CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.6.1. Tỷ lệ biến chứng sau mổ
Trong bảng 3.32 “ Kết quả điều trị sau mổ” thấy tỷ lệ biến chứng sau mổ hoại tử ruột là khá cao, có 10 bệnh nhân sau mổ có biến chứng ( 25%). Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với tỷ lệ biến chứng chung sau mổ tắc ruột (5.8% - nghiên cứu của Trần Nhật Hùng – Nguyễn Thanh Long).[12]
Theo bảng 3.33“ Tỷ lệ biến chứng sau mổ” thấy trong 40 bệnh nhân nghiên cứu không có trường hợp nào rò tiêu hóa sau mổ, không có trường hợp nào bục miệng nối, viêm phúc mạc sau mổ, không có trường hợp nào tử vong hay nặng xin về sau mổ.
Có 10 bệnh nhân có biến chứng sau mổ trong đó có 4 bệnh nhân ( 40%) biến chứng là ỉa chảy & suy kiệt sau mổ. Các bệnh nhân này đều rơi vào nhóm nguyên nhân hoại tử ruột là do xoắn quanh gốc quai ruột. Đồng thời trong nhóm này có 2 bệnh nhân trước đó được phẫu thuật cắt khối tá tụy và cắt bán phần dạ dày, cả 4 trường hợp này đều có đoạn ruột còn lại dưới 120cm.
2 trường hợp suy kiệt/ làm hậu môn nhân tạo có đoạn ruột còn lại dưới 120 cm và bị cắt mất van hồi manh tràng.
2 bệnh nhân có tình trạng sock nhiễm khuẩn trước và sau mổ (20%), các thương tổn phối hợp này làm cho tình trạng bệnh càng nặng nề hơn.
Có 2 trường hợp nhiễm trùng vết mổ/ bệnh nhân được làm hậu môn nhân tạo.
Các triệu chứng ỉa chảy và suy dinh dưỡng là biểu hiện của hội chứng ruột ngắn khi đoạn ruột non còn lại của cơ thể dài dưới 120 cm. Bệnh càng nặng nề hơn trên bệnh nhân bị cắt mất van hồi – manh tràng. Biểu hiện điển hình nhất của giai đoạn ngay sau mổ mỗi ngày bệnh nhân mất một khối lượng dịch và điện giải khoảng 2 lít do ỉa chảy. Mức độ ỉa chảy sẽ giảm xuống sau vài tuần và duy trì ở mức độ có thể chấp nhận được trong đa số trường hợp. Bệnh nhân dần dần có khả năng thích nghi, từ chỗ phụ thuộc nhiều vào nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, có thể chỉ dùng đường ăn qua miệng nhờ vào khả năng hấp thụ ruột của đoạn còn lại ngày càng tăng hơn.Vì vậy việc nuôi dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng lúc đầu tuy phải dùng qua đường tĩnh mạch nhưng cũng phải phối hợp đồng thời cả đường ruột.
6 bệnh nhân có đoạn ruột ngắn hơn 120 cm sau mổ hầu hết được điều trị bằng 2 nhóm kháng sinh phối hợp là Cephalosporin thế hệ III và Metronidazon, đều được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch bằng các dịch
truyền giàu dĩnh dưỡng như Albumin 20%, Amino N Hepa, Nutriflex, FDP, …vv. Bù điện giải bằng muối canxi, kali, magie phối hợp với nuôi dưỡng sớm qua đường miệng, các bệnh nhân được cho ăn sớm khi trung tiện, ăn lỏng, chia làm nhiều bữa hoặc nuôi dưỡng nhân tạo qua dẫn lưu hỗng tràng. Trong nghiên cứu của chúng tôi thời gian bệnh nhân bắt đầu ăn sau mổ sớm nhất là 3 ngày, muộn nhất là sau 19 ngày ( là trường hợp bệnh nhân bị sock nhiễm khuẩn sau mổ) thời gian trung bình bệnh nhân ăn sau mổ là 5.7 ngày. (bảng 3.34)
Như vậy có thể thấy với những bệnh nhân hoại tử ruột vấn đề nuôi dưỡng bệnh nhân sau mổ cũng hết sức quan trọng, việc bệnh nhân phải nhịn ăn uống, mất chức năng dinh dưỡng đường tiêu hóa trong một thời gian dài, việc cắt bỏ đoạn ruột, việc nuôi dưỡng qua đường tình mạch không đảm bảo nhu cầu năng lượng của bệnh nhân. Đó là những vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình hàn gắn vết thương sau mổ.
Nhiễm trùng vết mổ: trong nghiên cứu của chúng tôi có 2 bệnh nhân (20%) trong nhóm biến chứng (10 bệnh nhân) bị nhiễm trùng vết mổ. hai bệnh nhân này đều được dẫn lưu hỗng tràng. Nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao khi dịch phân chảy ra ngay bên cạnh vết mổ. Do vậy để tránh nhiễm khuẩn một mặt phải tuân thủ nguyên tắc vô trùng, bao bọc kỹ trường mổ và vết mổ mặt khác việc phối hợp sử dụng kháng sinh sau mổ là rất quan trọng. Trong nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu bệnh nhân sau mổ thường được phối hợp hai kháng sinh phổ rộng (cephalosporin III) và một kháng sinh đường tiêu hóa ( Metronidazon). Tỷ lệ nhiễm trùng trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn một số tác giả khác.
Tử vong sau mổ: trong nghiên cứu của chúng tôi không có trường hợp nào tử vong sau mổ, so với nhiều nghiên cứu khác tỷ lệ tử vong sau mổ trong nghiên
cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Hữu Thành 9.7% [24] Nguyễn Đức Ninh 3.2% [20] và Gamma A.L 6% [36]