b. Thiếu thông tin kinh tế
2.1.6.4. Nga và sự thần kỳ trong việc thoát khỏi nợ nần
Tám năm sau khi tuyên bố không thể trả được khoản nợ hơn 40 tỷ USD và rơi vào khủng hoảng kinh tế, ngày 21/8/2006, Nga đã trả 23,5 tỷ USD cho các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris, thanh toán hết toàn bộ số nợ tồn đọng từ thời Xô Viết. Nga đã làm giới tài chính toàn cầu phải bất ngờ khi ngay một lúc rút 22,5 tỷ USD từ ngân sách trả trước thời hạn hầu như toàn bộ số nợ tồn đọng từ thời Liên Xô cũ (các món nợ này được 19 thành viên của Câu lạc bộ Paris chấp nhận cho thanh toán nợ vào năm 2012). Không những thế, để thuyết phục các chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris đồng ý cho mình trả nợ sớm, Nga còn đưa thêm 1 tỷ USD nữa dưới hình thức bồi thường. Sau khi trả xong đa số nợ với Câu lạc bộ Paris, nợ nước ngoài của Nga còn lại khoảng 50 tỷ USD, tức là 9% GDP, một con số bình thường với bất cứ nền kinh tế nào. Đây là thành công lớn của đường lối kinh tế Nga, cho thấy một hình ảnh mới với những tiềm năng lớn của nước Nga.
• Những nỗ lực thoát khỏi khoảng thời gian vỡ nợ
Sau sự tan rã của Liên Xô (1991), Nga vẫn đang cố gắng để thiết lập một nền kinh tế thị trường và để thu được sự phát triển kinh tế bền vững. Trong 5 năm đầu nền kinh tế Nga đã phát triển không ổn định do các cơ quan hành pháp và lập pháp còn nhiều bất đồng trong việc hoàn thiện công cuộc cải cách và các nền tảng công nghiệp của Nga chịu sự suy thoái nặng nề. Ngoài ra, sự thiếu hụt thực phẩm năm 1987, mà hậu quả của nó là đã phải cần đến sự trợ giúp quốc tế trên bình diện rộng, đã làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự hào cũng như nền kinh tế nói chung của nước Nga mới ra đời. Sự phục hồi nhỏ của Nga dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường lần đầu tiên diễn ra vào khoảng năm 1997. Trong năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã lên đến điểm đỉnh trong việc phá giá của đồng rúp vào tháng 8 năm 1998, làm cho tình trạng nợ Chính phủ của Nga càng trầm trọng. Vào “ngày thứ năm đen tối” (13/8/1998), chỉ trong vòng 40 phút, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Moscow đã tụt giảm 10%. Sự đình đốn của nền kinh tế cùng tình trạng nợ chồng chéo giữa các công ty đã đẩy nền kinh tế Nga đến bên bờ vực sụp đổ. Trong quyết định đầy khó khăn, chính phủ Nga đã phải tuyên bố tạm ngừng trả nợ nước ngoài trong vòng 90 ngày và cấm người nước ngoài mua trái phiếu ngắn hạn của Nga.
Đứng trước thực trạng đó, vừa đặt chân vào Điện Kremlin (năm 2000), Tổng thống V. Putin đã phải tận dụng tối đa mối quan hệ cá nhân thân thiết với Thủ tướng Đức lúc đó là ông G. Schroeder mới được Berlin đồng ý cho giãn nợ. Tuy nhiên, phái đoàn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đến Moscow bàn thảo việc tái cơ cấu nợ của Nga đã bỏ dở chuyến đi mà không hẹn ngày trở lại cho vòng thảo luận mới, sau khi Hạ viện Nga không thống nhất được làm thế nào để trả nợ nước ngoài. Lúc đó, tổng số nợ của Nga đã lên tới 158 tỷ USD, chiếm gần hết GDP của Nga. Báo chí phương Tây lúc đó nói rằng “với số nợ nước ngoài khổng lồ như vậy, ngay đến lãi suất của các khoản nợ này Nga cũng khó có thể trả nổi”. Vậy số tiền Nga dùng để trả nợ từ đâu mà có, đó chính là nguồn lợi nhuận từ dầu lửa giúp Nga thanh toán nợ từ thời Xô Viết.
Năm 1998, khi giá dầu mới chỉ có trên dưới 14 USD/thùng, Nga không đủ khả năng trả nợ và phải hạ giá đồng rúp. Năm 1999, Nợ Chính phủ của Nga lên đến 96% tổng thu nhập quốc dân. Tuy nhiên, hiện nay, Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Với giá dầu lên cao kỷ lục trong thời gian qua, có lúc leo gần tới ngưỡng 80 USD/thùng, nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới với diện tích xấp xỉ nửa châu lục này đã thu được những khoản đô-la khổng lồ. Chiếm 3% dân số thế giới, Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ. Sản lượng điện của Nga chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu. Hiện nay, tổ hợp nhiên liệu - năng lượng Nga là một trong những tổ hợp quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Nga đã thành lập một quỹ dự phòng 82 tỷ USD.
• Những thành tựu đạt được của kinh tế Nga góp phần giải quyết gánh nặng nợ nần.
Nhờ vào giá dầu mỏ cao, đồng rúp yếu, và tăng trưởng của các ngành công nghiệp và dịch vụ, kinh tế Nga đã có những thành tựu nhất định: GDP tăng trưởng trung bình 6,8% mỗi năm trong giai đoạn 1999-2004 trên cơ sở của giá dầu mỏ cao. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế này là cực kỳ không đều: khu vực Thủ đô Moscow cung cấp tới 30% GDP của toàn quốc. Sự phục hồi kinh tế này cùng với cố gắng cải tổ của chính quyền trong các năm 2000-2001 để thúc đẩy cải cách về cấu trúc đang bị thụt lùi, đã làm tăng sự tin cậy của các nhà kinh doanh và đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Nga trong thập niên thứ hai của thời kỳ chuyển đổi. Trên thực tế, một số tập đoàn quốc tế đã đầu tư rất lớn vào Nga. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Nga có khoảng 26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp tích lũy của người nước ngoài trong giai đoạn 2001-2004 (trong đó 11,7 tỷ USD diễn ra chỉ riêng trong năm 2004).
Nga vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa, cụ thể là dầu mỏ, khí đốt, kim loại và gỗ, các mặt hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu, điều này làm cho Nga dễ bị thương tổn vì các biến động giá cả trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã nhắm nhiều hơn vào nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng trong nước, là lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 12% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, chỉ ra sự lớn mạnh dần lên của thị trường nội địa. Năm 2004, GDP của Nga đạt 1.500 tỷ USD, làm cho Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới và thứ 5 ở châu Âu.
Từ chỗ là “con nợ khổng lồ”, dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga nay đã đạt 246 tỷ USD, đưa nước này lên vị trí thứ tư thế giới về mức dự trữ. Thặng dư ngân sách lên tới 27 tỷ USD, đủ sức để Chính phủ rộng tay đưa ra mức tăng chưa từng có 30% cho lĩnh vực giáo dục và nông thôn, 60% cho chăm sóc sức khoẻ và xây dựng nhà ở.
- Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Nga, việc thanh toán nợ trước thời hạn này sẽ giúp cải thiện uy tín cũng như môi trường đầu tư của Nga. Giờ đây, hầu hết các nhà kinh tế đề có nhận xét khả quan về viễn cảnh kinh tế của Nga.
- Theo tính toán của Bộ Tài chính Nga, việc thanh toán nợ trước thời hạn sẽ giúp Nga tiết kiệm được khoảng 7,7 tỷ đôla chi phí trả nợ từ nay đến 2012.