Nhu cầu giải quyết việc làm và tình trạng thất nghiệp đặc biệt trong thanh thiếu niên là vấn đề gay gắt, bức xúc, diễn ra hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi từng cá nhân và toàn xã hội phải có trách nhiệm quan tâm, giải quyết. Tỉnh Hà Tây có gần 2,5 triệu người, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 1/2 dân số; trong đó lao động ở khu vực nông thôn chiếm tới 76% tổng số lao động. Số người lao động có việc làm gần 98%, số người thiếu việc làm hơn 11%.
Qua tỷ lệ trên ta thấy, tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở nông thôn chiếm số lượng rất lớn. Thêm vào đó, việc sử dụng quỹ thời gian lao động của người có việc làm ở nông thôn còn thấp. Đây thực sự là áp lực không chỉ cho địa phương mà còn cho nhà nước trong việc hoạch định chính sách và hoàn thành những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trình độ của lực lượng lao động ở nông thôn cũng là điều đáng lo ngại. Thực tế, mới chỉ có 10% lao động có trình độ kỹ thuật do đó chất lượng lao động của nông thôn không thể đáp ứng được yêu cầu của thành thị. Vì vậy, dòng người ở nông thôn đổ ra thành phố kiếm việc làm thì cũng chỉ là bán sức lao động với mức lương rẻ mạt, công việc bấp bênh, không ổn định. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?.
Phát triển các ngành nghề TTCN, làng nghề là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương tỉnh Hà Tây. Đây chính là chìa khoá, là giải pháp tối ưu giải quyết tình trạng thất nghiệp -vấn đề nan giải, bức xúc - trong nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hạn chế áp lực quá lớn về dân số và việc làm cho các thành phố lớn, góp phần hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thu nhập kinh tế cao, làng nghề có cơ hội và điều kiện phát triển với đông đảo lực lượng lao động yêu và tâm huyết với nghề, nét văn hoá làng nghề nhờ đó cũng được bảo
lưu gìn giữ. Một tiền đề vững chắc cho sự ổn định an ninh trật tự, hạn chế các tệ nạn xã hội.