Vài nét về phát triển GDTX tỉnh Cao Bằng

Một phần của tài liệu quản lý hoạt động dạy học cấp thpt ở các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh cao bằng (Trang 49 - 51)

8. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Vài nét về phát triển GDTX tỉnh Cao Bằng

- Trong những năm qua, giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng (bao gồm Trung tâm GDTX và Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở thực hiện công tác GDTX tại huyện và xã/ phường/ thị trấn) từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng

nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo và nhu cầu học tập thường xuyên và liên tục của nhân dân, đồng bào các dân tộc.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu nâng cao dân trí, cải thiện đời sống dân sinh, thực hiện dân quyền, ổn định và nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường dân cư, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có thể học tập suốt đời, hướng tới một xã hội học tập, hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên được hình thành từng bước phát triển với nhiều loại hình và linh hoạt trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ.

- Về quy mô: Hiện nay toàn tỉnh Cao Bằng có 14 Trung tâm GDTX trong đó: 01 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, 13 Trung tâm GDTX cấp huyện/ thành phố; có 100% xã, phường và thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng (199 TTHTCĐ/199 xã, phường, thị trấn).

- Về tổ chức mạng lưới: Mạng lưới cơ sở GDTX tiếp tục được duy trì, mở rộng, từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đến nay mới đầu tư được 8 TTGDTX có cơ sở vật chất độc lập (TTGDTX Tỉnh, TTGDTX Thành Phố, Trung tâm GDTX các huyện: Quảng Uyên, Hạ Lang, Trùng Khánh, Hoà An, Bảo Lâm, Phục Hoà). Trung tâm học tập cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, mới chỉ có 01 Trung tâm học tập cộng đồng (Phúc Sen - Quảng Uyên) được xây dựng trụ sở độc lập.

- Thực hiện các Chương trình Giáo dục thường xuyên: Chương trình Xoá mù chữ, Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được tổ chức đã góp phần củng cố và nâng cao thành quả Phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được (năm 1999) của toàn tỉnh; Thực hiện Chương trình GDTX cấp THCS, đối tượng huy động tham gia theo học hầu hết là phục vụ mục tiêu duy trì công tác phổ cập THCS, tỉnh Cao Bằng được công nhận phổ cập THCS năm 2008; Thực hiện chương trình GDTX Cấp THPT và chương trình đào tạo hệ vừa học vừa làm cho học viên các cấp Trung cấp chuyên nghiệp, Đại học - Cao đẳng được thực hiện thông qua sự phối hợp và liên kết với các Trường Đại học - Cao Đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước, với các hình thức đa dạng, ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Như vậy, giáo dục không chính quy đang từng bước gắn với yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân, đồng bào các dân tộc, với các hình thức linh hoạt phù hợp với từng đối tượng của địa phương.

Một phần của tài liệu quản lý hoạt động dạy học cấp thpt ở các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh cao bằng (Trang 49 - 51)