VII. Grắccơ Babớp
1. Tóm tắt tiểu sử Grắccơ Babớp
Tên thường gọi của Grăccơ Babớp là Phrăngxoa Nôen. Grắccơ là cái tên ông tự đặt cho mình để mãi mãi ghi nhớ hai anh em người phát ngôn nhân dân thời cổ đại Rôma. G.Babớp xuất thân từ một gia đình nông dân nhưng sau đó tham gia quân đội rồi giải ngũ làm việc trong bộ máy nhà nước phong kiến với chức vụ thấp sau trở thành một gia đình công nhân nghèo. Vì vây, G.Babớp không được học nhiều. Năm 20 tuổi ông làm nhân viên lưu trữ hồ sơ và công việc giúp ông hiểu được cơ chế thống trị và những thủ đoạn áp bức, bóc lột, kể cả thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất của bọn địa chủ đối với nông dân. Đặc biệt G.Babớp sống vào thời kỳ chế độ phong kiến suy tàn, thối nát và cũng là thời kỳ tiền cách mạng với không khí sôi sục của cuộc Đại cách mạng Pháp. Từ đó ông rất căm ghét chế độ phong kiến và đã tích cực tham gia cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789.
Sau cuộc cách mạng 1789, nước Pháp liên tiếp diễn ra những cuộc đấu tranh giữa các phe phái Ghirôngđanh, Giacôbanh…Những cuộc đấu tranh ấy đưa nước Pháp và tình trạng mất ổn định thường xuyên. Nhân dân Pháp tỏ thái độ thất vọng. Phái tả trong các lực lượng cách mạng theo chủ nghĩa Babớp tổ chức lực lượng và chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng mới. Phái Babớp đã xuất bản 2 tạp chí Diễn đàn nhân dân và Người khai sáng…
Ông bị bắt nhiều lần và lần cuối cùng vào năm 1796. Ông bị kết án tử hình vào 26-5-1797, lúc 37 tuổi. Cũng như Morơ, Cămpanenla, Babớp chấp nhận mọi sự hy sinh một cách rất bình thản. Trong thư gửi vợ và con trước khi chết ông đã viết: “Anh không thấy cách nào khác làm em và con hạnh phúc ngoài con đường đảm bảo đời sống yên vui và hạnh phúc của mọi người”. Sau này bạn thân của Babớp đã viết: “Với tinh thần mạnh mẽ,… Babớp và các đồng chí của ông đi ra pháp trường như đi lên đài chiến thắng”.
Như vậy, tuổi trưởng thành và những năm hoạt động của G.Babớp diễn ra trước và sau Cách mạng tư sản Pháp. Do đó, ông được chứng kiến thời kỳ cuối cùng của chế độ phong kiến đang đi tới chỗ diệt vong cùng với buổi đầu của chế độ tư bản, một chế độ cũng đã không đem lại cho nhân dân những điều họ mong muốn, hơn nữa còn đem lại những thất vọng mới. Chủ nghĩa cộng sản G.Babớp ra đời trong hoàn cảnh ấy.