- 1923: Franz Fischer và Hans Tropsch đã dùng xúc tác trên nền sắt để chuyển hóa hỗn hợp CO và H2 thành hỗn hợp của các hidrocacbon và các hợp chất chứa oxy; - 1925: sử dụng xúc tác nền sắt và coban để tổng hợp các hidrocabon;
- 1930: phản ứng F-T được thương mại hóa và được gọi là quá trình F-T như ngày nay. Các hidrocacbon nguyên liệu điều chế được có thể được chế biến và nâng cấp thành các nhiên liệu khác nhau như xăng, diesel và các sản phẩm khác;
- Vào giữa những năm 1930: một vài nhà máy F-T được xây dựng, và vào năm 1938, 590.000 tấn dầu và xăng/năm được sản xuất tại Đức từ than đá. Trong suốt thập niên 1930, các nhà máy cũng được dựng lên ở Nhật Bản, Anh Quốc và Pháp. - Trong thế chiến thứ hai, Đức quốc xã đã vận hành 9 nhà máy F-T và sản xuất ra 12.000 thùng nhiên liệu/ngày. Một số nhà máy bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh, số còn lại cũng lần lượt bị đóng cửa do giá dầu thấp và nguồn khí tự nhiên trở nên dồi dào. Quốc gia duy nhất vẫn theo đuổi quá trình lỏng hóa than đá gián tiếp bằng phương pháp F-T là Nam Phi;
- 1950 - 1990: SASOL ở Nam phi đã phát triển công nghệ F-T ở quy mô thương mại hóa (kết hợp với khí hóa than) để chuyển hóa than thành các hidrocacbon với tổng sản lượng lên tới 4 triệu tấn/năm tại 3 nhà máy; trong đó có 2 nhà máy đến nay vẫn đang hoạt động.
- 1980 đến nay: Shell dùng phương pháp tổng hợp F-T để chuyển hóa khí tự nhiên thành nhiên liệu và sáp tại Bintulu, Malaysia – hiện tại sản lượng sáp đã lên đến con số 500 ngàn tấn/năm bên cạnh các sản phẩm như dầu diesel, xăng, v.v…Nhiều công ty đã tham gia vào lĩnh vực GTL, có nhiều dự án đã được thành lập (kể cả các dự án thử nghiệm), Qatar và Nigeria đã bắt đầu triển khai thiết kế và xây dựng các nhà máy GTL tầm cỡ thế giới.
- 2004: có 8 nhà máy mới được xây dựng với tổng công suất lên tới hơn 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên tới đầu năm 2007, một vài dự án đã bị dừng, và chỉ có các dự án của Sasol Oryx ở Qatar (35.000 thùng/ngày), nhà máy của Sasol Chevron ở Nigeria (34.000 thùng/ngày) và nhà máy GTL Shell Pearl ở Qatar (chia làm 2 pha tổng công suất 140.000 thùng/ngày) được tiếp tục phát triển.
- Một lượng lớn nhà máy GTL có thể sẽ bắt đầu vận hành trong một vài năm tới. Từ năm 2010, việc mở rộng quy mô sản xuất GTL đã bắt đầu tăng trưởng mạnh và GTL sẽ trở thành một thị trường có sức tăng trưởng lớn và là cứu cánh cho thị trường khí đang giậm chân tại chỗ.
- Công nghệ GTL được mong đợi tăng trưởng mạnh trong vài thập kỷ tới. Việc giá dầu tăng cao đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đổ tiền vào công nghệ GTL. Rất nhiều nước đã chú ý hơn tới nguồn khí tự nhiên của mình thay vì đốt bỏ nó như trước đây. Các nước đã đầu tư hàng tỉ USD và kí các hợp đồng khổng lồ với các công ty chuyên nghiệp về GTL. Thời đại của GTL đã thực sự bắt đầu khởi sắc sau gần một thế kỷ từ ngày Fischer và Tropsch phát minh ra.