7. Cấu trúc luận văn
1.3.1 Khái niệm và đặc trưng của truyện ngắn
Truyện ngắn là một khái niệm quen thuộc nhưng cách hiểu về nó không đơn giản. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận phê bình (trên thế giới như Antônốp, Gulaiép, D.Grojnowski, Pospelốp…; ở Việt Nam như Lê Bá Hán, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Bùi Việt Thắng,…) đã đưa cách hiểu và đề xuất định nghĩa riêng của mình.
Tuy vậy, dù cách diễn đạt khác nhau thì hầu hết, nói đến truyện ngắn, người ta đều dễ dàng thừa nhận cái lõi, cái nòng cốt của thể loại này:
- Truyện ngắn là tác phẩm thuộc loại hình tự sự cỡ nhỏ.
- Phạm vi phản ánh của truyện ngắn khá rộng (có thể bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo là ngắn).
Một trong những xác định súc tích và khá chuẩn về truyện ngắn là định nghĩa của Lại Nguyên Ân: “Một thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ”.[21, tr.1846-1847].
Có chung tính chất là tự sự, ranh giới giữa truyện ngắn và tiểu thuyết khá mong manh. Nhiều người ghi nhận hiện tượng này: truyện ngắn “ít nhiều mang những đặc tính của tư duy tiểu thuyết” (Lại Nguyên Ân), là “một bộ phận của tiểu thuyết” (Bùi Việt Thắng), hay là “một dạng tiểu thuyết đặc biệt” (Vương Trí Nhàn).
Các nhà văn, với trải nghiệm thực tế của mình, đã đưa ra những cảm nhận cụ thể và một số đúc kết đa dạng. Pautopxki đã phát biểu: “Truyện ngắn là truyện viết ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái không bình
thường”.[26]. Aimatov chú ý đến đặc trưng lao động nghệ thuật: “Truyện
ngắn giống như một thứ tranh khắc gỗ, lao động nghệ thuật ở đây đòi hỏi chặt chẽ, cô đúc, các phương tiện phải được tính toán một cách tinh tế, nét vẽ phải chính xác. Đây là một việc vô cùng tinh tế. Xoay xỏa trên một mảnh đất chật hẹp, đó chính là chỗ để cho truyện ngắn phân biệt với các thể tài khác”.[26,
tr.146]. Nhấn mạnh đến chi tiết, Nguyễn Công Hoan cho rằng “Truyện ngắn
không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”.[35, tr.186]. Xuất phát từ những quan niệm tương đối thống nhất về truyện ngắn, chúng ta có thể nêu ra một số đặc trưng cơ bản của thể loại này.
Truyện ngắn thuộc một kiểu tư duy mới mang cá tính sáng tạo, một cách nhìn cuộc đời, nắm bắt đời sống riêng mang tính chất thể loại.
Thế nào là nhỏ? Có thể nói, dung lượng thông thường của một truyện ngắn co
dãn khoảng từ 3 đến 50 trang. Dưới con số 3 trang, người ta gọi là “truyện
ngắn mini”, hoặc “truyện ngắn trong lòng bàn tay”; trên con số 50 trang,
người ta gọi là truyện vừa, trên 100 trang là tiểu thuyết. Những cách gọi này
tương ứng với các khái niệm đoản thiên tiểu thuyết (truyện ngắn) trung thiên tiểu thuyết (truyện vừa) trường thiên tiểu thuyết (truyện dài) vốn phổ biến ở
Việt Nam vào thời kỳ đầu của văn xuôi tự sự hiện đại. Tuy nhiên tính chất
“nhỏ” của truyện ngắn không chỉ nằm ở dung lượng, mà quan trọng hơn là
những quy luật cấu tạo đặc thù của truyện ngắn. Do tính chất ngắn gọn,
truyện ngắn được tổ chức bằng các phương thức và chất liệu đặc biệt.
Về “cách nắm bắt cuộc sống của thể loại”, truyện ngắn không có tham vọng ôm vào mình một hiện thực rộng lớn, hoành tráng. “Ngắn ở đây đồng nghĩa với hàm súc, tinh lọc và hay” (Bùi Việt Thắng). Nguyên tắc chung nhất của truyện ngắn không cho phép “dồn ép” hoặc “nhồi nhét” rút gọn nội dung của một truyện dài, hoặc một hình thức tương đương như thế, thành truyện ngắn. Nếu ta đem cắt tỉa, gọt đẽo một tiểu thuyết vài ba trăm trang xuống chỉ còn vài chục trang thì cái thành phẩm đặc biệt này cũng không phải và không thể trở thành một truyện ngắn. Như vậy, ngắn gọn trong truyện ngắn là cái ngắn gọn tinh lọc và chặt chẽ. Sêkhốp, một bậc thầy truyện ngắn thế giới đã ví: Truyện ngắn cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả phải đâu vào đấy, không có cái gì được thừa. Khác với truyện dài và truyện vừa, truyện ngắn phải là “một lát cắt gọn ghẽ”, “toàn truyện là một cái vòng khép kín không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào”.[30, tr.365]. Để đạt tới tầm cao và chiều sâu của ý tưởng mà vẫn sống động tự nhiên, truyện ngắn “phải lựa chọn được một cách nhìn và một điểm nhìn tập trung, giống như cái tiêu điểm của thấu kính, tập trung ánh sáng mặt trời để có thể đốt cháy đám bùi nhùi”. [1, tr.42]. Các tác giả truyện ngắn thường hướng tới việc khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản
chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người.
Về tác động của truyện ngắn, do tính chất cô đúc, mà nó có sức nén. Đỗ Chu cho rằng: “một truyện ngắn hay có thể làm cho người ta cười lớn hoặc ứa nước mắt” bởi vì “sức chứa trong truyện có thể rất nhiều, sức nổ rất lớn”. Thomas Mann khẳng định: Truyện ngắn tuy bé nhỏ, nhưng “những cái bé nhỏ đó cũng có sức chứa nội tại lớn lao, cũng có thể bao quát được toàn bộ đời sống, có thể đạt được kích thước anh hùng ca và có được tác dụng nghệ thuật chẳng khác gì một sáng tác đồ sộ khác”.[28].
Tính nhanh nhạy, cập nhật cũng là một đặc trưng của truyện ngắn. Với đặc thù ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, truyện ngắn thường gắn liền với hoạt động báo chí, có tác động mạnh mẽ, kịp thời tới cuộc sống. Để đạt được điều này, điều cốt yếu của truyện ngắn là phải “nhạy bén trước những đổi thay của cuộc sống” [26], truyện ngắn cần bắt nhịp nhanh với cuộc sống thời hiện tại. Truyện ngắn là thể loại thích hợp giúp nhà văn tìm hiểu về những vấn đề mới đang được đặt ra trong cuộc sống. Người ta có thể cho phép tiểu thuyết trở về khái quát một giai đoạn đã qua, nhưng truyện ngắn thì không thể làm thế. Truyện ngắn phải trực tiếp đả động đến điều mọi người đang suy nghĩ trong cuộc sống ngày hôm nay, cho dù chất liệu sử dụng trong tác phẩm là những điều xưa cũ.