Tổn thương da

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 62 - 65)

- Đỏ da bong vảy da

Da đỏ là triệu chứng đặc trưng của bệnh đỏ da toàn thân. Tính chất, đặc điểm màu sắc của da đỏ thì có sự khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân và từng bệnh nhân. Da có màu đỏ tím chiếm tỷ lệ 94,7% (bảng 3.7). Đặc điểm của bong vảy da là vảy mỏng, vảy phấn chiếm tỷ lệ cao nhất 64,9% (bảng 3.8). Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của Võ Thị Như Huệ tỷ lệ đỏ da bong vảy chiếm 92% [6], Vũ Hồng Thái là 99,2% [9], Pal và Haroon 84,4% [44]. Hiện tượng bong vảy da toàn thân, vảy mỏng, vảy phấn thường gặp ở giai đoạn mạn tính, khi bệnh ĐDTT đã tiến triển một thời gian chiếm 93%. Tình trạng bong vảy toàn thân kéo dài làm mất protein, gây giảm protein máu, giảm albumin máu dẫn đến phù nề… Vấn đề này chúng tôi sẽ bàn luận sau.

- Da khô

Triệu chứng da khô gặp trong nhiều bệnh da khác nhau như: bệnh khô da sắc tố, bệnh phong do giảm tiết mồ hôi, bệnh vảy nến, là một trong những tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm da cơ địa. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về bệnh ĐDTTCRCN thấy tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện da khô chiếm 86% (bảng 3.9). Triệu chứng khô da có thể phát hiện được bằng khám lâm sàng nhưng chính bệnh nhân cũng tự nhận thấy tình trạng da khô của mình. Kết quả của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của Rym (86%) [52].

Trong số 49 bệnh nhân da khô có 37 bệnh nhân bị khô da lan tỏa chiếm 75,5%, khô da khư trú gặp ở 24,5% (bảng 3.10). Khô da nặng vào mùa đông chiếm 85,7% và da khô quanh năm gặp ở 14,3% bệnh nhân (bảng 3.10). Da khô tăng lên khi bệnh nặng và giảm đi khi bệnh ổn định. Kết quả này tương tự như nghiên cứu của Nguyễn Thị Lai nghiên cứu về viêm da cơ địa ở người lớn có khô da lan toả 70,49% và khô da vào mùa đông chiếm tỷ lệ 65,57% [7].

Da bình thường mềm mại là do được phủ một lớp chất mỡ trên bề mặt. Thành phần của chất mỡ chiếm 2/3 là nước và các chất béo. Chất mỡ làm cho da không thấm nước, ngăn cản sự bốc hơi nước. Bài tiết chất mỡ chịu ảnh hưởng

của các nội tiết tố như: androgen, testosteron, gonadotropin…Ở người cao tuổi có thể do lượng androgen, testosteron giảm cho nên gây giảm bài tiết chất mỡ trên da. Mặt khác ở người cao tuổi tuyến bã chỉ còn 20-40% so với lúc trẻ [2]. Bệnh nhân ĐDTTCRCN gặp chủ yếu ở người cao tuổi, tuyến bã giảm về số lượng vừa giảm về chất lượng bài tiết có lẽ là nguyên nhân chính gây lên khô da. Khô da còn do biến đổi kết dính của các tế bào sừng với nhau (kết dính chờm lên nhau của tế bào sừng).

Một nguyên nhân khác rất quan trọng gây khô da là do da toàn thân bị tổn thương làm tăng thoát hơi nước trong cơ thể ra ngoài gây mất nước.

- Phù nề, nứt kẽ, tiết dịch

Hiện tượng phù nề gặp trong 48 trường hợp chiếm tỷ lệ 84,2%. Có 2/57 trường hợp phù nề, tiết dịch toàn thân (bảng 3.14). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của Chauhary có tỷ lệ phù nề là 83,3% [21], cao hơn so với nghiên cứu Võ Thị Như Huệ (47%) [6], của Vũ Hồng Thái (69,5%) [9]. Chúng tôi thấy hiện tượng phù chi dưới chiếm tỷ lệ cao nhất 63,2%. Kết quả này cao hơn so với kết quả của một số công trình nghiên cứu khác: Maryam Akhyani là 14,4% [14], Pal và Haroon là 44,4% [44], Bolognie là 50% [70].

Triệu chứng nứt kẽ, tiết dịch gặp trong 43 trường hợp, chiếm tỷ lệ 75,4% (bảng 3.11). Trong số đó hầu hết bệnh nhân bị nứt kẽ ở 2 vị trí (mu tay, mu chân hoặc nếp kẽ, sau tai) chiếm tỷ lệ 72,1%. Có 2 trường hợp nứt kẽ cả 4 vị trí. Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Võ Thị Như Huệ (tỷ lệ 64,1%) [6]. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Lai về viêm da cơ địa ở người lớn cũng thấy rằng hiện tượng nứt kẽ sau tai cũng thường gặp 51,3% trường hợp[7].

Hiện tượng phù nề, nứt kẽ, tiết dịch thường là các tổn thương thứ phát do bệnh nhân ngứa nhiều, chà xát làm da dễ bị kích thích, dễ bị nhiễm khuẩn, đồng thời có thể do giảm lượng protein máu.

- Triệu chứng dày da và lichen hoá

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ dày da nếp gấp (cổ tay, cổ chân) chiếm 42,1% (bảng 3.12). Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Pal và Haroon (34,4%) [44], Bolognie (33,3%) [70].

Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân có 38/57 trường hợp chiếm tỷ lệ 66,7% (bảng 3.12). Kết quả này tương tự nghiên cứu của Vũ Hồng Thái (64,1%) [9], thấp hơn nghiên cứu của Chauhary (79%) [21], cao hơn so với nghiên cứu của Võ Thị Như Huệ (47%) [6]. Triệu chứng dày sừng lòng bàn tay bàn chân và lichen hóa thường gặp ở những bệnh nhân ĐDTTCRCN đã có một thời gian tiến triển mạn tính da khô, ngứa nhiều làm bệnh nhân gãi, chà xát nên da dày và lichen hoá.

- Hạch ngoại biên

Phản ứng hạch ngoại biên to hơn bình thường chỉ phát hiện được 7 trường hợp trong 57 bệnh nhân ĐDTTCRCN mà chúng tôi nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 12,3% (bảng 3.13). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với một số nghiên cứu khác: Vũ Hồng Thái (48,1%) [9], Pal và Haroon (55,5%) [44], Rym BM (26,3%) [52]. Điều này có thể do đối tượng nghiên cứu khác nhau. Đối tượng nghiên cứu của các tác giả trên là tất cả các trường hợp ĐDTT bao gồm cả bệnh máu ác tính nên tỷ lệ viêm hạch bạch huyết cao hơn. Tỷ lệ viêm hạch bạch huyết trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so nghiên cứu của Võ Thị Như Huệ tỷ lệ này chỉ chiếm 1,3% [6].

Phản ứng hạch ngoại biên to có thể là do bội nhiễm, cũng có thể là biểu hiện toàn thân của một số bệnh. Đặc biệt là các bệnh ĐDTT do các bệnh máu ác tính. Tỷ lệ bệnh nhân có viêm hạch ngoại biên cao hay thấp phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau. Nếu bệnh nhân có ý thức chữa bệnh sớm, thầy thuốc chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh được những biến chứng nhiễm trùng thì hạch ngoại biên sẽ không phản ứng to. Hoặc nếu cơ sở y tế bệnh nhân đến khám chữa bệnh có đủ điều kiện khám phát hiện có thể loại trừ được những bệnh nhân

ĐDTT có hạch ngoại biên to do các bệnh hệ thống hay bệnh ác tính cũng làm tỷ lệ viêm hạch ở bệnh nhân ĐDTTCRCN giảm.

Vì vậy, cần phải sinh thiết hạch to để chẩn đoán và tiên lượng. Trong điều kiện khi thực hiện đề tài nghiên cứu, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cho nên việc sinh thiết hạch chúng tôi chưa triển khai được. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu.

- Tổn thương lông, tóc, móng.

Trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi hầu hết bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn mạn tính, da đầu bị tổn thương lâu làm cho tóc rụng, móng bị tổn thương trở nên xù xì, dày dưới móng, viêm quanh móng. Trường hợp nặng, kéo dài móng có thể bị loạn dưỡng thậm chí bong móng. Kết quả của chúng tôi thấy hiện tượng rụng tóc gặp ở 27/57 trường hợp chiếm tỷ lệ 47,4%. Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Pal và Haroon (30%) [44], Vũ Hồng Thái (27,5%) [9], còn theo Fitzpatrick hiện tượng rụng tóc chiếm tới 54% [69].

Có 29/57 bệnh nhân bị tổn thương móng (50,1%) trong số đó đa phần là tổn thương cả móng tay và móng chân chiếm tỷ lệ 33,3% (bảng 3.15). Kết quả này tương tự nghiên cứu của Vũ Hồng Thái với tỷ lệ tổn thương móng chiếm 51,9% [9], thấp hơn nghiên cứu của Pal và Haroon (tỷ lệ 80%) [44], cao hơn nhiều so với Võ Thị Như Huệ chỉ có 1,3% [6], thậm chí không có trường hợp nào bị rụng tóc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)