Phân tích SWOT đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối vớ

Một phần của tài liệu Quản lý vốn lưu động tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Sông Công tỉnh Thái Nguyên (Trang 66 - 71)

5. Kết cấu đề tài nghiên cứu

3.2.3. Phân tích SWOT đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối vớ

với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Công

* Điểm mạnh

Thứ nhất, tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú và đa dạng về chủng loại, đây là một lợi thế đối với các doanh nghiệp tại KCN Sông Công. Với lợi thế về tài nguyên khoáng sản tạo cho các doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh trong phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng.

Thứ hai, nguồn lao động dồi dào đảm bảo cho sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp KCN Sông Công đang có lợi thế rất lớn trong việc tuyển chọn và sử dụng lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng lao động đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệpvà dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thứ ba, các doanh nghiệp được hưởng thụ chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước và của tỉnh. Chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế, quản lý hành chính,

thời gian thuê mặt bằng sản xuất…tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cọ sát với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo nhiều cơ hội trong đầu tư và tìm kiếm các nguồn đầu tư dài hạn, ổn định, hiệu quả cao.

Thứ tư, các doanh nghiệp tại KCN Sông Công chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên số vốn đầu tư ở mức độ vừa phải, mặt bằng cho sản xuất không lớn là có thể bắt đầu hoạt động. Bên cạnh đó, vòng quay sản phẩm nhanh nên có thể tận dụng vốn tự có hoặc vốn vay từ các tổ chức tài chính. Do tính chất linh hoạt cũng như quy mô sản xuất ở phạm vi nhỏ và vừa nên dễ dàng quản lý cũng như ra quyết định, dễ dàng thay đổi đáp ứng yêu cầu của thị trường, có thể thay đổi hướng kinh doanh và hoạt động đầu tư khi cần thiết.

* Điểm yếu

Thứ nhất, các doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Một bộ phận doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trên thương trường, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các cơ hội cũng như nguy cơ mang tính toàn cầu, khả năng chịu áp lực và rủi ro trong kinh doanh thấp, chưa thực sự am hiểu các thông lệ và luật pháp kinh doanh quốc tế.

Thứ hai, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế, khả năng xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp trong dài hạn còn yếu dẫn đến định hướng phát triển doanh nghiệp chưa đáp ứng được thực tế và yêu cầu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tự thỏa mãn hoặc tự ti với những kết quả hiện tại.

Thứ ba, khả năng liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp kém, thậm chí là không có. Mức độ điểm yếu này không phải là quá trầm trọng nhưng rõ ràng nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng xấu đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp thiếu năng lực về quản trị tài chính và điều hành chuyên nghiệp. Đa số các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thông quản trị tài chính vì thói quen quản trị theo kiểu “doanh nghiệp gia đình”. Bên cạnh đó, nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao trong quản trị tài chính còn khan hiếm.

Thứ năm, khó khăn trong việc huy động vốn do thị trường tín dụng bị thắt chặt, việc tìm kiếm các nguồn vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lên khó khăn, chi phí lãi vay cũng biến động không ngừng. Bên cạnh đó, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm không dễ dàng, trên thực tế các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do sản xuất được mở rộng quá nhanh dẫn đến thừa nguồn cung trong sản xuất.

Thứ sáu, trình độ của lực lượng lao động tại các doanh nghiệp còn thấp (Theo Tổng Cục thống kê, năm 2009 tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36,4% lực lượng lao động, trong đó công nhân có bằng cấp trở lên chỉ chiếm 22,37%). Hiện nay, nước ta đang cạnh tranh với thế giới bằng nguồn lao động dồi dào, giá rẻ nhưng trên thực tế lợi thế cạnh tranh này đang dần mất đi, chỉ số đánh giá về trình độ nguồn lao động đang tụt hạng trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu và thiếu lao động được đào tạo. Do vậy, các doanh nghiệp không thể tiếp tục tận dụng lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, thâm dụng lao động mà cần phải tập trung nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Thứ bảy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều hạn chế, hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 10 đến 20 năm so với thế giới. Nếu tiếp tục tận dụng và sử dụng công nghệ lạc hậu thì kết quả sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

* Cơ hội

Tìm hiểu và phân tích các cơ hội trong sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng, giúp cho các doanh nghiệp phát huy thế mạnh đồng thời sẽ có chiến lược phát triển lâu dài và toàn diện. Dựa trên việc đánh giá các tác động của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô, chất lượng nguồn nhân lực… cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có thể nhận ra những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, với mục đích tự do hóa thương mại để trở thành thành viên của WTO các nước thành viên đã tiến hành xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm thuế quan nhập khẩu một cách mạnh mẽ, minh bạch hóa các chính sách và thực hiện cạnh tranh công bằng, tạo nên 1 thị trường rộng lớn có điều kiện thương mại thuận lợi cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt là thành viên của WTO hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi từ các nước thành viên như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp và được đối sử công bằng theo các hiệp định của WTO. Đây là một cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đấy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường thế giới. Hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội đầu tư sang các lĩnh vực đang là thế mạnh của doanh nghiệp.

Thứ hai, Thái Nguyên có tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng. Các loại tài nguyên bao gồm : than (than mỡ, than đá); kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thuỷ ngân… Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng, và trữ lượng đáng kể bismuth, đồng, vàng và một số kim loại khác. Với nguồn tài nguyên phong phú này, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của thành phố Thái Nguyên có thể sử dụng, khai thác hoặc mua trực tiếp tại những công ty khai thác lớn với chi phí rẻ để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, Hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp KCN Sông Công. Hiện nay, các công ty nước ngoài tại Thái Nguyên chưa nhiều nhưng dự đoán trong tương lai sẽ có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Thái Nguyên hơn, lý do là tận dụng nguồn lao động dồi dào, rẻ và có khả năng tiếp thu công nghệ mới. Khi đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội giao lưu với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ mới nhằm sử dụng chúng nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.

Thứ tư, cơ hội tham gia hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thay đổi cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, sử dụng ít nhân công. Tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu công nghệ và đào tạo kỹ thuật cao cho lực lượng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Thứ năm, Cơ chế chính sách của Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên là cơ hội để các doanh nghiệp phát huy thế mạnh và lợi thế trong sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tránh được rủi ro khi tham gia nền kinh tế thị trường. Để tận dụng được ưu đãi về chính sách, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ chuyên môn trong quản lý, xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời từ những điều chỉnh về chính sách của Nhà nước đối với nền kinh tế vĩ mô.

Thách thức:

Mặc dù, các doanh nghiệp có những cơ hội rất tích cực cho việc phát triển, nhưng trước khi lợi dụng những ưu thế của mình để nắm bắt những cơ hội đó thì sẽ phải vượt qua nhiều rào cản, thách thức trước mắt như :

Thứ nhất, Trong tiến trình hội nhập, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng ngày càng nhiều sẽ có những lợi thế nhất định, nhưng cũng sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không có những chiến lược hợp lý trong việc đi tắt đón đầu, tiếp thu những công nghệ, tri thức mới thì sẽ bị đào thải một cách nhanh chóng.

Thứ hai, Trình độ nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp về mặt bằng chung còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu trong đổi mới khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, lợi thế về lực lượng lao động giá rẻ không còn là lợi thế đối với các doanh nghiệp, điều này buộc các doanh nghiệp cần phải đầu tư cho giáo dục đào tạo nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng lao động.

Thứ ba, Khoảng cách về trình độ phát triển khoa học công nghệ quá lớn giữa các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp tại KCN Sông Công nói riêng với các doanh nghiệp nước ngoài đang trở thành thách thức lớn đối với

các doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ trong các ngành như chế tạo, sản xuất. Tụt hậu về khoa học công nghệ làm giảm sức cạnh tranh, khả năng chiếm lĩnh thị trường thậm chí nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thất bại trong kinh doanh.

Thứ tư, Trong mội trường cạnh tranh như hiện nay thì phần lớn các doanh nghiệp tại KCN Sông Công còn rất non trẻ, thiếu vốn kinh doanh cũng như trình độ quản lý, uy tín và bề dày kinh nghiệm. Các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế thể hiện như : kinh doanh trên diện mặt hàng rộng nhưng thiếu chuyên ngành, mạng lưới tiêu thụ còn mỏng, chưa quan tâm và ít thành công trong việc xây dựng khối khách hàng tin cậy và lâu bền, thiếu các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại.

Thứ năm, Năng lực xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn còn hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính và tính chuyên nghiệp trong quản lý tài chính của các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động vốn và sử dụng vốn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu quá trình quản lý và sử dụng vốn không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

3.3. Thực trạng Công tác quản lý vốn lƣu động của các DN tại khu công nghiệp Sông Công

Một phần của tài liệu Quản lý vốn lưu động tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Sông Công tỉnh Thái Nguyên (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)