Quá trình hình thành đồng tiền chung được chia thành các giai đoạn nhằm giúp các quốc gia điều chỉnh nền kinh tế theo hướng hội nhập toàn diện và sâu rộng: hàng hóa, vốn và sức lao động được tự do hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, hội nhập cũng có mặt trái của nó, nhất là đối với các quốc gia nhỏ, năng lực cạnh tranh. Hi Lạp là một quốc gia có nguồn tài nguyên hạn hẹp, lợi thế thương mại thấp, năng lực cạnh tranh thấp thì họ không thể xây dựng rào cản để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Hàng hóa thiếu cạnh tranh, sản xuất đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách giảm, chi an sinh xã hội cao dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại cao (khoảng 14% GDP). Cụ thể:
Theo quy định của EU, các quốc gia được phép giữ lại 25% thuế xuất nhập khẩu hàng hóa vào EU để trang trải chi phí hoạt động và 75% còn lại được chuyển vào ngân sách chung của EU. Điều này có nghĩa, các quốc gia có vị trí thuận lợi về giao thông quốc tế: sân bay, bến cảng... sẽ nhận được một nguồn thu đặc biệt từ thuế nhập khẩu vào EU mà các quốc gia nhỏ hơn, ở vị trí bất lợi hơn như Hi Lạp không nhận được; thậm chí đó là
khoản thuế đánh trên hàng hóa nhập khẩu đang tiêu thụ tại nước mình. Nguồn thu ngân sách của họ bị suy giảm.
Ngoài ra, tại các nước kém phát triển hơn như Hi Lạp, để tránh làn sóng di dân khi thực hiện tự do hóa lao động, chính phủ phải gia tăng các khoản chi phúc lợi, an sinh xã hội cho công dân của mình. Điều này góp phần làm gia tăng thâm hụt ngân sách.