Các nguyên tắc cơ bản trong tham vấn trị giá hải quan

Một phần của tài liệu Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan Tổng quan về trị giá Hải quan (Trang 87 - 88)

6.1.3.1. Tôn trọng thực tế thương mại

Tôn trọng thực tế thương mại có nghĩa là tất cả hoạt động thực tế liên quan đến giao dịch thương mại quốc tế đều phải được phản ánh đầy đủ trong trị giá hải quan. Trị giá hải quan phải bao hàm toàn bộ các chi phí phát sinh trong suốt quá trình giao dịch và cấu thành vào giá trị của hàng hóa. Vì thế, có nhiều trường hợp, chi phí phát sinh hầu như tách biệt với tiền mua hàng, gây ra cảm giác chi phí đó không liên quan đến trị giá hải quan, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Trên cơ sở đó, khi tiến hành tham vấn để kiểm tra trị giá hải quan, các bên tham gia tham vấn cần nhận thức rằng: Mục đích cuối cùng của tham vấn là tìm được tất cả các chi tiết liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa đã xảy ra trong thực tế, từ đó xác định được mức độ chính xác, trung thực của trị giá khai báo. Để phục vụ cho tham vấn, đối với cơ quan Hải quan, cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin sẵn có và cần thiết liên quan đến lô hàng cần tham vấn, cũng như ngành hàng của nó. Về phía người nhập khẩu, cần thu thập đầy đủ mọi thông tin về lô hàng của mình để xuất trình cho cơ quan Hải quan khi cần thiết. Mọi chi tiết được đưa ra, sử dụng trong quá trình tham vấn đều phải có bằng chứng, chứng cứ cụ thể và hợp pháp. Nhất định không được đưa ra những nhận định, kết luận dựa trên các chi tiết không có bằng chứng khách quan

6.1.3.2. Minh bạch

Minh bạch trong tham vấn kiểm tra trị giá hải quan bao gồm:

Minh bạch về mục đích, các yêu cầu đặt ra của tham vấn. Các bên tham gia tham vấn cần biết lý do phải tiến hành tham vấn, mục đích tham vấn, những nội dung sẽ tiến hành tham vấn.

Minh bạch ở đây còn có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tham vấn. Cơ quan hải quan có quyền nêu vấn đề và yêu cầu người nhập khẩu giải thích, có quyền tìm hiểu mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh của người nhập khẩu mà những nội dung đó có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hàng hóa nhập khẩu đang được kiểm tra. Ngược lại, người nhập khẩu có quyền bảo vệ tính chính xác, trung thực của trị giá đã khai báo, cũng như các thông

tin khác có liên quan đến hàng hóa. Về nghĩa vụ, cơ quan Hải quan có trách nhiệm bảo mật thông tin của doanh nghiệp, không áp đặt ý kiến chủ quan của mình đối với trị giá hải quan. Còn người nhập khẩu có nghĩa vụ cung cấp những thông tin mà cơ quan Hải quan cho là cần thiết.

Minh bạch trong tham vấn còn thể hiện ở việc xử lý kết quả sau khi tham vấn. Khi cơ quan Hải quan chấp nhận giá khai báo hoặc không chấp nhận giá khai báo đều phải thông báo bằng văn bản theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

6.1.3.3. Bình đẳng

Mặc dù, tham vấn là nhằm kiểm tra trị giá hải quan để xác minh tính chính xác, trung thực của trị giá khai báo. Nhưng điều đó không có nghĩa khi tham vấn thì doanh nghiệp có sự vi phạm về xác định trị giá. Chừng nào cơ quan Hải quan chưa chứng minh được rằng trị giá khai báo của doanh nghiệp, người nhập khẩu là không trung thực, không chính xác thì trị giá khai báo vẫn được chấp nhận là trị giá hải quan của hàng hóa.

6.1.3.4. Tuân thủ đúng chính sách pháp luật

Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ cách thức tiến hành tham vấn trị giá hải quan, quyền và nghĩa vụ của các bên tham vấn, xử lý kết quả sau tham vấn đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan Tổng quan về trị giá Hải quan (Trang 87 - 88)