Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: Thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh (Trang 90 - 95)

Nghệ thuật âm nhạc phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm của con người, đánh thức mọi xúc cảm sâu xa, thầm kín nhất. Do vậy, ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Chính nhờ đặc trưng là âm thanh và

nhịp điệu trong âm nhạc đã đánh thức cảm xúc của con người, đồng thời gợi sự liên tưởng sáng tạo. Nội dung và hình thức trong âm nhạc cũng góp phần vào việc phát triển trí tuệ, ý thức tập thể và khả năng nhận thức cho con người. Do vậy, suy cho cùng, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc là giúp con người nhận thức, cảm nhận được cái đẹp, là phương tiện để mở rộng cái đẹp. Bên cạnh đó, sức mạnh cảm hoá của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn.

Nhân cách là toàn thể những thuộc tính đặc biệt mà một cá thể có được trong hệ thống các quan hệ xã hội. Trên cơ sở hoạt động và giao lưu nhằm chiếm lĩnh các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Các thuộc tính đó bao hàm các mặt về đức, trí, thể, mỹ. Phát triển nhân cách con người là quá trình tác động toàn diện lên các mặt trên bằng các phương tiện khác nhau, trong đó âm nhạc là một trong những phương tiện hết sức quan trọng. Sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của hệ thống âm thanh nhạc đã được "nhào nặn" vào tâm tư, tình cảm của người nghe, làm cho người nghe tự điều chỉnh nhân cách của chính mình. Song cần thấy rằng, vai trò của âm nhạc đối với quá trình phát triển nhân cách con người không chỉ thể hiện với tư cách một phương diện tác động từ những giá trị chân,

thiện, mỹ từ bên ngoài vào,mà chủ yếu là với tư cách khơi dậy những tiềm năng giá trị

chân, thiện, mỹ từ chính bên trong mỗi thực thể nhân cách. Nhà văn M. Gorki cũng đã

từng nói rằng: “Con người về bản tính vốn là nghệ sỹ. Ở mọi nơi nó đều cố gắng bằng

cách này hay cách khác đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình”.

Để biểu hiện được hình tượng nghệ thuật nhất định nào đó, âm nhạc cần có sự sắp xếp một cách có tổ chức những âm thanh nhạc một cách nghệ thuật và khoa học. Nghệ thuật âm nhạc vốn thực sự là khoa học với đầy đủ ý nghĩa của nó về tâm sinh lý con người, về sự nối tiếp và hoà hợp các âm thanh âm nhạc… Nhà soạn nhạc phản ánh thế giới không phải bằng sự ngẫu hứng thuần tuý, tuỳ tiện mà bao giờ cũng dựa trên những nguyên tắc khoa học về kỹ thuật sáng tác, về sự kết hợp nối tiếp cũng như khả năng thể hiện và hoà hợp giữa các âm thanh nhạc, khúc thức, phối khí sao cho phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của người nghe. Đồng thời, còn là sự kết hợp giữa cái riêng, cái cảm xúc tức thời của người nghệ sĩ với cái phổ quát qua các dấu ấn, hơi thở của dân tộc, của thời đại.

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra với người thưởng thức để hiểu được thì cần phải có sự hiểu biết một cách khoa học về âm nhạc. Nắm được các nguyên tắc ấy là chìa khoá để nắm bắt thực chất hình tượng nghệ thuật và hình thức, nội dung cơ bản được phản ánh

trong từng tác phẩm âm nhạc. Sự thống nhất giữa khoa học và nghệ thuật trong âm nhạc cũng chính là chìa khoá để con người nâng cao cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc trong hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, giao lưu văn hoá. Càng hiểu biết âm nhạc một cách đúng đắn, khoa học, sâu sắc thì con người càng gắn bó với âm nhạc, sử dụng âm nhạc để phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn mình, bồi bổ cốt cách và không ngừng vươn tới cái chân, thiện, mỹ.

Bên cạnh đó, giáo dục âm nhạc ngoài việc là một bộ môn nghệ thuật, một bộ môn khoa học, nó còn là một bộ môn nhân học. Bởi vì âm nhạc do con người tạo ra. Nó phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới quan của con người và mục đích cuối cùng cũng chỉ nhằm hướng đến và phục vụ con người. Carl Orff đã nói: “Âm nhạc bắt nguồn từ con người”. Người xưa có câu “phàm âm chi khởi, do nhân tâm sinh giã” (phàm là âm nhạc thì đều bắt nguồn từ trái tim con người). Vì vậy, việc tiến hành đào tạo con người toàn diện, nhân tài của mọi thời đại là không thể coi nhẹ tác dụng của giáo dục âm nhạc.

Trong quá trình sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật có hai hiện tượng cần ngăn ngừa nhằm giáo dục thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh đó là: Chủ nghĩa hình thức và Chủ nghĩa tự nhiên. Cả hai hiện tượng này đều là hai bệnh trạng của xã hội từ xưa tới nay mà ngày nay tồn tại khá phổ biến và chiếm lĩnh trong đời sống âm nhạc của giới trẻ, khiến cho các giá trị bị đảo lộn, dẫn đến tình trạng ngày càng lệch lạc về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ hiện nay.

Để ngăn ngừa hai hiện tượng này cũng như để tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh, tiến bộ và phát triển thì chúng ta phải làm đầy đủ và thật tốt công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trên cả năm nhóm chủ thể thẩm mỹ âm nhạc đó là: nhạc sỹ; nghệ sỹ biểu diễn; nhà phê bình âm nhạc; nhà chỉ huy, dàn dựng, tổ chức, sản xuất âm nhạc và đặc biệt là một lượng lớn người nghe nhạc là công chúng. Trong đó quan trọng nhất là ba chủ thể nhạc sỹ, nghệ sỹ và công chúng vì nó thể hiện rõ nhất mối quan hệ chặt chẽ giữa ba khâu của hoạt động âm nhạc.

Những tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, văn học… sau khi tác giả hoàn thành tác phẩm, công chúng đã có thể thưởng thức ngay. Nhưng đối với tác phẩm âm nhạc, người nhạc sỹ chỉ thiết kế âm thanh trên bản phổ, đó là những ký hiệu chết. Từ những ký hiệu chết trên bản phổ, nghệ sỹ là người tạo dựng nên âm thanh, mang đến sức sống, thổi cái hồn vào âm thanh đó và mang nó đến với công chúng. Như vậy

người nghệ sỹ biểu diễn đóng vai trò trung gian giữa người nhạc sỹ và công chúng. Giáo dục thẩm mỹ cho nhạc sỹ là điều tất yếu, không thể thiếu. Bởi vì chính nhạc sỹ là người sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Mỗi một nghệ sỹ mang một phong cách nghệ thuật riêng, tính cách cá nhân thể hiện qua tác phẩm. Khi nói đến vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho nhạc sỹ là đề cập đến tính chuyên môn của học thuật âm nhạc. Giáo dục thẩm mỹ giúp người nhạc sỹ tìm ra những hướng đi đúng đắn cho mình trong quá trình cảm nhận được giá trị thẩm mỹ của cuộc sống và chuyển tải chúng vào tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, Người nhạc sỹ phải biết điều hòa giữa kỹ thuật (lí trí) và cảm xúc (tình cảm). Ở đây, kỹ thuật là tri thức học thuật, là phương tiện, là trí tuệ. Kỹ thuật sáng tác rất cần cho nhạc sỹ, nhưng nó chỉ là phương tiện giúp nhà sáng tác thể hiện nội dung, ý tưởng của mình. Sự cảm nhận, rung động từ trái tim là điều cần thiết. Vì suy cho đến cùng, thưởng thức âm nhạc là nhằm nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực của con người thông qua những tác động lớn lao của âm thanh và nhịp điệu. Để đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực sáng tác thì người nhạc sỹ phải hội đủ các điều kiện về năng khiếu bẩm sinh; sự trau dồi, rèn luyện kỹ thuật sáng tác, học thuật âm nhạc; vốn sống; kiến thức về khoa học, xã hội; vốn chất liệu; tâm hồn giàu cảm xúc….

Giáo dục thẩm mỹ cho nhạc sỹ quan trọng thế nào thì giáo dục thẩm mỹ cho nghệ sỹ cũng quan trọng thế ấy. Giáo dục thẩm mỹ cho nghệ sỹ là hình thức truyền đạt “linh hồn” tác phẩm nghệ thuật, giúp họ biểu diễn một cách sống động. Khi người biểu diễn có tâm hồn nghệ sỹ thực thụ, chính họ sẽ là người sáng tạo nên tác phẩm thêm một lần nữa. Để đạt được những thành công nhất định trong nghệ thuật biểu diễn thì người nghệ sỹ cũng phải hội tụ đầy đủ những điều kiện như người sáng tác, chỉ khác ở kỹ thuật sáng tác (với nhạc sỹ) so với kỹ thuật biểu diễn (với nghệ sỹ). Như vậy, xét về bản chất của hoạt động thì nhạc sỹ và nghệ sỹ đều là hai chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Trong đó, nhạc sỹ là chủ thể sáng tạo lần thứ nhất và nghệ sỹ là chủ thể sáng tạo lần thứ hai của nghệ thuật âm nhạc.

Giáo dục thẩm mỹ cho công chúng trẻ là vấn đề hết sức cần thiết. Vì công chúng cũng chính là chủ thể sáng tạo lần thứ ba sau nhạc sỹ và nghệ sỹ. Đây là một nét đặc trưng rất đặc biệt của nghệ thuật âm nhạc. Giáo dục thẩm mỹ cho công chúng là cách nâng cao sự cảm nhận về âm thanh trong âm nhạc. Mặc dù cảm nhận âm nhạc thì không ai giống ai, mỗi người có một sở thích riêng và mối liên tưởng riêng thông qua

sự hiểu biết và kinh nghiệm, vốn sống của mình trong cuộc sống. Cho nên, vấn đề giáo dục thẩm mỹ chỉ mang tính định hướng thông qua việc cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có một trình độ nhất định trong việc lựa chọn và thưởng thức âm nhạc, đạt được một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc tiên tiến.

Để cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước – những chủ thể thưởng thức âm nhạc đông đảo có được một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc tiên tiến, chúng ta cũng lại phải tiến hành giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho các em đầy đủ trên cả ba

phương diện là nhà trường, gia đình và xã hội. Bác Hồ từng nói “Một năm bắt đầu từ

mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ”, mà tuổi trẻ của một đời người phần lớn lại gắn với mái trường, ở đó họ nhận được sự quan tâm, dạy dỗ của các nhà giáo dục, tại đây nhân cách của các em sẽ hình thành, định hướng, phát triển. Như vậy có thể nói, nhà trường chính là “chiếc nôi” đầu tiên đưa các em vào đời.

Do vậy, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc tại nhà trường là giáo dục trọng tâm với môn học là giáo dục âm nhạc. Làm tốt công tác giáo dục âm nhạc tại nhà trường sẽ đóng vai trò then chốt, kết hợp với gia đình và xã hội, góp phần quan trọng định hướng thị hiếu âm nhạc cho thế hệ trẻ hôm nay, đồng thời giúp các em phát triển nhân cách một cách hài hòa, cân đối và toàn diện trong tương lai, đạt mục tiêu giáo dục con người.

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn trong những năm qua, công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi HS THPT của nước ta vẫn còn bỏ ngỏ, chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Mặc dù môn âm nhạc đã được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông (Tiểu học và THCS) nhưng còn nhiều điều đáng bàn và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý coi trọng những môn kiến thức cơ bản như toán, lý, hóa, văn, Anh văn ăn sâu vào ý thức của người Việt. Cho nên, môn âm nhạc ở phổ thông bị xem nhẹ và bị coi như môn phụ chỉ để nghỉ ngơi, thậm chí có nhiều phụ huynh và giáo viên còn cảm thấy phiền hà cho HS… Chính vì những lẽ đó hầu hết môn học chỉ được giảng dạy một cách sơ lược và miễn cưỡng, chưa thực sự phát huy được chức năng giáo dục của mình.

Trong khi đó, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho ta thấy, để hệ thống nhạc viện phát triển mạnh mẽ thì cần một hệ thống âm nhạc đại trà chu đáo. Hệ thống âm nhạc đại trà này chủ yếu diễn ra nơi trường học phổ thông (ngoài ra còn các hoạt động âm nhạc tại gia đình và ngoài xã hội), chính là nơi nuôi dưỡng yêu thích và phát hiện những năng khiếu để các em đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, đồng thời là nơi xây

dựng lực lượng công chúng tạo nên một đời sống âm nhạc phong phú, đa dạng tạo động lực để phát triển nghệ thuật âm nhạc cho đất nước.

Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho nhạc sỹ, nghệ sỹ và công chúng thể hiện mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa ba chủ thể thẩm mỹ quan trọng trong hoạt động của nghệ thuật âm nhạc. Bên cạnh đó, giáo dục thẩm mỹ cho các chủ thể như các nhà lý luận, phê bình âm nhạc và các nhà chỉ huy, dàn dựng, tổ chức và sản xuất âm nhạc cũng quan trọng không kém. Vì nhờ những chủ thể này, chúng ta mới có một môi trường âm nhạc thông thoáng, lành mạnh, đa dạng và chất lượng. Các nhà tổ chức, sản xuất âm nhạc sẽ biết nói không với các hoạt động âm nhạc không lành mạnh, thiếu tính giáo dục và nghệ thuật, không vì cái lợi trước mắt mà chạy theo thị hiếu thấp kém tức thời, chỉ mang tính giải trí nhưng mang lại giá trị kinh tế cao như trong những năm qua của nền âm nhạc Việt Nam. Do đó, khi các chủ thể này được giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ một cách đồng bộ, thì bản thân nó sẽ hỗ trợ lẫn nhau, kích thích lẫn nhau để cùng phát triển. Từ đó, xã hội sẽ có nhiều sản phẩm nghệ thuật thiết thực với sức sống bền bỉ, mang tính triết lý và giá trị nghệ thuật cao góp phần vào sự nghiệp giáo dục và phát triển con người cho đất nước.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: Thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w