe cũng cảm thấy vị thế xã hội của mình cũng được nâng lên, cảm thấy bản thân được tôn trọng.
Danh từ chỉ chức danh cũng được kết hợp với các yếu tố xưng hô khác như: danh từ thân tộc, danh từ chỉ tên riêng, danh từ chỉ giới tính nhưng tần số xuất hiện của kiểu xưng hô này ở Huế hiện nay là rất hiếm. Xưng hô phải phù hợp với thoại trường, trong giao tiếp thường ngày mà cứ lúc nào cũng cứ “một giáo sư, hai giáo sư” với người khác sẽ bị xem là “vô duyên” Họ ít khi
gọi thầy giáo là ông giáo, hoặc gọi thợ điện là bác thợ điện...họ cũng không gọi người giúp việc là thằng mõ hay con sen...
Ví dụ:
-Hôm nay bác phó chủ tịch sẽ tới thăm làng mình.
Trong cuộc họp chẳng hạn:
- Xin đồng chí bí thư cho ý kiến về kế hoạch sắp tới của chi bộ.
Các danh từ chỉ chức danh thường mang sắc thái trang trọng, lịch sự, ngoài ra các danh từ chỉ chức danh còn mang yếu tố nghĩa tôn ti, thể hiện được vị thế của vai tham gia giao tiếp. Tùy vào từng hoàn cảnh giao tiếp mà sử dụng từ chỉ chức danh phù hợp nhằm tạo ra sắc thái thân mật, gần gũi hay coi thường, khinh miệt. Và phạm vi hoạt động của những từ này chỉ phù hợp trong các cuộc giao tiếp mang tính chất xã hội như nơi công sở, trong không khí trang trọng chứ không thích hợp với giao tiếp trong gia đình, thân mật.
3.1.4. Đặc điểm ngữ nghĩa của danh từ chỉ tên riêng
Cách xưng hô bằng danh từ chỉ tên riêng là cách xưng hô được sử dụng rất phổ biến ở Huế. Cách xưng hô này thay đổi theo tuổi tác, giới tính...Người Việt nói chung và người Huế nói riêng dùng danh từ chỉ tên riêng để xưng hô chứ không dùng hô như một số nơi khác.
Ví dụ:
(a) - Tối nay Lan có đi xem ca nhạc không?
(b) - Tối nay Lan có việc bận mất rồi. Mai có đi được không? (c) - Mai chắc cũng không đi được, mẹ Mai đang ốm.
Trong đoạn hội thoại trên, Lan ở câu (a) để chỉ ngôi thứ 2, Lan ở câu (b) dùng để chỉ ngôi thứ nhất. Mai thứ nhất ở câu (c) để chỉ ngôi thứ 2, Mai thứ 2 và thứ 3 ở câu (c) dùng để chỉ ngôi thứ nhất. Danh từ riêng Lan và Mai được sử dụng trong cách xưng hô hằng ngày của cả Lan và Mai. Thông qua cách
xưng hô này có thể thấy được mức độ tình bạn của hai người, đó là tình cảm thân thiết giữa hai người bạn chơi thân với nhau.
Xưng hô bằng danh từ chỉ tên riêng thường được dùng trong giao tiếp với sắc thái ý nghĩa thân mật, gần gũi giữa các vai khi tham gia giao tiếp. Tuy nhiên, trong các môi trường giao tiếp khác nhau nhằm thể hiện các sắc thái tình cảm hoặc trân trọng, hoặc suồng sã, miệt thị mà bản thân cách xưng hô bằng danh từ chỉ tên riêng không thể hiện hết được người ta thường kết hợp danh từ chỉ tên riêng với các yếu tố khác tạo thành tổ hợp từ dùng để xưng hô như: danh từ chỉ thân tộc, danh từ chỉ chức danh, danh từ chỉ giới tính....
+ Danh từ chỉ tên riêng + danh từ chỉ thân tộc: - Mồng một anh gắng về nhà nghe anh Minh.
- Chuyện năng lực của chị Liên thì nói làm gì nữa, những dư luận dậy sóng lắm chị Hạnh ạ.
Cách nói này thể hiện mối quan hệ rất gần gũi, tình cảm giữa những người tham gia hội thoại.
Ví dụ:
Cuộc nói chuyện giữa hai người cùng hoạt động cách mạng với nhau họ xưng hô rất thân mật. Đoạn hội thoại giữa anh Thất và chị Hạnh thể hiện rõ:
-Giai đoạn thong thả qua rồi chị Hạnh à, ăn nhau là lúc này đây.
- Dạ, tui biết, chi bộ có học
(Tô Nhuận Vỹ, Dòng sông phẳng lặng)
Theo phép lịch sự mặc dù chị Hạnh lớn tuổi hơn anh Thất nhưng chị Hạnh vẫn gọi anh Thất bằng anh và “dạ” khi trả lời anh Thất. Cách xưng hô này cho thấy tình cảm thân thiết giữa hai người không chỉ là tình đồng chí mà còn là tình cảm giữa hai người có cùng lý tưởng cách mạng.
-Bí thư Thùy Linh đại diện đoàn trường đi dự đại hội vào thứ 2 tuần sau nhé.
Phát ngôn này tạo sự trang trọng trong phong cách hành chính, thể hiện được sự tôn trọng của người nói đối với người nghe, thể diện của người nghe được tôn vinh nhờ có danh từ chỉ chức danh “bí thư”
+ Danh từ chỉ tên riêng + danh từ chỉ giới tính: -Trưa nay, thằng Nam sẽ đi Hà Nội đấy.
“Thằng Nam” dùng để chỉ một người con trai tên là Nam, đây có thể là lời thông báo của người cùng tuổi hoặc người lớn tuổi hơn, người nói gọi người tên Nam là “thằng” thể hiện sự thân mật chứ không suồng sã, hay có thái độ xem thường.
3.2. Giá trị ngữ dụng của yếu tố lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp3.2.1. Dùng từ xưng hô theo thái độ, tình cảm của vai giao tiếp 3.2.1. Dùng từ xưng hô theo thái độ, tình cảm của vai giao tiếp