Nguyên liệu kỹ thuật

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 37 - 39)

1. Graphit

Graphit ở Việt Nam có tiềm năng không lớn. Hiện đã có 10 tụ khoáng được đánh giá và thăm dò, xác định trữ lượng đạt 16,56 triệu tấn, tài nguyên dự tính: 5,833 triệu tấn.

Graphit nguồn gốc trầm tích-biến chất: Quặng hoá liên quan chặt chẽ với các dá gneis biotit, đá phiến thạch anh-mica, đá phiến graphit-sillimanit-felspat, … tuổi Proterozoi, nằm trong đới biến chất Sông Hồng và ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các thân quặng thường có dạng vỉa, thấu kính, chuỗi thấu kính, ổ, ngọn lửa… dày vài centimét đến 30 m, dài vài mét đến 4 km. Hàm lượng graphit đạt từ 2 đến 60 %. Graphit có 2 dạng: vảy và đặc sít. Dạng vảy thường có kích thước 0,1-5 mm × 0,1-0,8 mm, xâm tán hoặc tạo thành lớp; loại đặc sít (ẩn tinh) xen kẽ thành ổ, lớp mỏng hoặc là xi măng trong đá. Có 2 tụ khoáng đặc trưng là Nặm Thi và Hưng Nhượng.

- Tụ khoáng graphit Nặm Thi thuộc huyện Bảo Thắng (Lào Cai) gồm 3 khu Nặm Thi, Nặm Cậy và Làng Ối. Quặng phân bố trong các đá biến chất loạt Sông Hồng (PR), gồm 8 thân quặng dạng vỉa, dạng thấu kính, trong đó 2 vỉa lớn kéo dài 3500 m, dày 0,8-31,7 m, nằm ở độ sâu 500 m; hàm lượng C trung bình: 12,45 %, độ tro A: 17,43 %, chất bốc V: 5,5 %. Các vỉa còn lại dài 90-1150 m; hàm lượng C: 2-8 %. Trong điều kiện khai thác lộ thiên, có thể thu hồi quặng tinh đạt hàm lượng 80-95 % C; từ quặng nguyên khai: 2-2,5 % C. Trữ lượng và tài nguyên tụ khoáng Nặm Thi tính được gần 13 triệu tấn cấp 111+121+122+333.

- Tụ khoáng graphit Hưng Nhượng thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nằm trong đá phiến sillimanit-granat Proterozoi, có chiều dài 12 km, rộng 7,5 km, gồm 10 chùm thân quặng, trong đó 6 thân đã được khảo sát, đánh giá tài nguyên tin cậy 222 là 690.000 tấn và tổng tài nguyên dự báo khoảng 4,376 triệu tấn graphit. Quặng gồm 2 loại: loại đặc sít có hàm lượng C: 38,47 %; kích thước vảy graphit: 50-300 mm; loại xâm tán có hàm lượng C: 6,54 % chưa qua tuyển nổi.

Graphit nguồn gốc biến chất trao đổi: Kiểu quặng này gặp ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Nam. Quặng tạo thành ổ, thấu kính nhỏ hình dạng phức tạp trong đới vò nhàu, dăm kết hoặc rìa tiếp xúc giữa xâm nhập gabbro, gabbro diabas với trầm tích Paleozoi. Hàm lượng graphit trong quặng từ 0 đến 20 %. Quy mô nhỏ, chất lượng thấp.

2. Talc

Các tụ khoáng talc được phát hiện ở một số nơi, nhưng tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ với quy mô nhỏ. Đã ghi nhận được 16 tụ khoáng và điểm quặng, trong đó 4 tụ khoáng đã được thăm dò, xác định trữ lượng cấp 121+122+333 là 246 ngàn tấn. Có hai loại hình quặng gồm:

Talc trong dolomit giàu carbonat bị biến đổi nhiệt dịch: Loại hình này chủ yếu phát triển trong các thành tạo Paleozoi giàu carbonat bị dolomit hóa nhiệt dịch. Talc có chất lượng cao, nhưng quy mô nhỏ. Các tụ khoáng đã biết gồm Tà Phù, Ngọc Lập, Chí Cao, đã được thăm dò tính trữ lượng. Tổng trữ lượng của 3 tụ khoáng chỉ đạt 300 ngàn tấn.

Các thân quặng phân bố trong dolomit có hình dạng phức tạp, dạng ổ, thấu kính, bướu v.v …Chiều dài từ vài mét đến trên 100 m, bề dày đến 20 m. Chiều sâu tối đa tới gần 30 m. Thành phần hóa học của talc (%): MgO=24,71-39,05; CaO=0,2-2,37; Fe2O3=0,12-12,75; SiO2=35,86-64,2.

Talc trong các thân xâm nhập siêu mafic và mafic bị biến đổi nhiệt dịch: Loại hình này phát triển dọc đới khâu Sông Mã. Các đá xâm nhập siêu mafic và mafic trải qua quá trình biến đổi nhiệt dịch tạo nên quặng talc. Các thân quặng dạng ổ, thấu kính, bướu … Chiều dài từ vài mét đến gần 1000 m; rộng vài centimét tới 100 m. Talc dạng vảy nhỏ, sợi biến tinh. Thành phần hóa học của talc (%): MgO=37,75; Fe2O3=5,5; CaO=0,8; Al2O3=1,75.

3. Asbest

Asbest liên quan chặt chẽ với các khối xâm nhập mafic, siêu mafic, tạo thành mạch trong khe nứt liên quan đến quá trình serpentin hóa.

Đã phát hiện 24 tụ khoáng và điểm quặng asbest phân bố ở các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam. Các tụ khoáng có quy mô nhỏ. Tài nguyên và trữ lượng cấp 122+333 của 4 tụ khoáng đã được thăm dò chỉ đạt 77 ngàn tấn.

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(64 trang)
w