- Ngứa: là triệu chứng thường gặp và nổi trội trong bệnh ĐDTTCRCN. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy 100% bệnh nhân có ngứa, nhiều trường hợp bị ngứa rất nhiều (bảng 3.6). Nhiều bệnh nhân đã được uống thuốc kháng Histamin nhưng vẫn gãi khi đã ngủ quên. Thậm chí có bệnh nhân ngứa nhiều nên không ngủ được. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác như Võ Thị Như Huệ (100%) [6], Vũ Hồng Thái (97,7%) [9], Akhyani (97,5%) [14], Camacho (100%) [45], cao hơn so với nghiên cứu của King (6%) [34], Rym (70%) [52].
Ngứa là một triệu chứng nổi bật và quan trọng. Nhiều bệnh nhân khi tổn thương đỏ da bong vảy đã giảm mà vẫn còn ngứa. Triệu chứng ngứa có thể là dấu hiệu báo hiệu của đợt phát bệnh. Khi ngứa làm bệnh nhân gãi nhiều cũng là nguyên nhân gây các thương tổn thứ phát (như lichen hoá, nứt kẽ, nhiễm trùng) trong ĐDTTCRCN.
Da của bệnh nhân ĐDTTCRCN thường khô, ngưỡng kích thích giảm nên dễ bị kích thích với những tác động của môi trường xung quanh. Vì vậy, để hạn chế những thương tổn thứ phát do ngứa gây lên, phải sử dụng các biện pháp chống ngứa tại chỗ hoặc toàn thân. Tại chỗ sử dụng các thuốc giữ ẩm da, kem chống viêm và chống ngứa. Toàn thân sử dụng kháng histamin, cân nhắc sử dụng corticoid toàn thân khi cần thiết.
- Rối loạn thân nhiệt
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 51/57 bệnh nhân rối loạn thân nhiệt với các triệu chứng lâm sàng cảm giác gai rét, rét run chiếm tỷ lệ 89,5% (bảng
3.6 trang 38). Kết quả này tương tự như các nghiên cứu của các tác giả khác như Võ Thị Như Huệ (73%) [6], Vũ Hồng Thái (79,4%) [9], Camacho (75%) [45], cao hơn nghiên cứu của King (34%) [34].
Một trong những chức năng của da là tham gia điều hoà thân nhiệt thông qua các cơ chế: tiết mồ hôi và phản ứng vận mạch. Khi nhiệt độ môi trường tăng hoặc khi sốt cao, để giảm nhiệt cơ thể phản ứng bằng giãn mạch máu dưới da tăng toả nhiệt, đồng thời tăng tiết mồ hôi và bay hơi nước. Ngược lại khi nhiệt độ bên ngoài thấp hoặc khi hạ thân nhiệt cơ thể sẽ phản ứng bằng co mạch máu dưới da, giảm tiết mồ hôi, giảm toả nhiệt trên da. Da còn tham gia vào điều tiết thân nhiệt thông qua cơ chế bay hơi được khuyếch tán qua da. Có cơ chế này là do lớp sừng có vai trò như một màng bán thấm. Rothman (năm 1954) đã nghiên cứu đánh giá sự mất nước qua da ở da người bình thường và bệnh nhân ĐDTT sau khi đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn sự mất nước qua mồ hôi. Tác giả tính lượng nước mất trung bình bằng sự khuyếch tán qua da ở người bình thường là 0,35 ± 0,09 mg/cm2 /giờ (ở nhiệt độ da 32-36oC, độ ẩm không khí 2- 5%, tốc độ gió 23-25 mm/giây) tương đương 151ml/ ngày. Ở những bệnh nhân ĐDTT thì mất nước qua da tăng lên khoảng 4,96 ± 2,5 mg/cm2/ giờ (ở nhiệt độ da 32-35,5°C, độ ẩm tương đối 20-70%). So sánh mức độ mất nước bằng cơ chế khuyếch tán qua da ở người bình thường và bệnh nhân ĐDTT thì thấy ở bệnh nhân ĐDTT cao gấp khoảng 10 tới 20 lần bình thường. Mất nước qua da hàng ngày ở bệnh nhân ĐDTT ước tính đến 2518 ± 1019 ml/ngày [33].
Bệnh nhân đỏ da toàn thân, da toàn thân bị tổn thương làm cho chức năng điều hòa nhiệt bị rối loạn, gây mất nhiệt. Da tổn thương làm tuần hoàn tĩnh mạch ngừng trệ, hậu quả mất nước qua thượng bì nhiều làm gia tăng hao nhiệt gây giảm nhiệt độ. Đáp ứng lại tình trạng này, cơ thể phải tăng chuyển hóa cơ bản, dẫn đến tăng công suất tim, tăng vận cơ gây ra hiện tượng rét run [48].