định trị giá hải quan
Lô hàng nhập khẩu giống hệt/tương tự được chọn làm cơ sở xác định trị giá hải quan phải đáp ứng những điều kiện là:
- Hàng hóa phải giống hệt/tương tự với hàng hóa đang được xác định trị giá. - Hàng hóa phải được bán để xuất khẩu vào cùng thời điểm hay cùng kỳ với hàng hóa đang được xác định trị giá.
- Hàng hóa được bán trong giao dịch có cùng cấp độ thương mại và cùng số lượng với hàng hóa đang được xác định trị giá.
3.2.3.1. Yếu tố hàng hóa
Căn cứ vào định nghĩa hàng hóa nhập khẩu giống hệt và hàng hóa nhập khẩu tương tự, lô hàng được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về hàng giống hệt/tương tự. Ở đây, cần đặc biệt chú ý đến hai điều kiện:
- Hai lô hàng phải có cùng nhà sản xuất hoặc nếu không cùng nhà sản xuất thì một người phải là nhà sản xuất ủy quyền của nhà sản xuất còn lại; và
- Hai lô hàng phải được sản xuất ở cùng một nước.
Như vậy, phương pháp này không quan tâm đến nước “bán hàng” mà quan tâm đến người sản xuất và xuất xứ của hàng hóa.
3.2.3.2. Yếu tố thời gian
Lô hàng nhập khẩu giống hệt (tương tự) phải được xuất khẩu vào cùng thời điểm hay cùng kỳ với hàng đang được xác định trị giá.
Trên thực tế, các yếu tố thời vụ, thời cơ kinh doanh, vòng đời của sản phẩm, … có tác động đến giá cả của hàng hóa. Chính vì vậy, để loại bỏ hay hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố thời gian đến giá giao dịch của các lô hàng đang được xác định trị giá thì việc tìm kiếm lô hàng nhập khẩu vào cùng thời điểm luôn là sự lựa chọn tối ưu nhất nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. Do vậy, để tạo sự linh hoạt trong việc xác định trị giá theo phương pháp 2 và 3, thì các văn bản pháp quy của Việt Nam quy định chấp nhận lô hàng nhập khẩu giống hệt (tương tự) được nhập khẩu “vào cùng thời điểm hay cùng kỳ” tức là hàng hóa đó đã được xuất khẩu trước, hoặc cùng lúc đó hoặc sau đó ít lâu nhưng càng gần với ngày xuất khẩu lô hàng đang được xác định trị giá hải quan thì càng tốt.
Theo quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ: “Lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào
cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế”
Công ty A của Việt Nam có nhập khẩu lô hàng lúa mỳ từ Canada. Lô hàng này được xuất khẩu từ cảng Quebec vào ngày 01/5/2010 (thời điểm C) và lô hàng này làm thủ tục thông quan (ngày đăng ký tờ khai) tại cảng Sài Gòn vào ngày 01/6/2010 (thời điểm D)
Thời điểm 60 ngày trước ngày xuất khẩu là ngày 01/3/2010 (thời điểm A) và thời điểm 60 ngày sau ngày xuất khẩu là ngày 01/7/2010 (thời điểm B); thời kỳ xuất khẩu cùng thời kỳ (cùng kỳ) là từ ngày 01/3/2010 đến ngày 01/7/2010 (khoảng cách A - B).
1/3/2010 1/5/ 2010 1/6/2010 1/7/2010 A C D B khoảng thời gian được lựa chọn
Việc điều kiện thời gian đòi hỏi chúng ta phải xác định chính xác ngày xuất khẩu: Theo quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ, “ngày xuất khẩu” sử dụng trong phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt và phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự là ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải theo vận đơn; đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ thì “ngày xuất khẩu” là ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Khi xác định yếu tố thời gian thì mặc dù hàng có thể xuất khẩu vào cùng một thời kỳ nhưng thời điểm ký kết hợp đồng có thể khác nhau, phương thức giao hàng khác nhau thì mức độ tác động tới giá cả cũng khác nhau. Vì vậy, trong trường hợp này cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng yếu tố thời gian để xác định trị giá hải quan hợp nhất cho lô hàng .
3.2.3.3. Yếu tố điều kiện mua bán
a. Điều kiện về cấp độ thương mại và cấp độ số lượng
Khi áp dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng giống hệt (tương tự), tùy từng trường hợp, cơ quan Hải quan phải sử dụng giao dịch bán hàng nhập khẩu giống hệt ở cùng cấp độ thương mại và về cơ bản, có cùng số lượng với lô hàng đang được xác định trị giá.
Chúng ta đều biết, thường thì giá cả phụ thuộc rất nhiều vào số lượng hàng hóa mua bán và cấp độ thương mại của giao dịch. Cấp độ thương mại là gì? Đó là mối quan hệ thương mại tổng hợp trong mua bán giữa người mua và người bán, có 3 cấp độ thương mại thường gặp:
- Cấp độ bán buôn là người mua hàng hóa sau đó bán lại cho người khác, thông thường là bán lại cho người bán lẻ. Người bán buôn cũng có thể là người sản xuất hay người xuất khẩu mua hàng với số lượng lớn và sau đó bán lại ở cấp độ bán buôn. Người bán buôn thường được mua hàng với giá thấp hơn so với người bán lẻ vì người bán buôn mua thường xuyên nhiều lần, mua rất nhiều chủng loại hàng và thường mua hàng hóa với số lượng lớn, do đó các loại chi phí liên quan đến tiêu thụ hàng hóa của người bán sẽ giảm đi.
- Cấp độ bán lẻ là người mua hàng hóa thường với số lượng nhỏ và sẽ được bán lại cho người mua lẻ. Người bán lẻ có thể mua hàng hóa từ người bán buôn với giá cao hơn so với giá mua của người bán buôn. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, người bán lẻ là một công ty lớn có thể mua hàng với số lượng lớn và cũng có thể mua hàng với giá như giá bán buôn, như: Cửa hàng bách hóa, siêu thị, đại lý bán ô tô.
- Cấp độ bán cho người tiêu dùng hay còn gọi là bán cho người sử dụng cuối cùng là việc người mua hàng hóa với một số lượng nhất định để sử dụng và không có mục đích bán lại. Cũng có trường hợp người tiêu dùng mua với số lượng khá lớn như bệnh viện có thể mua hàng ngàn chiếc chăn (drap) cung cấp cho bệnh nhân. Nhưng nói chung thì so với giá bán buôn và bán lẻ thì giá bán cho người tiêu dùng thường cao hơn.
Chính vì thế một trong những điều kiện để xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng giống hệt (tương tự) là phải lựa chọn hàng giống hệt (tương tự) được bán với cùng cấp độ thương mại và cấp độ số lượng với lô hàng nhập khẩu đang cần được xác định trị giá.
Trong trường hợp không tìm được lô hàng có cùng cấp độ thương mại và số lượng thì phải tìm các lô hàng giống hệt (tương tự) có cấp độ thương mại khác nhau và có số lượng khác nhau hay lô hàng có cả cấp độ thương mại và số lượng
khác nhau rồi thực hiện điều chỉnh trị giá giao dịch của lô hàng đó về cùng cùng số lượng, cấp độ thương mại với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá.
Khi không tìm được lô hàng nhập khẩu có cùng cấp độ thương mại và số lượng thì việc lựa chọn lô hàng nhập khẩu có điều kiện thương mại khác nhau theo trình tự ưu tiên dưới đây:
- Lô hàng cùng cấp độ thương mại nhưng khác về số lượng. - Lô hàng khác cấp độ thương mại nhưng có cùng số lượng. - Lô hàng khác cấp độ thương mại và khác về số lượng. b. Điều kiện về quãng đường và phương thức vận tải
Lô hàng nhập khẩu giống hệt (tương tự) nếu có khoảng cách (quãng đường vận chuyển) và phương thức vận chuyển khác nhau thì phải được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển với lô hàng đang được xác định trị giá.
Ví dụ:
Công ty K.L nhập chiếc xe Roll Royce Phantom 5.0 từ Anh về Việt Nam giá CIF cảng Sài Gòn là 125.000 USD (trong đó chi phí (F) vận chuyển tàu biển là 5.000 USD), nhưng vì lý do vi phạm điều kiện 1 (người mua không có toàn quyền định đoạt hàng hóa) nên không áp dụng phương pháp trị giá giao dịch. Qua rà soát vào cùng thời điểm thì có Công ty Tây Bắc cũng nhập từ Anh về chiếc xe Roll - Royce Phantom 5.0 khác, nhập khẩu bằng máy bay qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với giá CIF là 138.000 USD và chiếc xe này được cơ quan Hải quan xác định trị theo trị giá giao dịch là 138.000 USD (chi phí vận chuyển hàng không là 11.000 USD).
- Điều chỉnh chênh lệch giá do phương thức vận chuyển: 11.000 USD - 5.000 USD = 6.000 USD.
- Xác định trị giá cho xe của Công ty K.L là 138.000 USD - 6.000 USD = 131.000 USD.