Các bể than

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 45 - 51)

Trên cơ sở các tài liệu hiện có, các nhà nghiên cứu than Việt Nam đã phân chia và khoanh định 10 khu vực chứa than (Hình 3.18) gồm các bể và dải than sau:

Hình 3.18. Sơ đồ vị trí các bể than ở Việt Nam

Bể than Quảng Ninh

Bể than Quảng Ninh có dạng cung, kéo dài trên 250 km từ Linh Đức ở rìa tây dãy Tam Đảo (Tuyên Quang) qua Đông Triều đến Hòn Gai, Cẩm Phả, Kế Bào (Quảng Ninh), được lấp đầy bởi các trầm tích chứa than thuộc hệ tầng Hòn Gai tuổi Nori-Ret. Cấu trúc-kiến tạo của bể than rất phức tạp, gồm hai địa hào là Bảo Đài ở phía bắc và Hòn Gai ở phía nam, có nhiều nếp uốn và đứt gãy (hình 3.19).

Các vỉa than ở bể than Quảng Ninh có nhiều hình dạng, từ dạng lớp, dạng vỉa đơn giản, tương đối ổn định, đến dạng vỉa phức tạp, dạng thấu kính, đặc biệt có dạng vỉa phân nhánh đuôi ngựa rất phức tạp như vỉa Dày và vỉa G ở Lộ Trí (hình 3.20).

Theo thống kê ở 35 tụ khoáng than, 568 vỉa than được khảo sát có 3,3 % vỉa dạng thấu kính; 64,4 % vỉa dạng rất phức tạp-không ổn định chiều dày; 25,9 % vỉa dạng phức tạp-tương đối ổn định chiều dày; và 6,4 % vỉa dạng đơn giản-ổn định chiều dày.

Dự báo tài nguyên than được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ bản sau: Độ tro tối đa của mẫu đơn và độ tro kể cả độ làm bẩn của vỉa than (Akmax) ≤ 45 %. Bề dày tối thiểu của vỉa than kể cả các lớp kẹp (có bề dày ≤ 50 % tổng bề dày các lớp than) ≥ 0,4 m. Độ sâu dự báo tài nguyên đến -1500 m. Độ sâu tính trữ lượng tối đa đến -400 m.

Hình 3.19. Sơ đồ phân khối cấu trúc bể than Quảng Ninh

Chỉ dẫn: 1) Địa hào Bảo Đài; 2) Địa hào Hòn Gai; 3) Đứt gãy phân khối kiến trúc.

(Nguồn: Trần Văn Trivà nnk, Tài nguyên địa chất Việt Nam 2010)

Tổng trữ lượng và tài nguyên các cấp 111+121+122+333 (tương ứng cấp A+B+C1+C2): 4,1 tỷ tấn. Tổng tài nguyên dự báo ở bể than Quảng Ninh: 10,5 tỷ tấn [Trần Văn Tri và nnk, 2005]

Ảnh 3.18.Khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh.

Ảnh TKV

Ảnh 3.19. Khai thác than hầm lò ở Quảng Ninh.

Hình 3.20. Than dạng vỉa phân nhánh đuôi ngựa rất phức tạp ở tụ khoáng Lộ Trí (vỉa Dày và vỉa G)

(Nguồn: Trần Văn Tri và nnk, Tài nguyên địa chất Việt am 2010)

Bể than Thái Nguyên-An Châu

Bể than Thái Nguyên-An Châu kéo dài khoảng 150 km theo phương ĐB-TN, phân bố trong các trầm tích lục nguyên – carbonat hệ tầng Văn Lãng tuổi Nori-Ret, có bề 200-600 m, trung bình 300 m. Số lượng vỉa than nhiều nhất lên đến 10 vỉa, trong đó số vỉa đạt chiều dày công nghiệp là 5 vỉa. Bể than thái Nguyên-An Châu tồn tại hai loại than: antracit và bitum

Trữ lượng và tài nguyên:

Than bitum có tổng trữ lượng và tài nguyên các cấp 111+121+122+333 (A+B+C1+C2): khoảng 5 triệu tấn (2006); tài nguyên (334): 7 triệu tấn.

Than anthracit có tổng trữ lượng các cấp 111+121+122+333 (A+B+C1+C2): 85 triệu tấn (2006); tài nguyên (334): 70 triệu tấn.

Bể than Sông Đà

Bể Sông Đà thuộc miền Tây Bắc Bộ, phân bố trong các trầm tích kiểu paralic được xếp vào các hệ tầng Yên Duyệt tuổi Permi muộn, Suối Bàng tuổi Trias muộn, bậc Nori-Ret và trầm tích kiểu limnic được xếp vào hệ tầng Hang Mon tuổi Oligocen-Miocen giữa. Trong bể than Sông Đà có mắt 3 loại than: antracit (biến chất cao); bitum (biến chất trung bình) và lignit (biến chất thấp).

Tổng bề dày than toàn vỉa từ 1,97 đến 2,60 m. Số lượng các vỉa than từ 2 đến 27 vỉa, trong đó, số vỉa đạt bề dày công nghiệp từ 2 đến 12 vỉa. Số lượng các vỉa than lignit từ 3 đến 5 vỉa.

Tài nguyên, trữ lượng: Than lignit-á bitum có tổng trữ lượng cấp 122+333 (C1+C2) gần 2 triệu tấn. Than bitum có tổng trữ lượng các cấp 121+122+333 (B+C1+C2) hơn 8 triệu tấn, tài nguyên (334): 63 triệu tấn. Than anthracit có tổng trữ lượng các cấp 122+333 (C1+C2): 1,3 triêu tấn, tài nguyên 334 (P1+P2): 2 triệu tấn.

Bể than Sông Hồng

Bể than Sông Hồng trong phần đất liền thuộc miền võng Hà Nội và kéo dài ra vịnh Bắc Bộ, gồm các trầm tích Đệ tam tướng sông, hồ và đầm lầy ven biển.

Ở phần đất liền, các vỉa than thuộc bể than Sông Hồng tập trung chủ yếu trong hệ tầng Tiên Hưng tuổi Miocen muộn; ngoài ra, còn gặp một vài vỉa than mỏng trong hệ tầng Phù Cừ tuổi Miocen giữa.

Ở phần thềm lục địa của bể than, đến năm 2007 đã có 16 lỗ khoan thăm dò dầu khí, trong đó ở nhiều lỗ khoan đã gặp than và sét than dưới độ sâu 350-3500 m. Các vỉa than phân bố trong các trầm tích Oligocen và Miocen trung-thượng. Tổng bề dày các vỉa than: 3-53 m.

Tài nguyên than: Trên phần đất liền (trũng Hà Nội), diện tích phân bố khoảng 3500 km2, có tổng tài nguyên: 37 tỷ tấn (đến -1700 m); trong đó, thuộc phạm vi khối Khoái Châu-Phủ Cừ là 5,7 tỷ tấn, phạm vi khối Tiên Hưng-Kiến Xương là hơn 31 tỷ tấn.

Bể than Nghệ-Tĩnh (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Bể than Nghệ-Tĩnh phân bố hạn chế ở Bắc Trung Bộ gồm các trầm tích chứa than chủ yếu tướng lục địa được xếp vào các hệ tầng Đồng Đỏ tuổi Trias muộn, Nori-Ret và Khe Bố tuổi Oligocen-Miocen giữa. Bể than Nghệ Tĩnh có mắt 3 loại than: antracit (biến chất cao); bitum (biến chất trung bình) và lignit (biến chất thấp).

Tổng tài nguyên, trữ lượng than ở bể Nghệ-Tĩnh phân theo các nhãn than như sau: than lignit-á bitum: 122+333 (C1+C2) là 0,8 triệu tấn; tài nguyên dự báo 334 (P1+P2) là 0,5 triệu tấn; than bitum: 122+333 (C1+C2) là 0,8 triệu tấn; than anthracit: 333 (C2) là 2,2 triệu tấn; tài nguyên dự báo 334 (P1) là 9,5 triệu tấn.

Bể than Nông Sơn

Bể than Nông Sơn phân bố ở tỉnh Quảng Nam, có dạng địa hào, đặc trưng bởi các trầm tích lục địa chứa than, được xếp vào hệ tầng Sườn Giữa tuổi Trias muộn, bậc Ret.

Bể than Nông Sơn có trên 10 vỉa than, chủ yếu dạng thấu kính hoặc dạng vỉa tụ khoángng. Các vỉa than phân bố ở tụ khoáng Nông Sơn có 5 vỉa, tụ khoáng Ngọc Kinh có 5 vỉa, tụ khoáng Sườn Giữa có 8 vỉa. Chiều dày các vỉa than từ 0,42 đến 41,30 m. Than thuộc loại antracit (biến chất cao).

Tổng trữ lượng và tài nguyên các cấp 121+122+333 (B+C1+C2) là 11,3 triệu tấn (đến -200 m); tài nguyên dự báo (334) khoảng 13,5 triệu tấn.

Dải than Cao Bằng-Lạng Sơn

Dải than Cao Bằng Lạng Sơn gồm các thành tạo chứa than Đệ tam phân bố dọc theo đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên, còn gọi là đứt gãy Quốc lộ 4. Dải này không liên tục, kéo dài từ Hoà An, Thất Khê (Cao Bằng), đến Lộc Bình (Lạng Sơn). Các trầm tích chứa than được xếp vào hệ tầng Nà Dương tuổi Oligocen.

Tụ khoáng điển hình là Na Dương, có 9 vỉa than lignit-á bitum, bề dày các vỉa từ 0,4 đến 16,5 m.

Trữ lượng các cấp (2006) đã tính khoảng 97 nghìn tấn, trong đó 99 % thuộc tụ khoáng Na Dương.

Bể than Đệ tam Cửu Long

Bể trầm tích Đệ tam Cửu Long có diện tích khoảng 50.000 km2, nằm trên thềm lục địa ĐN Việt Nam. Nhiều lỗ khoan thăm dò dầu khí đã phát hiện trong các trầm tích Oligocen-Miocen có chứa than lignit đến á bitum. Diện tích phân bố trầm tích chứa than gần 22.000km2, có dạng elip, nằm dọc theo bờ biển từ Phan Rang, Phan Thiết đến mũi Cà Mau. Các vỉa than nằm ở chiều sâu từ -726 đến -2.592 m.

Tài nguyên suy đoán (334b) theo các tài liệu thăm dò dầu khí khoảng 142 tỷ tấn (?), trong đó, đến -1000 m là 45 tỷ tấn và dưới -1000 m là 97 tỷ tấn [VITE, 2007].

Bể than Đệ tam Nam Côn Sơn

Bể trầm tích Đệ tam Nam Côn Sơn nằm ở thềm lục địa ĐN Việt Nam, thuộc khu vực quần đảo Phú Quốc. Diện tích của bể khoảng 100.000 km2. Trong nhiều lỗ khoan gặp các vỉa than và sét than trong trầm tích Oligocen-Miocen ở độ sâu từ -1200 đến hơn -4460 m. Diện tích phân bố trầm tích chứa than là 53.240 km2.

Bề dày các vỉa than từ 0,5 đến 6 m, trung bình 1,37 m. Tổng bề dày các vỉa than thay đổi từ 3 đến 153 m, trung bình 37 m.

Tài nguyên suy đoán (334b) theo các tài liệu thăm dò dầu khí khoảng 647 tỷ tấn than (?) ở độ sâu dưới -1000 m [VITE, 2007].

Bể than Đệ tam Mã Lai-Thổ Chu

Bể Mã Lai-Thổ Chu phân bố ở thềm lục địa TN Việt Nam, thuộc khu vực giáp ranh với lãnh hải Thái Lan và Indonesia. Phần diện tích thuộc lãnh hải Việt Nam khoảng 40.000 km2. Các vỉa than được phát hiện từ chiều sâu -179 đến hơn -3.202 m, trong các trầm tích Oligocen-Miocen.

Số lượng các vỉa than khá lớn, có chỗ tới 100 vỉa (lô 50). Bề dày các vỉa than từ 13 đến 165 m, trung bình 43,72 m, trong đó các lớp than phân bố ở chiều sâu dưới -1000 m, có tổng bề dày từ 5 đến 37 m, trung bình 18 m; còn ở chiều sâu trên -1000 m, tổng bề dày các vỉa than từ 19,64 đến 153 m, trung bình 37 m.

Tài nguyên suy đoán (334b) theo các tài liệu thăm dò dầu khí khoảng 1.482 tỷ tấn (?), trong đó, đến -1000 m là 728 tỷ tấn và dưới -1000 m là 754 tỷ tấn [VITE, 2007].

Một phần của tài liệu TÀI NGUYÊN KHOÁNG sản việt nam (Trang 45 - 51)