Hình ảnh mô bệnh học ĐDTT chưa rõ nguyên nhân đa phần là viêm không đặc hiệu. Trong đề tài nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận có đến 46/57 trường hợp là viêm da không đặc hiệu chiếm tỷ lệ 80,7% với các biểu hiện thượng bì quá sản không đều, dày sừng có thể có á sừng hay không, thâm nhiễm viêm mạn tính quanh mạch máu. Trong số đó có 19/57 bệnh nhân có xốp bào,10 bệnh nhân có hình ảnh mô bệnh học hướng đến bệnh vảy nến, chiếm tỷ lệ 17,5%.
Tuy nhiên, dựa vào hình ảnh mô bệnh học cũng chưa thể khẳng định hay loại trừ được một nguyên nhân gây bệnh nào. Bởi vì, theo các nhà nghiên cứu mô bệnh học thì bệnh ĐDTT do một số căn nguyên khác nhau nhiều khi lại tương tự nhau. Theo Botella và Estrada thì chưa xác định được mối tương quan giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh của bệnh ĐDTT, vì hình ảnh mô bệnh học của một số bệnh da có trước khi bị ĐDTT thì cũng là viêm da không đặc hiệu [17]. Cho nên, việc sinh thiết thương tổn da để chẩn đoán mô bệnh học đối với bệnh ĐDTTCRCN chỉ là xét nghiệm tham khảo một khi không thấy những hình ảnh
đặc hiệu của một bệnh da nào đó. Walsh đã đề nghị nên sinh thiết nhiều vị trí da khác nhau, nhiều lần, theo dõi trong thời gian dài kết hợp theo huyết đồ tìm tế bào Sézary. Như vậy, mới có thể phát hiện được những biến đổi của bệnh giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời [8]. Ví dụ ĐDTT do u lympho T tiến triển rất chậm đến khi bệnh lan toả thì hình ảnh mô bệnh học mới rõ ràng, mới có thể tìm thấy tế bào Sézary, các apxe của Pautrier đặc trưng cho bệnh mycosis fungoides. Quá trình tiến triển của bệnh ĐDTTCRCN cũng làm thay đổi hình ảnh mô bệnh học. Giai đoạn cấp thấy có hiện tượng xốp bào và á sừng là chủ yếu. Giai đoạn mạn thấy hình ảnh tăng gai và mào thượng bì bị kéo dài ra thấy nhiều hơn. Việc khảo sát mối tương quan giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh có lẽ giúp chúng ta có hướng chẩn đoán và xử trí tốt hơn.