Gắn sự phát triển của ngành nghề TTCN với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hoá, khu phố văn minh là chủ trương đúng đắn. Rất nhiều làng ở Hà Tây được tỉnh công nhận hai danh hiệu: làng nghề CN-TTCN đồng thời là làng văn hoá.
Một loạt các bài viết: Làng nón, làng văn hoá Phú Xuyên( HT, 26-6- 04); Đổi thay ở làng Trung Thượng ( HT, 21-8-04); Tìm đường đến ấm no ( HT, 11- 9-04); Đời sống mới ở Đại Phu( HT, 5-3-05); Điểm sáng bên bờ sông Đáy( HT,6-3-05);....phản ánh sự kết hợp giữa nét đẹp và giầu, giữa phát triển kinh tế đồng thời phát triển văn hoá làng nghề.
Tại các làng này, đời sống người dân cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần đều thật sự đổi thay. “ Đến Trung Thượng hôm nay, thấy đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hoá thoáng thông, sạch sẽ, với đầy đủ hệ thống cống rãnh thoát nước, hệ thống đèn đường phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện. Hệ thống đài phát thanh, tủ sách của thôn hoạt động thường xuyên phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền.”.( Bài Đổi thay ở làng Trung Thượng) và đời sống vật chất từ làm nghề thất đáng biểu dương: “Trung Thượng có 70% số lao động tham gia làm hàng bông.. Tổng doanh thu từ nghề truyền thống đạt 74% tổng thu nhập, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4 triệu đồng/năm”.
Tiêu chuẩn làng nghề hay làng văn hoá không phải tự nhiên có được mà đòi hỏi một quá trình nỗ lực cố gắng không ngừng, làng nghề Đại Phu là một ví dụ tiêu biểu. Trong bài, nhân dân nơi đây vừa nỗ lực lao động sản xuất nghề “
nhà nhà lách cách tiếng chẻ lạt, đan hàng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn” vừa tiến hành nhiều biện pháp thiết thực để xây
dựng nếp sống văn hoá trong cộng đồng: “ mở hội nghị bình xét thi đua giữa các cụ trong hội đạt gương sáng, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo...thường xuyên tuyên truyền trên loa để các hộ gia đình tự liên hệ đối chiếu”.( Sức sống mới ở Đại Phu;HT, 5-3-05) . Với sự đồng lòng quyết tâm của toàn thể người dân, làng nghề Đại Phu đã trở thành làng kiểu mẫu qua sự kết hợp hài hoà giữa xây dựng kinh tế giàu mạnh với xây dựng nếp sống văn hoá mới, đời sống văn hoá mới.
Phấn đấu đạt danh hiệu làng nghề đồng thời là làng văn hoá là mục tiêu chung của tất cả các làng có nghề trong tỉnh. Bởi làng nghề và làng văn hoá có mối quan hệ mật thiết, bổ xung cho nhau. Kinh tế làng nghề phát triển chính là góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy truyền thống nhân nghĩa, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; và ngược lại yếu tố văn hoá cũng có tác động tích cực trở lại, tạo nên sự phát triển bền vững, tạo nên nét đẹp riêng mà cũng rất chung mang đậm bản sắc Việt cho làng nghề.
Thông qua các bài viết từ góc độ văn hoá, Báo Hà Tây đã giúp cho những người thợ thêm yêu nghề nghiệp truyền thống tổ tiên đồng thời thức tỉnh thế hệ trẻ, giúp họ nhận ra nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc được lưu giữ trong làng nghề; giúp họ thêm trân trọng, nâng niu hơn những sản phẩm thủ công độc đáo, kết tinh từ bàn tay, khối óc, từ lòng yêu nghề, say nghề, từ khát khao sáng tạo theo quy luật cái đẹp để phục vụ làm đẹp cho đời, cho người. Cái đẹp độc đáo của sản phẩm làng nghề chính là kết tinh, hội tụ từ cái đẹp trong tâm hồn nghệ nhân.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, tình yêu làng nghề, yêu những truyền thống văn hoá làng nghề mà Báo Hà Tây đã tích cực thông tin, tuyên truyền còn khơi dậy niềm tự hào trong người dân làng nghề, để họ thấy vẻ đẹp của chính mình, của quê hương mình, hoà nhập mà không hoà tan, không làm mất đi bản sắc văn hoá riêng độc đáo. Từ đó, mỗi người ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà sâu sắc hơn là gìn giữ bản
sắc văn hoá dân tộc, để nét đẹp văn hoá làng nghề sẽ được mãi lưu truyền và toả sáng.