Vì sao phải đề phòng bệnh đau mắt đỏ?

Một phần của tài liệu kiến thức tổng hợp 10 vạn câu hỏi vì sao về cơ thể người (Trang 101 - 102)

Đau mắt đỏ là bệnh "viêm kết mạc cấp tính", do vi khuẩn hoặc độc tố bệnh gây nên. Bệnh phát rất gấp, sau khi nhiễm vi khuẩn hoặc độc tố bệnh mấy giờ là có biểu hiện ngay. Mùa hè nóng bức, vi khuẩn và độc tố bệnh dễ phát triển nên đau mắt đỏ có khi thành dịch. Từ lúc mắc bệnh đến lúc khỏi ít thì 3-4 ngày, nhiều thì 7-8 ngày, thậm chí dài hơn.

Triệu chứng ban đầu là ngứa mắt, có cảm giác như bị bụi cát bay vào, lòng trắng mắt đỏ dần, mí mắt sưng lên, dử nhiều, buổi sáng ngủ dậy hai mí dính đầy dử. Bệnh nhân nhìn mờ, có lúc còn đau đầu, đau họng, phát sốt, lòng trắng mắt ứ máu. Nếu bệnh tình nghiêm trọng thì nhãn cầu sẽ bị ảnh hưởng, gây viêm và ảnh hưởng đến thị lực.

Bệnh đau mắt đỏ truyền chủ yếu qua tiếp xúc tay, khăn tay, khăn mặt, các bồn tắm, bể bơi... Bệnh hoàn toàn có thể đề phòng được bằng cách tập thói quen rửa tay, không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn giụi mắt. Lúc rửa mặt, phải dùng nước sạch, khăn sạch, không dùng chung khăn với người bệnh. Khăn mặt phải giặt bằng xà phòng, phơi chỗ thoáng gió để bảo đảm sạch sẽ, khô ráo. Bồn rửa mặt phải được giữ sạch sẽ, khăn dùng chung phải được luộc và khử độc.

Khi bị bệnh đau mắt, nên tự giác không đi bơi, không đến những nhà tắm công cộng. Đương nhiên, quan trọng nhất là phải đến bệnh viện điều trị.

Ở người bình thường, hai mắt nhìn một vật, ảnh của vật thể đó in trên võng mạc của cả hai mắt, truyền lên trung khu thị giác ở não, chập lại làm thành một vật lập thể hoàn chỉnh. Công năng này gọi là "hai mắt thành một cách nhìn". Ở trẻ sơ sinh, quá trình hình thành "hai mắt một đường nhìn" rất dễ bị ảnh hưởng của ngoại giới, khiến cho chỉ một mắt nhìn vào mục tiêu, gây lác mắt. Khi nhãn cầu nhìn vào vật xiên về phía trong thì gọi là lác trong, tức "mắt gà chọi".

Vì sao mắt gà chọi là khó tự khỏi? Để làm sáng tỏ điều này, phải bắt đầu từ các cơ vận động và thần kinh quản của nhãn cầu. Phía ngoài nhãn cầu có 6 cơ mắt; trong điều kiện bình thường, khi ta nhìn một vật nào đó thì dù mắt nhìn về hướng nào, sự chuyển động của hai mắt đều song song nhất trí với nhau. Do sự co của cơ mắt chịu sự điều tiết của thần kinh nên khi xem mục tiêu bên phải, hai mắt đều chuyển sang bên phải; khi xem mục tiêu bên trái, hai mắt đều chuyển sang trái.

Nếu hai mắt trẻ phát triển không giống nhau (một mắt nhìn lên phía trên hoặc bị tán quang, hoặc độ nhìn xa của hai mắt chênh lệch nhau rất lớn) hoặc trẻ từ bé đã thích chơi những đồ rất nhỏ, chơi trong điều kiện ánh sáng rất mờ hay chơi những trò phải nhìn gần, cơ mắt sẽ mất cân bằng, cơ thần kinh mỏi mệt, có thể phát sinh bệnh mắt gà chọi.

Ở những trẻ bị mắt gà chọi, nếu không kịp thời uốn nắn sự cân bằng của cơ mắt, bệnh sẽ không tự khỏi. Hơn nữa, do một mắt bị lác kéo dài nên người bệnh không thể dùng mắt này, lâu ngày sự phát triển của mắt sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gây nhược thị (rất khó phục hồi). Trẻ em bị bệnh mắt gà chọi chỉ dùng một mắt để nhìn nên không có cảm giác lập thể về đồ vật, không thể phân biệt vật xa hay gần. Ví dụ: Lúc xâu kim không thể luồn chỉ đúng lỗ; khi dùng bút chấm mực thì không chấm đúng miệng lỗ mực, khó tìm kiếm những vật nhỏ thì khó nhìn... ảnh hưởng rất nhiều đến học tập và công tác sau này.

Do đó, khi phát hiện con bị bệnh mắt gà chọi, bố mẹ phải kịp thời đưa đi chữa trị. Việc chữa bệnh sớm không những có thể uốn nắn cơ mắt mà còn giúp khôi phục thị lực. Nếu bỏ lỡ cơ hội, đứa trẻ lớn lên dù được phẫu thuật cũng khó cải thiện tình hình và nhất là không khôi phục được thị lực cũng như cảm giác lập thể.

Một phần của tài liệu kiến thức tổng hợp 10 vạn câu hỏi vì sao về cơ thể người (Trang 101 - 102)