LUẬT CHỐNG ĐỘC QUYỀN

Một phần của tài liệu Bài giảng kinh tế vi mô 2 (Trang 97 - 100)

IV. ĐỘC QUYỀN VÀ VẤN ĐỀ PHÂN BIỆT GIÁ

V.3. LUẬT CHỐNG ĐỘC QUYỀN

TOP

Một biện pháp đơn giản và hữu hiệu để chống độc quyền là ban hành các quy định, luật lệ nhằm ngăn cản ngay từ đầu các doanh nghiệp trong việc giành được sức mạnh thị trường quá mức. Một số nước trên thế giới có nền kinh tế thị trường phát triển đã ban hành “Luật chống độc quyền” như Mỹ, các nước EU, v.v. một cách hoàn chỉnh. Đây là một trong những bộ luật quan trọng nhất ở các nước này.

Mục tiêu đầu tiên của luật chống độc quyền là khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng cách hạn chế các hành vi hạn chế cạnh tranh. Luật cạnh tranh và chống độc quyền ở nước ta phân biệt năm loại hành vi hạn chế cạnh tranh. Thứ nhất là thỏa thuận, quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trực tiếp hay gián tiếp. Thứ hai là thỏa thuận quy mô và thời gian giảm giá. Thứ ba là thỏa thuận hạn chế, kiểm soát khối lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Thứ tư là thỏa thuận chia sẻ thị trường. Cuối cùng là thỏa thuận chấp nhận các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.

B. THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH KHÔNG HOÀN HẢO TOP

Trong hai chương trước, chúng ta đã thấy các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo chấp nhận giá thị trường và lựa chọn sản lượng như thế nào. Chúng ta cũng đã thấy doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền có thể chọn giá và các mức sản lượng như thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn các thị trường nằm ở một nơi nào đó giữa cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền. Mỗi doanh nghiệp cung ứng ra thị trường một loại sản phẩm hay một nhãn hiệu khác biệt về chất lượng, mẫu mã hay danh tiếng và mỗi độc quyền với nhãn hiệu của mình. Một thị trường như vậy ta gọi là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Ta có thể phân biệt thị trường cạnh tranh không hoàn hảo thành hai loại: thị trường cạnh tranh độc quyền và thị trường độc quyền nhóm.

I. THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH ĐỘC QUYỀN

I. 1 KHÁI NIỆM TOP

Trong nhiều ngành, sản phẩm của các doanh nghiệp làm ra khác biệt với nhau nên người tiêu dùng có thể lựa chọn trên nhiều nhãn hiệu hàng hóa khác nhau. Thí dụ, dầu gội đầu Clear khác với Dove, Pantene và rất nhiều nhãn hiệu dầu gội đầu khác. Tùy theo sự cảm nhận của người tiêu dùng về sự khác biệt của các nhãn hiệu mà họ có thể trả cho các nhãn hiệu các mức giá khác nhau. Chẳng hạn, nếu người tiêu dùng cho rằng Clear có chất lượng cao hơn các loại dầu gội đầu khác, họ sẽ trả cho Clear giá cao hơn những loại khác. Do vậy, hãng sản xuất ra Clear, là Unilever, có thể định giá cao cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, Unilever cũng chỉ định giá cao trong một chừng mực nhất định. Nếu Clear được định giá quá cao, khách hàng sẽ chuyển sang mua các loại dầu gội khác. Dầu gội đầu là một ví dụ cho thị trường cạnh tranh độc quyền.

Một ngành cạnh tranh mang tính độc quyền khi trong ngành có nhiều người bán sản xuất ra những sản phẩm có thể dễ thay thế cho nhau và mỗi doanh nghiệp chỉ có khả năng hạn chế ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm của mình.

Từ khái niệm trên, chúng ta có thể rút ra hai đặc điểm chính của thị trường cạnh tranh độc quyền. Thứ nhất là có sự tự do

nhập và xuất ngành. Các hãng mới dễ dàng nhập ngành nếu thấy ngành đang sinh lợi cao hay các hãng hiện hành có thể rút khỏi ngành

nếu thấy không có lãi. Sự nhập và xuất ngành bảo đảm cho ngành luôn có một số lượng doanh nghiệp nhất định và do vậy có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc định giá và thay thế sản phẩm lẫn nhau.

Thứ hai, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng việc bán ra các sản phẩm riêng biệt. Các sản phẩm này có thể thay thế cho nhau ở mức độ cao nhưng không phải thay thế cho nhau một cách hoàn toàn. Điều này khác với thị trường độc quyền trong đó chỉ có một nhà cung ứng duy nhất và khó có hàng hóa thay thế nên doanh nghiệp có thể định giá cao mà không sợ việc khách hàng mua những sản phẩm thay thế khác. Trong cạnh tranh độc quyền, sự thay thế có thể xảy ra. Nếu dầu gội Clear có giá quá cao so với các loại dầu gội khác; hay không sẵn có tại các quầy bán, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các loại dầu khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ không bàng quan khi thay thế các loại hàng hóa này. Điều này có thể do sự trung thành nhãn hiệu của các khách hàng, vị trí của cửa hàng, sự khác biệt của chất lượng sản phẩm; v.v. Do vậy, doanh nghiệp chỉ có khả năng chi phối giá sản phẩm của mình ở một mức độ giới hạn, bởi vì nếu doanh nghiệp định giá quá cao cho sản phẩm của mình, người dùng sẽ chuyển sang mua những sản phẩm thay thế như trình bày trong ví dụ trên.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng thị trường cạnh tranh độc quyền là sự tổng hợp của hai thị trường cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền. Nó gần giống với thị trường cạnh tranh hoàn hảo vì số lượng người bán tương đối nhiều sao cho hoạt động của một doanh nghiệp riêng lẻ không có ảnh hưởng rõ rệt đến đối thủ cạnh tranh của nó. Đồng thời, nó gần giống với thị trường độc quyền vì mỗi doanh nghiệp sở hữu một đường cầu xuống cho sản phẩm riêng biệt của nó.

I. 2. CÂN BẰNG TRONG NGẮN HẠN VÀ DÀI HẠN TOP

Trong thị trường cạnh tranh độc quyền, mỗi doanh nghiệp bán ra các sản phẩm riêng biệt để phục vụ cho khúc thị trường riêng (tương đối) của mình. Do vậy, mỗi doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến phần thị trường của mình ở một mức độ nào đó bằng cách thay đổi giá cả của mình so với những đối thủ cạnh tranh khác. Vì vậy, đường cầu đối với doanh nghiệp trong cạnh tranh độc

quyền dốc xuống. Chúng ta cũng lưu ý rằng đây là đường cầu của phần thị trường mà doanh nghiệp phục vụ (thị phần), chứ không phải

đường cầu của toàn bộ thị trường. Thị phần của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào số lượng doanh nghiệp trong ngành. Với một đường cầu thị trường nhất định, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp trong ngành sẽ làm đường cầu của doanh nghiệp dịch chuyển sang trái vì

cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp giảm đi.

Do đường cầu của doanh nghiệp dốc xuống nên doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cũng có sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, điều này không bảo đảm doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận cao. Sự tự do nhập ngành sẽ đe dọa lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện hành. Chúng ta hãy xem xét giá và sản lượng cân bằng của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền trong ngắn hạn và dài hạn ở hình 6.13 để thấy rõ điều này.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền đứng trước đường cầu DD và đặt MC = MR để tối đa hóa lợi nhuận nên doanh nghiệp sẽ sản xuất Q0 với giá P0. Chúng ta có thể nhận thấy lúc này, giá P0 cao hơn chi phí trung bình, AC0, của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu được lợi nhuận kinh tế là diện tích của hình chữ nhật C0P0EF = Q0(P0-C0). Lợi nhuận thu hút các doanh nghiệp mới

gia nhập ngành. Nhiều doanh nghiệp hơn hoạt động trong một thị trường dẫn đến sự phân chia lại thị trường của các doanh nghiệp. Phần thị trường của mỗi doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp làm dịch chuyển đường cầu đối với mỗi doanh nghiệp sang trái. Khi đường cầu dịch chuyển đến DD’, đường MR cũng dịch chuyển thành MR'. Giả sử đường MC của doanh nghiệp vẫn như cũ do doanh nghiệp không thay đổi công nghệ sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đặt MC = MR’ để sản xuất Q1 và bán với mức giá P1. Lúc này, P1 = AC1, doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận nhưng chỉ vừa đủ hòa vốn, doanh nghiệp không còn thu được siêu lợi nhuận. Điều này sẽ không thu hút các doanh nghiệp mới nhập ngành nữa. Chúng ta đạt được điểm cân bằng tại G, tại đây đường cầu mới DD' tiếp xúc với đường AC. Các doanh nghiệp chỉ ở mức hòa vốn và không có thêm sự nhập ngành nào nữa.

Như vậy, trong thị trường cạnh tranh độc quyền, điểm cân bằng dài hạn xuất hiện khi đường cầu của mỗi doanh nghiệp là tiếp tuyến của đường cong AC của nó ở mức sản lượng mà tại đó MC = MR. Mỗi doanh nghiệp đều tối đa hóa lợi nhuận nhưng chỉ hòa vốn. Sẽ không có thêm sự nhập ngành hoặc xuất ngành nào nữa.

Chúng ta chú ý hai điều về điểm cân bằng dài hạn của doanh nghiệp (điểm G). Thứ nhất, doanh nghiệp không sản xuất tại mức có chi phí trung bình cực tiểu. Doanh nghiệp có thừa công suất do phải thu hẹp sản xuất. Doanh nghiệp có thể giảm chi phí trung bình khi mở rộng sản lượng. Tuy nhiên, nếu làm như thế doanh thu biên sẽ rất thấp và sẽ không sinh lợi. Thứ hai, doanh nghiệp có thể duy trì một ít sức mạnh thị trường do đặc điểm đặc biệt của sản phẩm hay địa điểm. Do đường cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp dốc xuống nên giá bán sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn doanh thu biên (giống như việc định giá của nhà độc quyền). Do vậy, giá của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cao hơn chi phí biên.

Sự cân bằng trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp cho thấy quyết định về sản lượng và giá của doanh nghiệp mang những đặc điểm vừa của doanh nghiệp độc quyền vừa của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo. Đầu tiên, doanh nghiệp là nhà cung ứng duy nhất sản phẩm riêng biệt của mình nên doanh nghiệp là nhà độc quyền trên khúc thị trường của và có đường cầu dốc xuống. Doanh nghiệp có sức mạnh thị trường và kiếm được lợi nhuận. Tiếp đó, lợi nhuận thu hút các doanh nghiệp mới nhập ngành. Sự nhập ngành làm cho lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp dần bằng không. Doanh nghiệp phải sản xuất tại mức sản lượng thấp trên đường chi phí trung bình dài hạn.

Lý thuyết về cạnh tranh độc quyền cho ta thấy một sự hiểu biết sâu sắc thú vị khi có nhiều hàng hóa, mỗi loại rất giống nhau nhưng không thay thế hoàn hảo cho nhau. Thí dụ, nó giải thích tại sao người Anh xuất khẩu xe Jaguar và Rover cho Đức nhưng đồng thời nhập Mercedes từ nước này. Ngành sản xuất ô-tô có tính kinh tế nhờ quy mô. Khi không có thương mại, thị trường ô tô trong nước chỉ có một số ít chủng loại xe. Sản xuất một lúc nhiều nhãn hiệu với mức sản lượng thấp sẽ làm tăng đáng kể chi phí trung bình. Thương mại quốc tế sẽ cho phép mỗi quốc gia chuyên môn hóa một vài loại xe và sản xuất sản lượng rất lớn cho mỗi nhãn hiệu. Bằng cách trao đổi xe giữa các nước, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, trong khi đó mỗi doanh nghiệp sẽ tận dụng được tính kinh tế nhờ quy mô và làm giảm giá.

I. 3. CẠNH TRANH ĐỘC QUYỀN VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ

TOP

Trong cạnh tranh độc quyền, doanh nghiệp định giá cao hơn chi phí biên để sản xuất ra sản phẩm nên xã hội sẽ bị tổn thất so với thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Hình 6.14 sẽ chỉ ra điều này.

Trong hình 6.14a, doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo có đường cầu năm ngang (P = MR) nên doanh nghiệp sẽ đặt P = MC và sẽ sản xuất QC để tối đa hóa lợi nhuận. Trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ sản xuất tại mức sản lượng có chi phí trung bình cực tiểu và bán với giá bằng với chi phí trung bình nên không thu được lợi nhuận kinh tế. Do vậy, không có phần mất không trong cạnh tranh hoàn hảo. Trong hình 6.14b, doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền có đường cầu dốc xuống nên sẽ định giá lớn hơn chi phí biên. Điều này làm xuất hiện phần mất không của xã hội (phần màu xám). Mặt khác, do doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền sản xuất mức sản lượng thấp hơn mức có chi phí trung bình cực tiểu nên doanh nghiệp còn thừa công suất. Điều này cũng chính là sự kém hiệu quả của thị trường cạnh tranh độc quyền.

Như vậy, thị trường cạnh tranh độc quyền sẽ kém hiệu quả hơn thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Vậy, nó có phải là thị trường mà xã hội không mong muốn hay không? Câu trả lời có thể là không vì hai lý do. Thứ nhất, khi số lượng doanh nghiệp trong ngành đủ lớn, số lượng nhãn hiệu hàng hóa sẽ nhiều hơn và sự thay thế giữa các hàng hóa sẽ dễ dàng hơn. Do vậy, cầu của từng doanh nghiệp sẽ co giãn mạnh và sức mạnh độc quyền của doanh nghiệp sẽ nhỏ. Chênh lệch giữa giá và chi phí biên, vì thế, sẽ nhỏ và phần mất không sẽ không đáng kể. Mặt khác, đường cầu của doanh nghiệp sẽ tương đối phẳng nên phần công suất thừa của doanh nghiệp cũng sẽ nhỏ. Thứ hai, phần kém hiệu quả của thị trường cạnh tranh độc quyền có thể được bù đắp bằng một lợi ích quan trọng mà doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cung cấp - sự đa dạng hóa sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi mua hàng hóa. Điều này sẽ làm tăng sự thỏa mãn của người tiêu dùng. Cái được từ sự đa dạng hóa có thể đủ lớn để người tiêu dùng không còn nhận ra sự mất mát do kém hiệu quả của cạnh tranh độc quyền.

Một phần của tài liệu Bài giảng kinh tế vi mô 2 (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w