4.1.1. Tỷ lệ bệnh đỏ da toàn thân chưa rõ căn nguyên
Trong thời gian chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu tại Viện Da liễu Quốc gia có 1370 bệnh nhân điều trị nội trú bao gồm các bệnh ngoài da, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phong. Trong số này có 121 bệnh nhân ĐDTT chiếm tỷ lệ 8,8%. ĐDTT do nhiều căn nguyên khác nhau như ĐDTT do vảy nến, do thuốc, do các bệnh máu ác tính… Có 57 bệnh nhân ĐDTTCRCN chiếm tỷ lệ 4,16% trong các bệnh nhân điều trị nội trú, chiếm 47,1% trong số bệnh ĐDTT (bảng 3.1).
Bảng 4.1: Kết quả nghiên cứu của tỷ lệ bệnh ĐDTTCRCN của chúng tôi so sánh với một số tác giả trên thế giới và trong nước như sau:
Năm Tỷ lệ % n Tính P Vũ Hồng Thái [9] 2007 22.2 131 0.000035 Kondo [35] 2006 24 58 0.000131 Võ Thị Như Huệ [6] 2006 25 246 0.000309 Vanconcellous [68] 1995 29.2 247 0.005036 Abraham [13] 1963 47 101 0.999 Nguyễn Thị Thanh Thùy 2009 47.1 57
So sánh kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nước như Vũ Hồng Thái, Võ Thị Như Huệ thì kết quả của chúng tôi cao hơn. Điều này có thể giải thích như sau: Bệnh ĐDTTCRCN là một bệnh mạn tính hay tái phát, do không tìm được căn nguyên gây bệnh cho nên vấn đề điều trị và tiên lượng bệnh lại càng
gặp khó khăn. Kết hợp với tâm lý của người bệnh khi chữa không khỏi thì hoang mang lo sợ, chạy chữa khắp nơi. Đặc biệt là muốn được chuyển lên tuyến cao hơn để điều trị. Viện Da liễu Quốc gia là tuyến cuối cùng khám chữa bệnh chuyên khoa. Cho nên những trường hợp khó chẩn đoán, khó điều trị ở các tuyến và các cơ sở y tế khác sẽ được chuyển đến. Vì vậy tỷ lệ bệnh nhân ĐDTTCRCN tăng cao tại Viện Da liễu Quốc gia cũng như các bệnh mạn tính khác (lupus ban đỏ, vảy nến…). Kết quả về tỷ lệ bệnh ĐDTTCRCN so với các bệnh ĐDTT của các tác giả nước ngoài như Kondo, Vanconcellous cũng thấp hơn của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng có thể ở các nước này họ có cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại để có thể thực hiện được các xét nghiệm, chẩn đoán được những nguyên nhân gây bệnh ĐDTT ở một số trường hợp. Vì vậy tỷ lệ bệnh ĐDTTCRCN giảm. Mặt khác đề tài nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trong thời gian ngắn cho nên không theo dõi được diễn biến của bệnh mà về sau có thể tìm thấy được căn nguyên ở một số trường hợp.