2.5.2.1. Tiền hoa hồng bán hàng, phí môi giới
Hoa hồng bán hàng là khoản thù lao cho một bên thứ ba hoạt động với tư
cách là đại lý bán hàng của người bán. Khoản tiền này có thể do người mua hoặc người bán trả nhưng chỉ được coi là một khoản điều chỉnh khi người mua thay mặt người bán trả cho đại lý bán hàng.
Nếu chủ hàng phải trả tiền hoa hồng cho một bên thứ ba hoạt động với tư cách là đại lý mua hàng của chính chủ lô hàng thì không phải cộng khoản tiền đó vào giá thực thanh toán của lô hàng.
Do vậy, người xác định trị giá hải quan cần làm rõ trách nhiệm của người trung gian giữa bên mua và bên bán xem đó đích thực là đại lý mua hay đại lý bán hàng. Đại lý bán hàng thường thực hiện một, một số hoặc tất cả các công việc cơ bản sau:
- Tìm kiếm đối tác mua hàng cho người bán. - Cung cấp hàng mẫu cho người mua.
- Tham gia thỏa thuận giá cả (để đem lại giá bán có lợi nhất cho người bán). - Thu xếp vận tải, bảo hiểm theo thỏa thuận về điều kiện giao hàng.
- Chuẩn bị bộ chứng từ thanh toán. Đại lý bán hàng có thể phát hành hóa đơn thanh toán cho người mua, trong đó bao gồm cả giá cả hàng hóa và hoa hồng
đại lý mà người mua phải thanh toán. Cũng có trường hợp đại lý bán hàng chỉ phát hành hóa đơn thanh toán hoa hồng cho người có trách nhiệm thanh toán tiền hoa hồng mà thôi.
Số tiền hoa hồng bán hàng phụ thuộc vào phạm vi nhiệm vụ của đại lý bán hàng và thường được tính bằng một tỷ lệ phần trăm trong tổng giá trị của một giao dịch mua bán. Có những trường hợp, đại lý bán hàng là kênh tiêu thụ chủ yếu của nhà sản xuất, khi đó hoa hồng bán hàng có thể rất lớn. Theo ghi nhận trên thế giới, một số đại lý bán hàng của các ngành sản xuất như máy móc thiết bị, xe cộ,… có thể lên đến 70% tổng giá trị các lô hàng.
Phí môi giới là khoản thù lao trả cho một bên thứ ba hoạt động với tư cách là
người môi giới, làm trung gian giữa hai bên mua và bán của giao dịch mua bán hàng hóa. Nhiệm vụ của người môi giới chỉ đơn giản là làm cho người mua và người bán có thể gặp nhau và trực tiếp đàm phán giao dịch mua bán với nhau.
Chính vì phạm vi hoạt động nhỏ hẹp như vậy nên phí môi giới thường chỉ là một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trong tổng giá trị hợp đồng.
Phí môi giới thường xuất hiện ở các giao dịch mua bán một số loại hàng hóa đặc thù như lúa gạo, cà phê, xăng dầu, đường,…Việc xác định phí môi giới là dựa trên thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, theo đó nếu người mua là người trả phí môi giới thì khoản tiền đó mới phải điều chỉnh vào trị giá giao dịch.
Tiền hoa hồng đại lý bán hàng và phí môi giới có thể có hoặc không thể hiện trên hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, đại lý bán hàng và người bán có thể có hợp đồng đại lý ký kết với nhau và cơ quan Hải quan có thể sẽ yêu cầu người mua cung cấp tài liệu này để kiểm tra tính trung thực của trị giá khai báo. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra xác định trị giá, cơ quan Hải quan cũng có thể yêu cầu xuất trình bằng chứng về thanh toán phí môi giới.
2. 5.2.2. Chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa
Những hàng hóa đặc biệt đòi hỏi phải có các loại bao bì riêng, chuyên dụng kèm theo thường sẽ phát sinh chi phí về bao bì chuyên dụng. Đó là những vật chứa đựng hàng hóa cần thiết cho việc sử dụng, vận hành hay mua bán hàng trên thị trường, nhưng người sản xuất hàng hóa lại không trực tiếp cung cấp.
Người mua hàng, để có thể có hàng hóa ở tình trạng tốt nhất khi nhập khẩu, hoặc để dễ dàng bán lại trên thị trường, đã chấp nhận bỏ chi phí mua thêm bao bì chuyên dụng cho hàng hóa trước khi nhập khẩu.
Ví dụ:
Người mua mua rượu đóng trong thùng gỗ, đồng thời mua thêm chai thủy tinh để đóng rượu vào chai trước khi nhập khẩu thì chi phí về chai rượu phải được tính vào trị giá hải quan của rượu nhập khẩu.
Về cơ bản, những loại bao bì được phân loại cùng với hàng hóa khi nhập khẩu theo quy định về phân loại hàng hóa sẽ được coi là bao bì chuyên dụng. Chi phí cho bao bì chuyên dụng, nếu người mua trả riêng, không nằm trong giá hóa đơn của hàng hóa thì phải cộng vào trị giá giao dịch.
Để xác định được có hay không tồn tại chi phí về bao bì chuyên dụng thì công chức hải quan phải hiểu rõ bản chất của hàng hóa nhập khẩu, có phải sử dụng các bao bì chuyên dụng đi kèm hay không. Sau đó, cần xác định người cung cấp bao bì chuyên dụng và giá trị của bao bì chuyên dụng.
Chi phí về bao bì chuyên dụng thể hiện trong giao dịch mua bán bao bì chuyên dụng mà người mua thực hiện đối với đối tác cung cấp bao bì chuyên dụng. Vì vậy, hồ sơ nhập khẩu hàng hóa giữa người mua với người bán có thể sẽ không bao gồm hồ sơ mua bán bao bì chuyên dụng. Công chức hải quan phải tìm kiếm thông tin về giao dịch này trên hệ thống quản lý tài chính của doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, trị giá của khoản điều chỉnh về bao bì chuyên dụng sẽ gồm cả các chi phí phát sinh do việc vận chuyển bao bì đến nơi đóng hàng, và chi phí nhân công đóng hàng nếu có phát sinh.
Chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa là khoản tiền phải trả để mua các loại bao bì (thùng, hộp,…) chuyên dụng, đi liền với hàng hóa và/hoặc đóng hàng hóa vào các loại bao bì chuyên dụng đó.
Các loại bao bì chuyên dụng là những loại bao bì được phân loại vào cùng một mã số HS với hàng hóa. Ví dụ: Bao đựng máy ảnh bằng da không được phân loại vào chương các sản phẩm của da mà được xếp vào cùng một mã số với cái máy ảnh.
Chi phí về bao bì gắn liền với hàng hóa bao gồm giá mua bao bì, các chi phí khác liên quan đến việc mua bán và vận tải bao bì đến nơi đóng gói, bảo quản hàng hóa, thậm chí là đến nơi giao hàng.
Ví dụ:
Để vận chuyển hàng là đồ dễ vỡ thì phải có các loại thùng gỗ, vật liệu chèn (rơm rạ, giấy vụn, vải vụn,…).
Tuy nhiên, nếu chi phí cho các loại thùng, hộp này đã được tính trong hóa đơn hay trong giá cả hàng hóa thì không phải điều chỉnh vào trị giá giao dịch. Số tiền này chỉ phải cộng vào trị giá giao dịch, nếu là thỏa thuận bên ngoài việc mua bán hàng hóa, hoặc người bán yêu cầu người mua thanh toán thêm ngoài số tiền mua hàng hóa.
Các loại container, thùng chứa, giá đỡ được sử dụng như một phương tiện để đóng gói phục vụ chuyên chở hàng hóa, và sử dụng nhiều lần thì không được coi là bao bì gắn liền với hàng hóa, do đó không phải điều chỉnh trị giá vào trị giá giao dịch với tư cách là chi phí bao bì chuyên dụng.
Thường hàng hóa đựng trong các bao bì gắn liền với hàng hóa để thuận tiện trong việc chuyên chở và bán hàng hóa thì chúng ta không tách ra tính chi phí bao bì.
Ví dụ:
Lô hàng tivi LCD Sony 40 giá CIF Tân Sơn Nhất là 250 USD và chiếc tivi đó đựng trong hộp xốp phủ nilon chống ẩm, bên ngoài là thùng carton thì chúng ta hiểu giá đó là giá của cả tivi và bao bì .
2.5.2.3. Chi phí đóng gói hàng hóa
Các hoạt động đóng gói hàng hóa được nêu ở đây là đóng gói thông thường.
Ví dụ:
Đóng hàng vào thùng carton và dán nhãn; đóng các thùng hàng vào thùng gỗ và bỏ vật liệu chèn hàng,…
Trị giá của khoản điều chỉnh về đóng gói hàng hóa bao gồm giá trị của vật liệu đóng gói và nhân công đóng gói.
Các loại vật liệu phục vụ cho việc đóng gói hàng hóa trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đều được gọi là vật liệu đóng gói, kể cả các loại dây buộc, xốp chèn hàng, tấm gỗ ngăn, thanh gỗ kê, palet xếp hàng trong container,… trừ các vật chứa đựng đặc biệt đã được tính trong chi phí về bao bì chuyên dụng.
Chi phí vật liệu đóng gói thể hiện trong các giao dịch mua bán vật liệu giữa người mua với người cung cấp vật liệu, do đó phải tính toán trị giá khoản điều chỉnh trên cơ sở các chứng từ tài chính đối với bên cung cấp vật liệu đóng gói.
Trong khi đóng gói hàng hóa, nếu người mua phải thanh toán các chi phí liên quan đến nhân công đóng gói thì chi phí về nhân công cũng được điều chỉnh cộng vào trị giá giao dịch. Chi phí nhân công đóng gói sẽ bao gồm tất cả các khoản chi mà người mua đã trả cho người tham gia vào quá trình đóng gói, như: Công nhân, giám sát, quản lý đóng gói,…
Cũng sẽ có trường hợp người mua thuê trọn gói một đơn vị thực hiện đóng gói hàng trước khi nhập khẩu. Khi đó, người mua chỉ phải trả một lần chi phí cho người nhận đóng gói, do đó, chỉ xác định khoản điều chỉnh trên cơ sở chứng từ thanh toán chi phí cho người nhận đóng gói.
Trong trường hợp người mua có những yêu cầu cụ thể về đóng gói hàng hóa nhưng người bán không thường xuyên cung cấp những loại bao bì hay cách thức đóng gói như vậy, người mua thường tự mình bỏ chi phí đóng gói hàng hóa thì các chi phí đóng gói đó cũng được gọi là một khoản điều chỉnh vào trị giá giao dịch.
Chi phí bao bì bao gồm: Chi phí về nguyên vật liệu làm bao bì và chi phí về nhân công đóng gói.
Chi phí nguyên vật liệu đóng gói phải tính cả chi phí mua, sản xuất ra nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đó đến địa điểm đóng gói.
Chi phí nhân công đóng gói là số tiền thù lao trả cho người trực tiếp làm công việc đóng gói hàng hóa theo yêu cầu. Nếu trong thời gian đóng gói hàng hóa, chủ hàng phải trả cả các chi phí về ăn, ở, đi lại cho nhân công đóng gói thì các khoản chi đó được tính vào chi phí nhân công đóng gói.
Ví dụ: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản K.M ký hợp đồng mua phân đạm Urea 46%, xuất xứ Indonesia với giá FOB Borneo (Indo) 190USD/tấn dạng xá
(bulk), nhưng khi tầu cập cảng TP.Hồ Chí Minh thì thời điểm làm thủ tục hải quan thì nhân viên hải quan kiểm tra hàng hóa thấy lô phân đạm này đóng bao loại 50 kg/bao. Lô hàng này sẽ được nhân viên hải quan yêu cầu xuất trình chứng từ mua bao bì và chứng từ thuê nhân viên đóng gói. Công ty K.M xuất trình mua bao bì (bao PP chống ẩm) loại đựng 50 kg với giá 100 cái/25USD tại Malaysia và hợp đồng thuê đóng bao phâm đạm tại Singapore là 3USD/tấn. Trong trường hợp này thì phải cộng chi phí bao bì và chi phí đóng gói vào giá phân như sau:
- Giá phân Urea 46%: 190 USD/tấn
- Giá bao bì: 5 USD/tấn (20 bao trị giá 5 USD) - Chi phí đóng gói: 3 USD/tấn
Tổng giá: 198 USD/tấn
2.5.2.4. Các khoản trợ giúp
Các khoản trợ giúp là hàng hóa, dịch vụ do chủ hàng cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, miễn phí hoặc giảm giá cho người sản xuất để sử dụng trong quá trình sản xuất ra chính lô hàng đang được xác định trị giá. Trị giá của các khoản trợ giúp sẽ trở thành khoản điều chỉnh vào trị giá giao dịch nếu chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, tức là chưa có trong giá hóa đơn của lô hàng.
- Cung cấp trực tiếp: Chủ hàng trực tiếp gửi hàng hóa, dịch vụ trợ giúp cho người sản xuất.
- Cung cấp gián tiếp: Chủ hàng yêu cầu một người thứ ba gửi hàng hóa, dịch vụ trợ giúp cho người sản xuất. Do vậy, hàng hóa, dịch vụ trợ giúp có thể được gửi từ Việt Nam hoặc từ một nước khác đến nơi sản xuất lô hàng đang xác định trị giá và được đối xử như nhau.
Các khoản trợ giúp gồm:
a. Nguyên vật liệu, bộ phận cấu thành, phụ tùng, chi tiết khác được cấu thành vào chính hàng hóa đang được xác định trị giá: Loại hình trợ giúp này áp dụng cho quá trình sản xuất sử dụng nguyên liệu thô để chế biến thành các sản phẩm hoàn chỉnh, cũng như quá trình sản xuất sử dụng các cấu kiện, bộ phận hoàn chỉnh, cụm linh kiện để lắp ráp thành thành phẩm.
b. Công cụ, dụng cụ, khuôn mẫu, chi tiết khác để sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đang được xác định trị giá:
- Dụng cụ ở đây được hiểu là các đồ vật tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, được sử dụng để làm ra thành phẩm. Đó có thể là các loại sử dụng cầm tay như khoan, búa, cưa, đục,... nhưng cũng có thể là máy móc như máy khâu, máy công cụ, máy khoan ép,... các khuôn rập, khuôn đúc là các đồ vật dùng để tạo dáng cho sản phẩm.
Những dụng cụ hay máy móc không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, nhưng thường thấy có trong các nhà máy, công xưởng, không được đưa vào loại hình này. Những máy móc công dụng chung đó gồm:
- Các thiết bị điều hòa không khí.
- Các máy văn phòng, máy chữ, máy photocopy, máy tính,... - Các băng chuyền và xe nâng hàng.
c. Vật liệu, nhiên liệu, năng lượng tiêu hao trong quá trình sản xuất ra lô hàng nhập khẩu:
Thuộc loại hình trợ giúp này có các loại nguyên, nhiên liệu hoặc hàng hóa khác nhau tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nhưng lại không trở thành một bộ phận của sản phẩm cuối cùng. Chúng bao gồm cả các chất hóa học được sử dụng để tạo ra các phản ứng hóa học, nhưng sau đó không có mặt trong sản phẩm cuối cùng. Chúng cũng bao gồm cả nhiên, nguyên liệu dùng để nung một sản phẩm hay sử dụng để thử nghiệm các động cơ xe ôtô,... Điều quan trọng là các nguyên vật liệu thuộc loại hình trợ giúp (b) phải thực sự bị tiêu dùng hết khi sản xuất hàng hóa nhập khẩu.
d. Các bản vẽ thiết kế, kế hoạch triển khai, phác đồ triển khai,… được làm ra ở nước ngoài và cần thiết cho quá trình sản xuất ra lô hàng:
Loại hình trợ giúp này liên quan đến các hoạt động nghiên cứu và triển khai, bao gồm toàn bộ các công việc tìm kiếm những kiến thức mới cho việc phát triển hay cải tiến một loại sản phẩm, dịch vụ, một kỹ thuật hay quy trình công nghệ; các công việc triển khai thể hiện qua các bản vẽ thiết kế, sơ đồ, phác đồ,... Tuy nhiên, chỉ những bản vẽ, những sơ đồ hoàn chỉnh cần thiết cho quá trình sản xuất hàng
hóa mới được tính đến. Các hoạt động nghiên cứu thị trường hay tính toán kỹ thuật nhằm mục đích bán hàng không liên quan đến sản xuất, vì thế không cần thết cho việc xác định trị giá.
Các hoạt động nghiên cứu và triển khai phải tiến hành bên ngoài nước nhập khẩu. Nói cách khác, các công tác thiết kế kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật, công việc lên sơ đồ,... được thực hiện trong nước nhập khẩu sẽ không được tính đến như một khoản điều chỉnh.
Xác định trị giá của khoản trợ giúp:
Khi đã xác định được khoản trợ giúp do người mua hàng cung cấp và khoản trợ giúp đó được coi như một yếu tố điều chỉnh đối với giá thực thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa nhập khẩu thì cần xác định trị giá của khoản trợ giúp đó. Nguyên tắc chung để xác định trị giá các khoản trợ giúp như sau: