Tp.HCM với vị trí đặc biệt về mặt địa lý, lịch sử cũng như cơ sở hạ tầng, giao
thông quan trọng cho nên TP giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm
phía nam và của cả nước. Nền kinh tế của TP đa dạng về các lĩnh vực, từ khai thác
mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính...
Về cơ cấu kinh tế của TP, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, ngoài quốc doanh chiếm 44,6%, phần còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Về các ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51,1%. Phần còn lại, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%.
Về vốn đầu tư, tính đến giữa năm 2006, 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp Tp.HCM đã thu hút được 1.092 dự án đầu tư, trong đó có 452 dự án có vốn đầu tư
nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỉ USD và 19,5 nghìn tỉ VND. TP cũng đứng
đầu Việt Nam tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2.530 dự án FDI, tổng
vốn 16,6 tỷ USD vào cuối năm 2007. Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011, Tp.HCM xếp ở vị trí thứ 20/63 tỉnh thành.
Về thương mại, Tp.HCM có một hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đa
dạng. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của TP, hiện
vẫn giữ một vai trò quan trọng. Những thập niên gần đây, nhiều trung tâm thương mại
hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza... Mức tiêu thụ của Tp
cũng cao hơn nhiều so với các tỉnh khác của Việt Nam và gấp 1,5 lần thủ đô Hà Nội.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Tp.HCM là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm trước 1982 chỉ là 2,18%, đến 1995 tăng 15,3%. Thời kỳ 1996- 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức cao nhất nước là 9,0%, đến năm 2001 tăng 9,5%, tạo đà cho sự phát triển liên tục vào những năm sau đó.
Thời kỳ 2001-2005, kinh tế TP tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006- 2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước [47]. Ngay trong 6 tháng năm 2012, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, cả nước chỉ tăng 4,38%, thì TP vẫn tăng 8,10%, gấp 1,8 lần. Đạt được kết quả đó, phần quan trọng là do trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế TP đã có sự chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng nhanh, từ 51,6% năm 2002, nay là 54,3%; công nghiệp – xây dựng chiếm 44,5% GDP; nông nghiệp từ 1,7% (2002) nay còn 1,2%. Tỷ trọng giá trị GDP các ngành dịch vụ của TP so với cả nước năm 2002 là 24,1%, năm 2010 là 29,8%. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố so với cả nước năm 2002 là 21,9%, năm 2010 là 23,5% [47]. Theo Tổng cục thông kê Việt Nam, riêng trong năm 2013 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn cả năm tăng 9,3% so với năm trước, cao hơn mức tăng 9,2% của năm 2012.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, liên tục trong nhiều năm nên sự đóng góp của TP cho khu vực và cả nước ngày càng lớn, vị trí trung tâm với động lực thu hút và lan tỏa của TP ngày càng rõ nét. Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế Tp.HCM vừa đóng vai trò hạt nhân vừa vai trò đầu tàu, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của vùng năm 2001 là 46,85%, đến
năm 2009 đã đóng góp lên đến 60,72% [6, 56].
Đối với cả nước, tỷ trọng GDP của TP chiếm 17,2% vào năm 2000 đã tăng lên 19,7% năm 2005, và đến 2010 thì chiếm 21,3%. Tỷ trọng thu ngân sách của TP so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5%, năm 2010 tăng lên 27,81%. Rõ ràng vai trò vị trí của TP so với cả nước ngày càng được khẳng định, là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của dân cư ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP bình quân đầu người năm 1985 đạt 586 USD, năm 2000 đạt 2000 USD, đến năm 2011 đã đạt 3.286 USD.