Phương pháp nghiên cứu cụ thể

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp quản lý tài nguyên rừng tại các xã nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai (Trang 43 - 44)

* Kế thừa các thông tin, số liệu và kết quả đã nghiên cứu

- Những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm về quản lý rừng của các nước trên thế giới.

- Những tài liệu về thể chế, chính sách trong nông lâm nghiệp ở Việt Nam như Luật đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Chính sách giao đất lâm nghiệp, Chính sách khoán bảo vệ rừng; quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp về rừng và đất lâm nghiệp...

- Những tài liệu liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Vườn Quốc Gia Hoàng Liên – Sa Pa.

- Những tài liệu, kết quả nghiên cứu về tài nguyên động thực vật tại Vườn Quốc Gia Hoàng Liên – Sa Pa.

* Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn RRA và đánh giá nông thôn có sự tham gia PRA

- Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn RRA

+ Lựa chọn 120 hộ gia đình và cán bộ địa phương để phỏng vấn theo phương pháp đánh giá nhanh nông thôn RRA. Các hộ gia đình và cán bộ được lựa chọn từ các xã vùng lõi của Vườn gồm các xã: San Sả Hồ, Lao chải, Tả Van và xã Bản Hồ. Tiêu chí để lựa chọn là các hộ gia đình phải đại diện cho các địa vị xã hội, mức sống, địa bàn cư trú, nhận thức, thành phần dân tộc, khả năng tiếp cận, lĩnh vực quản lý.

+ Địa điểm khu vực thu thập thông tin có tính đại diện cao, phản ánh đúng thực trạng vấn đề nghiên cứu.

+ Các chủ đề phỏng vấn tập trung vào: Mức sống của các hộ gia đình, những hoạt động có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, sự phụ thuộc của người dân vào rừng, vai trò của người dân đối với công tác bảo tồn tài nguyên rừng và những kiến nghị, đề xuất của họ,…

+ Công cụ điều tra chủ yếu là bảng các câu hỏi phỏng vấn với những câu hỏi định hướng, bán định hướng và không định hướng.

- Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia PRA được áp dụng để kiểm tra kết quả, củng cố những thông tin thu được từ phương pháp kế thừa cũng như

phương pháp đánh giá nhanh nông thôn; xác định những cơ hội, thách thức đến quá trình quản lý rừng; lựa chọn các giải pháp ưu tiên cũng như đề xuất và kiến nghị những biện pháp quản lý sử dụng có hiệu quả và hợp lý tài nguyên rừng.

+ Đề tài thực hiện những cuộc trao đổi, thảo luận với 5 nhóm người đại diện cho 4 xã với những chủ đề có liên quan đến quản lý rừng. Trong quá trình trao đổi, thảo luận, người thực hiện đề tài giữ vai trò là người thúc đẩy và định hướng cuộc trao đổi mà không đưa ra những ý kiến mang tính quyết định và không áp đặt tư tưởng của mình cho những thành viên tham gia thảo luận.

+ Lựa chọn đối tượng: Nhóm đối tượng phỏng vấn, thảo luận thu thập thông tin đa dạng, phong phú về địa vị xã hội, mức sống, địa bàn cư trú, nhận thức, thành phần dân tộc, khả năng tiếp cận, lĩnh vực quản lý khác nhau nhưng đều có sự hiểu biết về các vấn đề có liên quan đến quản lý rừng.

+ Nội dung trao đổi, thảo luận tập trung vào:

- Lịch sử thôn bản: Lịch sử thôn bản được sử dụng để tìm hiểu quá trình hình thành, định cư của các thôn bản, quá trình chuyển đổi các phương thức tổ chức sản xuất, diễn biến của hoạt động sử dụng rừng và đất rừng, sự thay đổi về nhận thức, kiến thức của người dân và những nguyên nhân thay đổi trong quản lý rừng của cư dân địa phương.

- Biểu đồ thời gian: Biểu đồ thời gian được sử dụng để thu thập thông tin liên quan đến quản lý sử dụng tài nguyên rừng.

+ Công cụ được lựa chọn cho phương pháp này là bảng câu hỏi phỏng vấn. Các câu hỏi phỏng vấn là những câu hỏi bán định hướng và được sắp xếp theo chủ đề phỏng vấn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp quản lý tài nguyên rừng tại các xã nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai (Trang 43 - 44)