Yếu tố lớn thứ tư của lợi thế cạnh tranh quốc gia trong một ngành là bối cảnh mà các công ty được thành lập, tổ chức và quản trị cũng như là bản chất của cạnh tranh trong nước. Mục tiêu, chiến lược và cách thức tổ chức công ty trong các ngành khác nhau rất lớn từ nước này sang nước khác. Lợi thế cạnh tranh quốc gia bắt nguồn từ sự phù hợp giữa những lựa chọn này với nguồn gốc lợi thế cạnh tranh trong một ngành. Hình thức cạnh tranh trong nước cũng có vai trò to lớn trong quá trình đổi mới và triển vọng cuối cùng của thành công quốc tế.
Các phương thức quản lý công ty và lựa chọn cạnh tranh chịu sự tác
động của các điều kiện quốc gia. Những sự khác biệt quan trọng giữa các quốc gia về thực tiễn quản trị và những cách tiếp cận xuất hiện trong các lĩnh
vực như đào tạo, nguồn gốc xã hội và xu hướng của nhà lãnh đạo, theo nhóm hay theo thứ bậc, sức mạnh của những sáng kiến cá nhân, công cụ để đưa ra
quyết định, bản chất mối quan hệ với khách hàng, khả năng kết hợp hoạt
động của các chức năng, quan điểm đối với các hoạt động quốc tế và quan hệ lao động. Những sự khác biệt về cách quản trị và những kỹ năng của tổ chức tạo ra những lợi thế và bất lợi thế trong cạnh tranh ở những ngành khác nhau. Quan hệ lao động đặc biệt quan trọng trong nhiều ngành bởi vì nó ảnh hưởng
đến khả năng cải tiến và đổi mới của công ty. Có nhiều yếu tố quan trọng nhất là quan điểm đối với quyền lực, các chuẩn mực trong giao tiếp cá nhân,
quan điểm của người lao động với nhà quản lý và ngược lại, chuẩn mực xã hội đối với hành vi của cá nhân và nhóm, đối với những tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Những tính chất này, đến lượt mình lại xuất phát từ hệ thống giáo
dục, lịch sử xã hôi và tôn giáo, cơ cấu gia đình và nhiều điều kiện khác
thường vô hình nhưng mà tính đặc trưng cho từng quốc gia.
Ngoài ra, luôn có sự gắn bó chặt chẽ giữa cạnh tranh trong nước gay gắt và việc hình thành, duy trì lợi thế cạnh tranh trong một ngành. Có một số lập luận cho rằng, cạnh tranh trong nước là lãng phí do nó dẫn tới việc các công ty phải cùng nỗ lực do đó nó ngăn cản công ty dành được lợi thế từ tính kinh tế
nhờ qui mô. Theo những lập luận này, giải pháp đúng là nuôi dưỡng một hoặc hai công ty thành các “Doanh nghiệp hàng đầu quốc gia” với qui mô và sức mạnh đủ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài hay để thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty. Một số người có quan điểm tương tự khi cho rằng cạnh tranh
trong nước là không quan trọng đối với những ngành công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, cạnh tranh trong nước cũng giống như các hình thức cạnh tranh khác, sẽ tạo ra áp lực buộc các công ty phải cải tiến và đổi mới. Các công
ty trong nước buộc các đối thủ cạnh tranh trong nước phải hạ giá thành, nâng cao chất lượng, cải tiến dịch vụ và tạo ra những sản phẩm mới. Mặc dù các công ty có thể không duy trì được lợi thế trong một thời gian dài nhưng áp lực từ các đối thủ sẽ thúc đẩy đổi mới do tâm lý lo âu khi bị tụt hậu tương tự như
những khuyến khích có được khi tiến lên phía trước. Cạnh tranh trong nước không nhất thiết chỉ giới hạn ở cạnh tranh giá cả. Trên thực tế, cạnh tranh dưới những hình thức khác như cạnh tranh công nghệ cũng dẫn đến những lợi thế
quốc gia bền vững hơn. Cạnh tranh giữa các công ty xuất phát từ cùng một
nước sẽ đặc biệt có lợi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, các đối thủ
cạnh tranh trong nước sẽ tạo ra những áp lực dễ nhận thấy buộc phải cải tiến. Sự thành công của một đối thủ cạnh tranh trong nước sẽ là dấu hiệu và chứng minh cho các công ty khác thấy rằng họ hoàn toàn có thể phát triển như thế. Thực tế này cũng thường thu hút các đối thủ khác vào ngành.
Quá trình cạnh tranh trong nước cũng tạo ra lợi thế cho toàn bộ ngành trong nền kinh tế quốc dân. Một nhóm các đối thủ cạnh tranh trong nước sẽ
thử nghiệm các phương thức tiếp cận chiến lược khác nhau và tạo ra một loạt các sản phẩm và dịch vụ trên nhiều phân đoạn thị trường. Điều này sẽ thúc
đẩy quá trình đổi mới và với phạm vi sản phẩm rộng lớn, nhiều phương thức chiến lược sẽ tạo dựng hàng rào bảo vệ trước sự xâm nhập của các công ty
nước ngoài. Lợi thế của các ngành quốc gia sẽ được tạo dựng bền vững hơn
nhờ loại bỏ các cơ hội thâm nhập của các công ty nước ngoài. Những ý tưởng tốt sẽ được đối thủ cạnh tranh trong nước bắt chước và cải tiến, nhờ đó đẩy nhanh tốc độ đổi mới trong ngành. Các kiến thức và kỹ năng trong ngành cũng sẽ được tích lũy khi các công ty bắt chước lẫn nhau và khi có sự luân chuyển lao động giữa các công ty. Do một công ty không thể giữ tất cả những kiến thức và kỹ năng cho chính bản than mình nên toàn bộ ngành đó có lợi nhờ tốc độ đổi mới nhanh chóng. Trong phạm vi một nước, các ý tưởng được lan truyền nhanh hơn so với giữa các quốc gia do các công ty nước ngoài khó có thể tham gia vào quá trình này. Mặc dù một công ty đơn lẻ không thể độc quyền tiến trình đổi mới trong thời gian dài, toàn bộ ngành đó sẽ phát triển
nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và việc này hỗ trợ khả năng
kiếm lời của nhiều công ty trong nước.