Thay đổi về huyết học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 65 - 67)

- Thiếu máu

Có 47/57 bệnh nhân giảm hemoglobin chiếm tỷ lệ 82,5%. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Pal và Haroon (72,2%) [44], cao hơn so với nghiên cứu của Rym (29%) [52] và Vũ Hồng Thái (35,7%) [9]. Có 21 bệnh nhân vừa giảm hemoglobin vừa giảm hồng cầu chiếm tỷ lệ 36,5%. Kết quả này tương tự nghiên cứu của King (34%) [34], Võ Thị Như Huệ (31%) [6]. Có tác giả cho

rằng thiếu máu trong ĐDTT có thể do giãn mạch, ứ trệ tuần hoàn, tăng chuyển hoá cơ bản làm tim đập nhanh, lâu ngày có thể dẫn đến suy tim kết hợp với tình trạng suy kiệt của bệnh nhân. Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi bệnh tiến triển mạn tính, sống ở nông thôn. Có thể do cuộc sống khó khăn nên chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cho nên tỷ lệ bệnh nhân thiếu máu cao hơn so với kết quả nghiên cứu của một số tác giả. Tình trạng thiếu máu làm giảm sức đề kháng của cơ thể, đó cũng có thể là nguyên nhân làm cho ĐDTT nặng.

- Thay đổi công thức bạch cầu

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 20/57 bệnh nhân có số lượng bạch cầu > 10000TB/µl, chiếm tỷ lệ 35,1%. Kết quả này cũng phù hợp kết quả nghiên cứu của các tác giả Pal và Haroon (32,3%) [44], Rym (36%) [52], Thestrup (32%) [63], cao hơn Huỳnh Huy Hoàng (17,7%) [5] và thấp hơn Võ Thị Như Huệ (86%) [6].

Một số tác giả nhận xét ở bệnh nhân ĐDTT có biểu hiện sốt cao, rét run thường là do bội nhiễm vi khuẩn, khi xét nghiệm công thức máu thì thấy bạch cầu tăng (>10.000TB/µl). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không thấy có sự liên quan giữa tình trạng rối loạn thân nhiệt với tăng số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi (bảng 3.19). Nguyên nhân sốt, rét run ở bệnh nhân ĐDTT có thể do diện tích da tổn thương rộng, giãn mao mạch dưới da, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, mất nước, mất nhiệt, rối loạn điện giải. Da bị tổn thương, mất khả năng điều nhiệt dẫn đến gây rối loạn thân nhiệt mà biểu hiện hầu hết là cảm giác rét run.

Tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng > 72% gặp trong 24/57 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 42,2% trường hợp. Trong đó có 12/24 bệnh nhân vừa tăng số lượng bạch cầu vừa tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính. Theo Vũ Hồng Thái hiện tượng này chỉ gặp trong 14,7% [9] và Võ Thị Như Huệ gặp 32% [6].

- Máu lắng tăng gặp trong 19/57 trường hợp chiếm tỷ lệ 33,3%. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Vũ Hồng Thái (34%) [9] và nghiên cứu của Camacho

(30%) [45], cao hơn so với nghiên cứu của Rym (tỷ lệ 15%) [52] và thấp hơn nghiên cứu của Pal và Haroon (tỷ lệ 50%) [44].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 65 - 67)