Hóa chất và phân bón

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 26 - 29)

1. Apatit

Quặng Apatit ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Lào Cai (ảnh 3.18), có nguồn gốc trầm tích-biến chất. Quặng phân bố dọc bờ phải

sông Hồng từ biên giới Việt-Trung ở phía bắc đến vùng Làng Lếch (Văn Bàn) ở phía ĐN, tạo thành dải kéo dài trên 100 km, rộng trung bình 1 km, chỗ rộng nhất 3 km. Bể apatit Lào Cai được chia thành 3 khu: 1) Lũng Pô-Bát Xát, 2) Bát Xát-Ngòi Bo, và 3) Ngòi Bo-Bảo Hà, gồm các thành tạo lục nguyên-carbonat chứa phosphat biến chất thành apatit thuộc điệp Kốc San do A.F. Kalmưcov xác lập năm 1959 khi nghiên cứu, thăm dò vùng tụ khoáng apatit Lào Cai. Trong các văn liệu địa chất hiện nay chúng còn có tên gọi là hệ tầng Cam Đường tuổi Cambri sớm, dày 600-800 m. Điệp Kốc San, sau này gọi là Hệ tầng Kốc San được phân chia thành 8 tầng đá chuyển tiếp từ dưới lên, được theo dõi, phân chia đầy đủ ở khu Trung tâm của vùng tụ khoáng, trong đó các tầng KS4, KS5, KS6 và KS7 chứa quặng apatit.

Ảnh 3.14. Khai thác apatit ở vùng mỏ Lào Cai.

Quặng apatit Lào Cai được phân thành 4 loại, trong đó các loại I và III là quặng phong hóa mềm xốp; các loại II và IV là quặng apatit carbonat nguyên sinh (Hình 3.17).

Quặng loại I thuộc phần phong hóa của vỉa apatit tập KS5 nằm trên mực nước dưới đất, có độ xốp cao; hàm lượng trung bình P2O5: 34-36 %. Quặng loại II là loại apatit carbonat chưa phong hóa của tập KS5 nằm trực tiếp dưới quặng loại I; hàm lượng trung bình P2O5: 23-24 %. Quặng loại III nằm trong đới phong hóa như quặng loại I, song hàm lượng apatit nghèo, thuộc tập KS4, còn được gọi là quặng thạch anh-apatit; hàm lượng trung bình P2O5: 15-17 %. Quặng loại IV là phần quặng nghèo nằm trong tập KS6, KS7; hàm lượng trung bình P2O5: 11-12 %.

Quặng apatit loại I, Lào Cai. Cấu tạo dạng dải. Thân quặng số 5. Hàm lượng P205 : 28-38%.

Ảnh Nguyễn Quang Luật.

Quặng apatit loại II, Lào Cai. Cấu tạo dạng dải.Thân quặng số 5. Hàm lượng P205 : 18- 28%. Ảnh Nguyễn Quang Luật.

Kết quả thăm dò đã xác định tổng tài nguyên đến độ sâu 100 m từ mặt đất là 2,5 tỷ tấn. Trữ lượng và tài nguyên chắc chắn 111+211+121+212 là 900 triệu tấn [Trần Văn Trị và nnk, 2000].

Hình 3.17. Mặt cắt địa chát tuyến 14 mỏ apatit Phú Nhuận

2. Barit

Cho đến nay trên 50 tụ khoáng, điểm quặng barit đã được ghi nhận, trong đo 15 tụ khoáng đã được điều tra, đánh giá thăm dò, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Quặng có nguồn gốc nhiệt dịch được chia làm 3 kiểu: barit-thạch anh, barit-đất hiếm và barit-sulfur.

Barit-thạch anh (barit dạng mạch thấu kính): Ở nước ta, đây là loại hình quặng có triển vọng nhất, phân bố ở nhiều nơi, có cấu trúc địa chất khác nhau. Các thân quặng thường có dạng mạch xuyên cắt các tập cát kết, đá phiến tuổi Mesozoi và đá phiến sericit, quarzit tuổi Paleozoi sớm. Gần đây, phát hiện mới điểm barit thạch anh trong các trầm tích biến chất tuổi Proterozoi ở Ngọc Quan, Đoan Hùng, Phú Thọ đã mở ra tiền đề tìm kiếm loại khoáng sản này ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Trong thân quặng, barit chiếm khoảng 80-85 %, thạch anh – 15-20 % và một khối lượng không đáng kể khoáng vật sulfur như galen, cinnabar, chalcopyrit.

Barit loại hình này khá phổ biến, chiếm khoảng 4/5 các vùng triển vọng và các tụ khoáng đã được tìm kiếm thăm dò. Các tụ khoáng đặc trưng cho loại hình này đã được thăm dò, đánh giá như Làng Cao, Nà Ke, Sông Đáy ở Đông Bắc Bộ, Sơn Thành ở Nghệ An, Ngọc Quan ở Phú Thọ.

- Tụ khoáng barit Làng Cao thuộc thôn Nguyên (Tân Yên, Bắc Giang). Quặng barit ở đây có dạng mạch xuyên cắt các lớp bột kết, cát kết màu đỏ của hệ tầng Mẫu Sơn Trias thượng. Các mạch dạng thấu kính dài 150-300 m, ở phần trung tâm dày 4 m. Các thân quặng khác đều nhỏ và biến đổi mạnh, dày 0,5-1,5 m. Hàm lượng quặng ổn định (BaSO4: 85 %, Fe2O3 <7 %, SiO2 ~ 14,2 %).

Tụ khoáng Làng Cao đã được thăm dò đánh giá trữ lượng chắc chắn khoảng 320.000 tấn, trữ lượng dự báo khoảng 1,3 triệu tấn [Trần Văn Trị và nnk, 2000].

Barit-đất hiếm: Loại hình này chỉ gặp ở Tây Bắc Bộ. barit tổ hợp chặt chẽ với đất hiếm. Đã phát hiện 6 mỏ, trong đó chỉ có mỏ Nặm Xe và Đông Pao có trữ lượng barit đáng kể. Thành phần rất phức tạp, gồm các khoáng vật bastnaesit, magnetit, uranopyrochlorit, pyrit, galenit, apatit, fluorit và barit. Barit thường chiếm khoảng 30 % quặng nguyên khai.

- Tụ khoáng Đông Pao nằm ở huyện Phong Thổ (Lai Châu). Quặng ở mỏ này thuộc nhóm fluorocarbonat, với thành phần khoáng vật chủ yếu gồm bastnaesit, fluorit-barit, trong đó tỷ lệ fluorit và barit chiếm phần lớn. Hàm lượng BaSO4 của quặng thay đổi từ 6 đền 41 %. Tổng trữ lượng và tài nguyên quặng barit của mỏ khoảng 2,9 triệu tấn.

- Barit-sulfur: Loại quặng này gặp khá nhiều ở Việt Nam, mà chủ yếu là barit-chì-kẽm. Loại hình này chưa được nghiên cứu điều tra nhiều.

Mỏ Húc thuộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), phân bố trong vùng đá vôi tái kết tinh xám đen, xám sáng, phân lớp mỏng, xen quarzit sericit, đá phiến sericit-thạch anh tuổi Đevon. Đá vôi bị hoa hóa, đolomit hóa, chlorit hóa. Đã xác định dược 5 thân quặng có chiều dài 100-200 m. Quặng dạng mạch, vỉa dầy 0,6-4 m. Thành phần khoáng vật chủ yếu gồm barit, galenit, chalcopyrit. Hàm lượng BaSO4 trung bình trên 40 %. Hàm lượng các nguyên tố khác trong quặng (%): Pb = 5,29; Sr = 1-3; Zn = 0,08; Sb = 0,24; Cu = 0,06 và Sn = 0,03.

Tài nguyên dự báo (cấp 333+334) của tụ khoáng khoảng 360 ngàn tấn. Tổng trữ lượng chắc chắn và tin cậy khoảng 7,8 triệu tấn, tài nguyên khoảng trên 20 triệu tấn [Đinh Thành, 1995].

3. Fluorit

Quặng fluorit ở Việt Nam được phát hiện phần lớn là các tụ khoáng có nguồn gốc nhiệt dịch, trong đó 5 tụ khoáng đã được đánh giá thăm dò đánh giá trữ lượng và tài nguyên. Trên cơ sở các tài liệu hiện có, có thể chia ra 3 kiểu quặng fluorit gồm:

Fluorit-barit-đất hiếm: liên quan đến các đá xâm nhập kiềm phức hệ Pu Sam Cáp tuổi Paleogen. Tụ khoáng Đông Pao thuộc huyện Phong Thổ (Lai Châu) được coi là điển hình của kiểu tụ khoáng này. Tụ khoáng có 15 thân quặng đất hiếm chứa đáng kể fluorit. Thành phần khoáng vật chủ yếu là barit, fluorit, đất hiếm, trong đó fluorit thay đổi từ vài đến 95 %. Quặng chủ yếu dạng khối, hạt nhỏ. Đơn khoáng fluorit có thành phần hoá học (%): CaF2=98,69; SrO=1,45; La2O3=0,0356; Ce2O3=0,01; Nb2O5 rất ít. Tụ khoáng Đông Pao có tiềm năng fluorit lớn nhất Việt Nam. Trữ lượng tin cậy (122+222+332) hơn 900 ngàn tấn, tài nguyên dự báo hơn 6 triệu tấn CaF2 [Bùi Tất Hợp và nnk., 2007].

Fluorit-thạch anh: Các tụ khoáng kiểu này có mối liên quan với các xâm nhập granit. Tụ khoáng Xuân Lãnh thuộc huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nằm trong granitoid Trias phức hệ Vân Canh. Các thân quặng dạng mạch dài vài mét đến 180 m, dày 0,9 m. Quặng cấu tạo khối đặc sít, rắn chắc. Fluorit màu xanh lá cây nhạt thường đi với thạch anh, felspat. Hàm lượng CaF2 thay đổi lớn từ vài đến 85 %. Trữ lượng tin cậy (122+222+332) khoảng 170 ngàn tấn, tài nguyên dự tính 107 ngàn tấn [Trần Văn Trị và nnk, 2000].

Fluorit trong đá carbonat: Kiểu quặng này gặp ở tụ khoáng Bình Đường thuộc xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Có 3 thân quặng phân bố trong đới dập vỡ tiếp xúc giữa đá hoa của hệ tầng Mia Lé tuổi Đevon sớm với granit phức hệ Pia Oắc tuổi Creta, trong đó 2 thân có giá trị. Quặng dạng ổ, mạch, bị phong hoá vỡ vụn. Tụ khoáng đã bị khai thác cạn kiệt.

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(64 trang)
w