Tài sản bảo đảm được coi là nguồn thu nợ thứ hai sau nguồn thu nợ thứ nhất không có khả năng hoàn trả. Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, nhu cầu vốn của khách hàng là rất lớn nhưng thị trường vốn cũng rất sẵn đối với những khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Do vậy, để khách hàng dễ tiếp cận với chi nhánh khi có nhu cầu vay vốn, tăng tính cạnh tranh so với các ngân hàng khác, trước hết danh mục tài sản bảo đảm của chi nhánh cần phong phú, phù hợp với khả năng của khách hàng trên cơ sở những quy định của pháp luật.
Bên cạnh các TSBĐ thông dụng như hiện nay gồm bất động sản, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, Chi nhánh cần nghiên cứu mở rộng hình thức
đảm bảo bằng các hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mời thầu, hợp đồng bán hàng cung cấp hàng hóa dịch vụ, các khoản phải thu của khách hàng…nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên để làm được điều này không phải đơn giản, đòi hỏi ngân hàng phải có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm trong công tác thẩm định, có hệ thống thông tin rộng khắp…Do vậy ngân hàng cần có lộ trình cụ thể phù hợp với từng giai đoạn.
Đa dạng hóa TSBĐ là biện pháp trong ngắn hạn, nó còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế, cũng như chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ, cần xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp, điều quan trọng là cán bộ tín dụng phải linh hoạt trong việc lựa chọn TSBĐ đảm bảo phù hợp và an toàn nhất.