2.3.1. Nếp sống trong Chuyện cũ Hà Nội
Trong Chuyện cũ Hà Nội, tác giả đã giành rất nhiều trang viết để ghi lại những nếp sống đẹp của người Hà Nội xưa. Có cả những nếp sống cũ và những nếp sống mới - lạ thời đó, mà giờ đây, trong xã hội hiện đại này, có phần nào đã bị coi nhẹ hoặc không còn.
Đầu tiên phải kể đến nếp sống đã ăn sâu vào tâm hồn của người Việt Nam, đó là luôn hướng về nguồn cội. Dù có đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người đều hướng về nguồn gốc của mình. Hàng năm đến ngày lễ tết dù phải chạy tết đến “bở hơi tai” nhưng những người dân nghèo vẫn chuẩn bị cho ngày tết thật tươm tất cho người sống và cho tổ tiên ông bà. Nhà nào có của nả một chút thì có miếng thịt lợn, cái chân giò, con gà để cúng tổ tiên. Nhà nào thanh bạch thì có đĩa xôi, nải chuối. Nhà túng bấn, kiệt cùng cũng phải có thẻ hương, bát nước cúng đặt lên bàn thờ. Cốt là có tấm lòng ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mình. Đây là nếp sống đã ăn sâu hàng ngàn đời nay của con người Việt Nam, nét đẹp ấy đến nay vẫn được lưu truyền và giữ gìn.
Nói đến nếp sống của người Hà Nội xưa là còn nói đến nếp sống thanh lịch. Đó là sự tinh tế, lịch sự trong cách ứng xử, giao tiếp, là cách xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Sự thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua từng lời nói, lời chào thân thiện. Trong Lời chào cao hơn mâm cỗ, tác giả đã ghi lại những lời chào của người Hà Nội xưa và nay.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
55
Người Hà Nội xưa quan niệm “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Ở trong nhà, người nhỏ tuổi phải đi gửi về thưa với người lớn, về đến nhà hay ra khỏi nhà đều phải chào hỏi. Từ khi trẻ vừa bập bẹ tập nói đã được dạy những điều này. Khi trẻ lớn hơn một chút, nếu sơ xuất không chào thì được người lớn nhắc nhở. Khi ra đường ở phố hay trong làng, họ hàng láng giềng hay những người quen biết khi gặp đều chào hỏi nhau, tác giả viết: “Ngoài đường, trong làng hay trong phố cũng thế, nhất là ở trong làng, họ hàng, láng giềng và quen biết rộng, khi gặp đều chào hỏi nhau. Với các cụ ông, cụ bà, các vị cao tuổi thì không kể họ hàng láng giềng, miễn là biết mặt, biết tiếng, đều lễ phép chào hỏi. Đương đi nhanh, bước chậm lại, dừng lại, chắp tay (trẻ con, học sinh thì khoanh tay) cất tiếng chào. Như vậy, là đứng đắn, là ngoan mà mau mồm mau miệng.” [12, 146-147].
Nay nếp sống thanh lịch này đã có phần nào chểnh mảng và bị coi nhẹ. Người ta ra đường không cần chào hỏi. Bản thân tác giả là người trực tiếp chứng kiến sự thay đổi này: “Những chuyện về chào hỏi trên kia xem ra ngày trước giữ gìn được, nếu người trong nhà chểnh mảng thì nhắc nhở. Bây giờ chểnh mảng nhiều. Tôi đi vào trong ngõ nhà tôi, các cháu gặp, chẳng mấy cháu nhớ chào tôi. Có cháu đi không tránh, cứ đâm thẳng vào chân, vào vai tôi rồi nó tỉnh bơ, cười trừ”[12, 147]
Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa còn được thể hiện ở trang phục. Người Hà Nội rất chú ý đến cách ăn mặc. Trải qua hàng nghìn năm, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch.
Nếu là người giàu có, họ rất coi trọng việc chọn lựa chất liệu của quần áo. Chất liệu may áo được ưa chuộng thời xưa là the, mà phải là the dệt bằng tơ tằm, dệt thưa và được nhuộm thâm. Chất liệu may quần của nữ là lĩnh làng Bưởi , sợi mịn, mặt bóng. Quần của nam giới là lụa trắng làng Cổ Đô. Ngoài ra, một số chất liệu vải
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
56
cao cấp cũng hay được dùng như: sa, xuyến, băng, là, xồi, đũi, nhiễu.... Đấy đều là sản phẩm của các làng nghề ở Hà Nội
Còn thị dân các phố nghề, người buôn bán, người lao động thì ưa quần áo màu thâm, trắng và nâu. Quần áo nhuộm bằng củ nâu vừa bền màu vừa bền sợi. Thiếu nữ mới lớn thích nhuộm màu nâu non để tôn thêm vẻ đẹp của nước da trắng ngần. Các ông bà thì thích nhuộm màu tiết dê...
Đáng chú ý nhất trong trang phục phụ nữ là những tà áo dài. Áo dài có từ bao giờ cũng khó xác định, có thể đã hơn trăm năm và ngày nay trở thành trang phục đẹp nhất, tiêu biểu cho cách ăn mặc đậm đà tính dân tộc người phụ nữ Việt. Tại nhiều hoạt động đối ngoại của đất nước, áo dài trở thành lễ phục không thể thiếu được. Trong Chiếc áo dài, nhà văn Tô Hoài cũng chỉ ra sự khác biệt trong trang phục của chiếc áo dài hồi đầu thế kỉ XX: “Xưa kia, áo dài của giới nữ, áo dài trong làng không như cái áo dài hàng phố, nơi phồn hoa đô hội ganh đua, nơi chuộng ăn chắc mặc bền, và áo của người giàu có, sang trọng không mảy may, đơn giản như áo của người nghèo khó. Kiểu cách và màu sắc, cái áo ở tuổi con gái khác tuổi nạ dòng, khác tuổi già...”[12, 343]. Nét đẹp của con gái Hà Thành còn được thể hiện ở những kiểu áo dài khác nhau theo từng thời kì. Đầu tiên có thể kể đến chiếc áo tứ thân và váy chồi. “Các cô trong làng, lớn lên mặc áo tứ thân và váy chồi - về sau mặc quần, còn cái váy thì dần dần biến mất. Có nhà khá giả, con gái tóc trên đầu còn để trái đào đã mặc áo tứ thân, thắt lưng con cón” [12, 343]. Sở dĩ được gọi là áo tứ thân là vì đằng trước có hai vạt dài, một vạt con và vạt lưng áo. Tất cả gồm có bốn mảnh. Bên trong áo tứ thân lại có thêm hai dải yếm đeo trên cổ, trên ngực và hai dải yếm này tỏa dài xuống. Bên ngoài được trang trí bằng một cái thắt lưng, có dải yếm và cái thắt lưng để giữ cho tấm áo đứng thân. Sau này, theo hướng thành thị, chiếc áo tứ thân được bỏ bớt thắt lưng hay yếm và thay vào đó là chiếc áo dài chiết tà, bỏ ống tay, xiết lưng, bó thon lại, rồi đóng khuy và thêm một cái khuy bấm ở nách. Bên cạnh áo tứ thân còn có áo dài
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
57
đổi vai. Đây là một loại áo the được mặc để đi chợ. Vì vất vả gồng gánh nên vai áo nhanh bạc màu, nhanh rách nên từ nửa lưng lên đến vai được thay bằng một màu vải khác (thế nên gọi là đổi vai). Hai miếng đổi vai này được khâu đều nhau. Có người điệu đà một chút thì khâu so le nhau. Về sau, áo dài được cải tiến theo hướng thành thị: áo tứ thân giờ chỉ còn hai tà áo dài quá gối một chút, lưng lượn bó, bỏ vạt con, bỏ cái lá sen quanh cổ thay vào đó là cổ cao hơn một phân, làm thêm một cái khuy bấm sát nách, chặt chẽ cổ tay. Đây là dáng áo Cát Tường đã mốt một thời và bóng dáng của nó đến nay vẫn còn. Như vậy nét thanh lịch trong cách ăn mặc của người Hà thành xưa luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị. Mỗi người ăn vận đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Đến nay trang phục áo dài của thanh nữ Hà Nội vẫn là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.
Nếp sống của người Hà Nội xưa còn thể hiện trong cách ăn. Truyện ngắn Ăn
cơm ăn cỗ cho chúng ta biết về nếp ăn uống của người Hà Nội. Thời xưa các nhà chú
trọng quy củ, cách thức bày biện thức ăn và chỗ ngồi ăn:”Bát nước chấm đặt giữa. Không để bát cà, bát dưa, những thức ăn kém giá trị trước mặt người cao tuổi, người trên. Hai bát canh không đặt liền nhau”. Khi ăn không được nhai tóp tép, không vừa nhai vừa nói chuyện, không gõ đũa cả, đũa con canh cách, không cắm đũa vào giữa bát cơm mới xới - như những bát cơm cúng đám ma, không vét nồi cơm cồn cột, không cầm thìa húp canh... Khi ngồi ăn cơm, không ai bảo ai nhưng vị trí ngồi dường như ai cũng nhớ: ông bà, cha mẹ ngồi trên; anh em, chị em ngồi giữa lẫn với trẻ con; vợ chồng ý tứ không ngồi gần nhau; con dâu, con gái thì ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Khi đưa cơm cho người trên phải đưa hai tay, trước khi ăn cơm phải mời người lớn, sau khi ăn xong bát phải sạch và để ngang đũa lên bát rồi phép cơm... Những phép tắc này đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt nhưng đến nay đã có phần nào bị giảm nhẹ: có những người hình thức rườm rà hơn thành ra thủ tục khoe của; có người thì vênh vang ta giàu có; mâm cơm rất sang trọng nhưng người già, người trẻ ngồi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
58
chung, miễn sao một mâm có đủ sáu người là được; người ngồi ăn cơm vừa nhai vừa nói chuyện rôm rả...
Những đặc trưng về nếp sống ấy của người Hà Nội, trải qua những thăng trầm biến thiên của lịch sử, giờ đây có những đặc trưng đã trở thành giá trị văn hóa truyền thống và là những tinh hoa của người Việt. Tuy nhiên
đến nay nếp sống hiện đại đã có nhiều tác động đến đời sống của con người, họ đã phần nào bị “Tây hóa” theo nền văn hóa của nước ngoài mà có phần sao nhãng nếp sống của dân tộc mình.
2.3.2. Phong tục trong Chuyện cũ Hà Nội
Trong cuộc sống xã hội, phong tục có vị trí rất quan trọng bởi lẽ nó biểu hiện nếp sống văn hóa của một dân tộc. Nói như nhà thơ A.Puskin. “Phong tục là linh hồn của một quốc gia”. Rất nhiều nhà văn đã viết về phong tục nhưng mỗi người một vẻ không ai giống ai. Kim Lân chủ yếu viết về phong tục văn hóa ở các làng quê, trong đó thế mạnh của nhà văn này là viết về những thú chơi đẹp như thú chơi chim ( Đôi chim thành, Con mã mái)...
Bên cạnh đó, Kim Lân cũng đề cập đến những nét sinh hoạt văn hóa khác như đấu võ, đánh vật... của người nông thôn. Trong lời giới thiệu tuyển tập Kim Lân, nhà thơ Lữ Huy Nguyên đã từng đánh giá. “Người đã thành công trong
một loạt truyện về thú chơi, đặc biệt nổi tiếng với các truyện viết về phong tục làng quê.”[20, 52].
Tô Hoài cũng phản ánh phong tục thông qua tác phẩm của mình. Khác với Kim Lân, người có thế mạnh viết về phong tục của thú chơi, nhà văn Tô Hoài viết về Hà Nội xưa với nhiều phong tục tập quán khác nhau. Những phong tục ấy làm cho bức tranh về đời sống con người thêm phần sống động, độc đáo. Đúng như nhận xét của GS Phong Lê về mảng đề tài Phong tục của Tô Hoài :”Dấu ấn về phong tục vẫn là nét nổi trội trong văn Tô Hoài khiến cho hứng thú đọc truyện của chúng ta luôn được tác
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
59
giả dẫn dắt đi vào nhiều ngõ ngách bất ngờ. Đó là cảnh làng vào hội xuân, đám cưới và đám ma, một cuộc lên đồng, dăm cuộc tỏ tình của trai gái...”[23, 27]. Chỉ với những mẩu chuyện không dài trong Chuyện cũ Hà Nội, tác giả đã dựng lên diện mạo Hà Nội từ phương diện văn hoá với vẻ đẹp của phong tục tập quán, lễ hội, văn học dân gian, với một sức mạnh tinh thần bền vững.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy số lượng tác phẩm viết về phong tục trong
Chuyện cũ Hà Nội là 21 truyện trong tổng số 114 truyện, chiếm 18,4%. Trong
21 truyện đó, Tô Hoài đã ghi chép lại rất nhiều phong tục truyền thống của dân tộc như phong tục về giỗ tết, phong tục về ma chay, phong tục cưới hỏi, phong tục lễ hội, phong tục về ăn uống, văn hóa mặc, tục nhuộm răng hay ngay cả phong tục chào hỏi của người Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến phong tục lễ tết của người Việt. Dân tộc ta có nhiều ngày tết: tết Thượng nguyên, tết Trung nguyên, Hạ nguyên, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung thu... Truyện ngắn Giỗ tết đã nói một cách đầy đủ, tỉ mỉ và chi tiết về những ngày tết này.
Tết nguyên đán trong tháng Giêng ( ngày đầu năm) là ngày tết quan trọng của người Việt. “Tống cựu nghênh tân” là một phong tục đẹp trong dịp tết nguyên đán. Để đón giao thừa, đón năm mới, ngày cuối năm nhà nào cũng dọn bàn thờ, quét dọn nhà cửa, tắm giặt, cắt tóc... Con cháu được nhắc nhở từ phút giao thừa trở đi phải ngoan ngoãn, không quấy khóc, cha mẹ không được mắng mỏ con cái vì nếu như vậy sẽ bị “giông” cả năm. Tết nguyên đán có 3 ngày, từ mùng một đến mùng ba. Sáng mùng bốn các nhà hạ cỗ gọi là “hóa
vàng, đốt vàng để các cụ có tiền tàu xe về cõi âm” [12, 87]. Mùng bảy là lễ hạ nêu và động thổ. Lúc này nhà nào nhà nấy cất đi cành tre chùm khánh đất trong mấy ngày tết, sau đó vác cuốc ra đồng, cuốc quàng vào bờ lấy ngày gọi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
60
là “động thổ”. Cũng có nhà không ra đồng mà họ đi chợ, hay đá vào khung dệt một tấc cửi để lấy may ngày đầu năm.
Bên cạnh tết nguyên đán còn có nhiều têt khác. Tháng giêng có tết đi tảo mộ. Khi đi đem theo thẻ hương để thắp, cái cuốc để xới cỏ, tảng đá, mười hòn gạch để khi đắp mộ thì đặt thêm vào cho khỏi trôi đất... Tháng giêng cũng có ngày cúng Phật sinh. Ngày này mặc dù có nhà không theo Phật, không đi chùa nhưng các nhà thường có một lễ nhỏ để tạ thần linh vì người ta quan niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Ngày mùng ba tháng ba là ngày tết thanh minh. Mùng năm tháng năm vào giữa mùa hè là tết giết sâu bọ cầu cho quanh năm được khỏe mạnh. Trong ngày tết này người ta phải làm rất nhiều thủ tục. Vào buổi sáng sớm trẻ con thường tắm sông, đeo bùa, vạch vôi vào rốn để trừ giun quẫy; uống nước dừa, ăn các loại quả có vào lúc bấy giờ, ăn rượu nếp cái; có nơi thì nhuộm móng tay, móng chân cho có màu hồng, màu đỏ. Vào giữa trưa thì ra ngắt lá ở các bờ rào như lá ổi, lá sung, là vối...đem về phơi khô và để dành uống quanh năm... Tháng bảy có ngày rằm là tết “xá tội vong nhân”. Rằm tháng tám là tết Trung Thu: trẻ con người lớn đều vui vẻ đón tết và đi rước đèn ông sao, xem đánh trống và múa sư tử, cùng nhau ngắm trăng và phá cỗ. Mùng chín tháng chín là tết Trùng Cửu. Mùng mười tháng mươi là tết cơm mới( là tết rất quan trọng với nhà nông và các nhà làm nghề). Tết mùng một hoặc rằm tháng mười gọi là tết Hạ nguyên, cũng vẫn là tết mừng cơm mới để mừng mùa màng được bội thu. Tháng mười hai hay còn gọi là tháng chạp có rất nhiều ngày sửa soạn để đón một năm mới: ngày hai mươi ba là ngày tiễn ông công, ông táo về chầu trời để tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn dưới trần, ngày hai mươi nhăm là lễ sắp ấn... Tất cả những ngày tết trong năm ấy thể hiện một phong tục đẹp của người Việt.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
61
Bên cạnh phong tục lễ tết là phong tục giỗ chạp. Cúng giỗ không phải