Thay đổi sinh hoá máu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 67 - 69)

- Giảm protein máu

Hiện tượng giảm protein máu gặp trong 31/57 trường hợp chiếm tỷ lệ 54,4%, trong số đó có 13/57 bệnh nhân (22,8%) giảm protein toàn phần chủ yếu là do giảm albumin. So với kết quả của một số công trình nghiên cứu thì thấy chủ yếu giảm albumin máu, ít giảm protein toàn phần. Theo Camacho [45] và Vũ Hồng Thái [9] hiện tượng giảm albumin máu gặp trên 75% các trường hợp. Còn theo một số tác giả khác hiện tượng giảm protein máu gặp trong khoảng 10% trường hợp Pal [44], Vũ Hồng Thái (13,7%) [6], Huỳnh Huy Hoàng (6,25%) [5].

Cân bằng protein trong cơ thể do 2 quá trình đồng hoá và dị hoá. Cân bằng này được tính bằng các sản phẩm chuyển hoá của protein, được gọi là cân bằng nitrogen. Cơ thể dị hoá 50 - 60g protein mỗi ngày, lượng mất đi này thường đóng vai trò không quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển hoá protein. Lượng protein này mất qua đường nước tiểu, qua đường tiêu hoá (qua phân), qua bong vảy da hàng ngày. Ở những bệnh nhân có cân bằng nitrogen âm tính thấy những sản phẩm chuyển hoá của protein trong phân bình thường, chỉ số bong vảy da là 17g/m2 [25]. Điều này cho thấy đường tiêu hoá không có vai trò nhiều trong việc làm giảm protein máu mặc dù mất protein qua đường tiêu hoá có thấy ở bệnh ĐDTTCRCN. Ở bệnh nhân ĐDTTCRCN do bong vảy da nhiều làm mất lượng lớn protein dẫn đến cân bằng nitrogen âm tính gây phù, giảm albumin huyết, teo cơ do tiêu protein.

Bong vảy da nhiều có thể là nguyên nhân gây giảm protein máu ở bệnh nhân ĐDTTCRCN. Nhưng cũng phải nói đến khả năng hấp thu protein của những người cao tuổi cũng như điều kiện nuôi dưỡng, sinh hoạt của bệnh nhân cũng góp phần gây giảm protein máu. Mặt khác trong nghiên cứu của chúng tôi

đa phần là các bệnh nhân lớn tuổi, đời sống kinh tế khó khăn nên lượng protein đưa vào thường thấp.

Chúng tôi cũng thử xem xét việc giảm nồng độ protein máu và phù nề ở bệnh nhân ĐDTTCRCN có mối quan hệ nào không. Bởi vì, nồng độ protein toàn phần trong máu mà đúng hơn là lượng Albumin có tác dụng giữ áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Khi protein trong máu giảm sẽ làm cho dịch thoát vào khoảng gian bào gây phù nề. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chưa thấy có mối liên quan giữa tình trạng phù nề với giảm lượng protein toàn phần hoặc giảm Albumin trong máu (bảng 3.21). Kết quả này có thể là do số bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn hoặc phải chăng phù nề ở bệnh ĐDTT còn có một cơ chế khác nữa. Chẳng hạn do tác dụng của các chất trung gian hóa học đã gây nên những tổn thương cục bộ, tại chỗ như làm tăng tính thấm của màng tế bào, gây giãn mạch làm ứ trệ tuần hoàn dẫn đến phù nề. Vị trí phù nề ở bệnh nhân ĐDTTCRCN thường gặp ở chi dưới (chiếm 63,2% trường hợp) liệu đây có thể là một minh chứng cho giả định này không.

- Rối loạn điện giải: ĐDTT là một bệnh da nặng, phần lớn gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển kéo dài, dễ xảy ra những biến chứng, nhất là ở những bệnh nhân được điều trị muộn. Mất nước và rối loạn điện giải là một trong những biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân đỏ da toàn thân. Hậu quả của những rối loạn này có thể gây nên các biến chứng rối loạn chuyển hoá, suy tuần hoàn, suy thận...[50]. Thực tế kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ thấy có 10,6% bệnh nhân rối loạn điện giải. Chúng tôi cho rằng có thể việc bồi phụ nước và điện giải cho bệnh nhân đã được thực hiện tốt trước khi bệnh nhân chuyển đến hoặc bệnh nhân đến trực tiếp Viện Da liễu điều trị ngay khi bệnh mới bùng phát, chưa có biến chứng gì. - Những rối loạn khác: đặc biệt là chức năng gan, kết quả của chúng tôi thấy tăng SGOT gặp trong 43,9%, tăng SGPT gặp trong 22,8% trường hợp, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Vũ Hồng Thái (20,2%) [9] và Võ Thị Như Huệ (28%) [6]. Rối loạn mỡ máu gặp trong 57,7%, trong đó có những trường hợp tăng, có những trường hợp giảm cholesterol. Lý giải hiện tượng này, chúng tôi

cho rằng ở những người cao tuổi thường có biểu hiện tăng mỡ máu tự nhiên, khi bị bệnh ĐDTT tiến triển kéo dài sẽ gây suy kiệt và rối loạn chuyển hóa. Điều đó có thể làm cho kết quả mỡ máu khác nhau ở các bệnh nhân.

- Xét nghiệm nước tiểu chúng tôi chỉ gặp một số ít trường hợp bệnh nhân có albumin dương tính chiếm tỷ lệ 17,5%.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)