Thứ nhất, đối với việc đào tạo nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà lý luận – phê bình, chỉ huy âm nhạc dẫn đầu là Nhạc viện Tp.HCM.
Để tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh và tiến bộ cho giới trẻ nói chung và HS THPT nói riêng, điều đầu tiên có lẽ phải kể đến là một lực lượng nhạc sỹ, nghệ sỹ, những người làm công tác âm nhạc phải có chuyên môn cao. Để thực hiện được điều này đòi hỏi TP phải có một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp, đào tạo một cách bài bản và có chất lượng ngày một vươn lên tầm khu vực và quốc tế. Như đã trình bày ở mục 3.1.2, ngoài việc đào tạo chuyên môn, nhà trường còn phải giáo dục tư tưởng, lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp cho lực lượng này để họ có một cái “tâm” trong sáng khi làm nghệ thuật, không vì cái lợi trước mắt mà bất chấp những hệ lụy gây ra cho một nền âm nhạc của TP trong tương lai.
Nền âm nhạc Việt Nam hôm nay phải xác định tiến tới xây dựng trên trục âm nhạc truyền thống, trong sự bảo tồn, phát huy, hiện đại hóa, quốc tế hóa các giá trị tinh hoa âm nhạc cổ truyền và dân tộc hóa các tinh hoa âm nhạc thế giới. Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư cho đào tạo lực lượng nghệ sỹ có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Trong khi đó, hiện nay, việc đào tạo âm nhạc truyền thống dân tộc chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, nó chỉ là một khoa nhỏ trong các Nhạc viện.
Trong thời gian tới, chúng ta nên hướng đến việc xây dựng một Học viện Âm nhạc truyền thống dân tộc tương đương với Học viện Quốc gia Âm nhạc hay Nhạc viện Tp. HCM như Trung Quốc, Ấn Độ đã làm. Hoặc tiến hành mở rộng các khoa âm nhạc truyền thống dân tộc tại các Nhạc viện, các trường Văn hóa nghệ thuật về cả số lượng và chất lượng, để có thể vừa đào tạo âm nhạc hàn lâm vừa đào tạo được âm nhạc truyền thống dân tộc cùng phát triển. Các trường chuyên nghiệp cần có thêm nhiều chính sách ưu tiên và đãi ngộ để tạo sự thu hút đối với những em HS, sinh viên có năng khiếu trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống dân tộc, nhằm khuyến khích các em theo học tại nhà trường.
Nhạc viện Tp.HCM cần phải phát triển thêm ngành “thanh nhạc theo phong cách nhạc nhẹ” thay vì chỉ đào tạo thanh nhạc theo phong cách hàn lâm, thính phòng như trong nhiều năm qua. Nhằm trở thành đơn vị đầu tàu, đào tạo ra những ca sỹ chuyên
nghiệp có chất lượng cao của dòng nhạc này cho thị trường, bên cạnh những trường như: CĐ Văn hóa nghệ thuật Tp.HCM, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội hiện nay. Nhờ đó hạn chế tình trạng nhiều ca sỹ trẻ “tay ngang” đầu độc thị hiếu âm nhạc giới trẻ, làm méo mó, biến dạng các hoạt động âm nhạc trong thời gian qua của TP.
Nhạc viện Tp.HCM cũng cần gửi giảng viên, sinh viên xuất sắc đi đào tạo ở nước ngoài nhiều hơn nữa. Khắc phục sự thiếu hụt giảng viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao.
Thứ hai, đối với việc đào tạo giáo viên âm nhạc giảng dạy cho các trường phổ thông, đặc biệt THPT của TP trong tương lai.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy: giáo viên âm nhạc ở các nước được đào tạo có chuyên môn sâu về âm nhạc như tốt nghiệp các chuyên ngành biểu diễn âm nhạc, lý luận âm nhạc hoặc sáng tác âm nhạc… Sau đó, họ trải qua một khóa học về sư phạm và thực tập rồi mới được giảng dạy âm nhạc cho HS phổ thông. Trong khi ở Việt Nam, chất lượng sinh viên sư phạm âm nhạc đầu vào khá thấp, dẫn đến đội ngũ giáo viên âm nhạc phổ thông nhiều năm qua còn chưa đồng đều và chất lượng giảng dạy cũng còn thấp.
Thời gian tới chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng này bắt đầu ngay từ khâu đầu vào. Giáo trình đào tạo sinh viên sư phạm âm nhạc nên có môn học đàn piano hoặc một nhạc cụ trong biên chế dàn nhạc giao hưởng (học phần tự chọn) bên cạnh các nội dung khác hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần phải biết đàn thêm một loại nhạc cụ dân tộc để thực hiện tốt công tác giáo dục âm nhạc sắp tới trong nhà trường. Để làm được điều này thì đòi hỏi phải tăng thời lượng đào tạo một số môn chuyên ngành cho những sinh viên này lên nhiều hơn mức hiện nay. (Hiện nay có hai hình thức đào tạo chủ yếu là chính quy có 3 năm với hệ CĐ, Hệ ĐH chủ yếu là ở hệ chuyên tu, tại chức nên chất lượng rất thấp. Trường ĐH Sài Gòn gần đây có đào tạo hệ ĐH chính quy 4 năm từ năm 2008. Đến nay mới có 3 lứa được tốt nghiệp. Tuy nhiên sinh viên cũng chỉ được học một loại đàn là organ, chưa đáp ứng được với yêu cầu cần hướng tới trong tương lai. Đáng chú ý có trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội hiện cũng đang đào tạo hệ đại học chính quy ngành sư phạm âm nhạc 4 năm, trong đó sinh viên ngoài việc được học organ, các em còn được học thêm nhạc cụ piano).
Mở thêm ngành đào tạo giáo viên âm nhạc chuyên giảng dạy ở các trường THPT, hoặc xây dựng lại một số môn trong chương trình đào tạo ĐHSP âm nhạc hiện nay theo mục tiêu giáo dục âm nhạc trong thời gian sắp tới cho TP. Hay học tập kinh nghiệm các nước phát triển, mở các khóa học về sư phạm và các đợt thực tập cho các
sinh viên nghệ thuật âm nhạc của Nhạc viện trước khi được giảng dạy âm nhạc cho HS tại các trường THPT. Hoặc Nhạc viện Tp.HCM kết hợp với các trường ĐH sư phạm, phát triển ngành Sư phạm âm nhạc lên chính quy (thay vì chỉ là tại chức như hiện nay) để cung cấp một lực lượng giáo viên âm nhạc có trình độ chuyên môn cao cho TP và toàn khu vực phía Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cần kết hợp với các trường chuyên nghiệp, thường xuyên mở các đợt tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng giáo viên âm nhạc của TP hiện nay, để họ phục vụ tốt hơn nữa công tác giáo dục âm nhạc học đường đang còn nhiều bất cập hiện nay. Qua đó, để môn học này thực sự có tác dụng tích cực giúp nâng cao, định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của HS các cấp 1 và 2, tạo tiền đề cho công tác giáo dục âm nhạc cho HS THPT trong thời gian sắp tới.